Toàn cảnh thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG: Dự án đã “đẩy” hai cựu Bộ trưởng vào nhà tạm giam

VietTimes -- Dù nhận thức rõ và định lượng được hậu quả, nguy cơ gây hậu quả nếu thực hiện đầu tư, Mobifone vẫn trình Bộ TTTT thông qua việc mua cổ phần AVG. Ngược lại, Bộ TTTT cũng đã mắc nhiều vi phạm, khuyết điểm khi chỉ đạo Mobifone trong quá trình thực hiện dự án, ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận thức, định lượng được hậu quả nhưng vẫn đầu tư

Vào đầu năm 2016, Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) đã công bố thông tin về việc mua lại 95% cổ phần của CTCP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Giá trị thương vụ sau đó được xác định lên tới 8.889,8 tỷ đồng, chiếm gần 60% vốn điều lệ Mobifone.

Mobifone cho biết đây là bước đi chiến lược nhằm giúp tập đoàn này cụ thể hóa 4 lĩnh vực, bao gồm: di động - bán lẻ - truyền hình - đa phương tiện. Thương vụ được thực hiện trong khi Mobifone đang tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp.

Nhưng đằng sau bước đi chiến lược ấy, thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố ngày 22/3/2018 lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác, theo hướng tiêu cực, với nhiều vi phạm được chỉ rõ.

Thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG, kể từ khi thành lập (năm 2008) cho đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua cổ phần, được TTCP đánh giá là “rất khó khăn”. Doanh nghiệp này liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư ngoài ngành của AVG cũng được nhận định là “tiềm ẩn rủi ro về tài chính, có dấu hiệu bất thường”.

Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2015, AVG đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 1.632,9 tỷ đồng, chiếm tới 45% vốn điều lệ. Nguồn vốn phục vụ cho kinh doanh truyền hình của AVG được TTCP xác định chủ yếu đến từ vốn vay và vốn chiếm dụng. Nguồn vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, với giá trị lên tới 2.659,907 tỷ đồng, chiếm 73,3% vốn điều lệ AVG (tính đến 31/3/2015).

Đáng chú ý, đây chủ yếu là các khoản đầu tư ngoài ngành (giá trị ghi nhận là 2.473,2 tỷ đồng) được AVG dùng để mua lại 3,96 triệu cổ phần tại CTCP giống tằm Mai Lĩnh (673,2 tỷ đồng) với dự tính khu đất tại Hà Đông mà công ty này đang sử dụng sẽ được chuyển thành dự án bất động sản; còn 1.800 tỷ đồng được dùng để nhận chuyển nhượng 15 triệu cổ phần tại CTCP An Viên B.P với dự tính trong năm 2016 sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác dự án khai thác mỏ quặng Bouxite Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất tại tỉnh Bình Phước.

Cũng theo kết luận của TTCP, trong quá trình lập dự án đầu tư, Mobifone đã nhận thức rõ 2 vấn đề cốt lõi (và cũng được TTCP nhắc tới nhiều lần trong kết luận) là giá mua cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư. Thậm chí, tập đoàn này cũng nhận thức rõ và định lượng được hậu quả, nguy cơ gây hậu quả nếu thực hiện đầu tư vào AVG.

Dù vậy, khi báo cáo đề xuất trình Bộ TTTT tập đoàn vẫn cho rằng phương án mua lại cổ phần của AVG là “vượt trội hơn so với phương án Mobifone tự đầu tư” và đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp này.

Mặt khác, khi mua cổ phần AVG, Mobifone cũng không thực hiện loại 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình được TTCP đánh giá là “hành vi làm trái quy định, tiềm ẩn nguy cơ lỗ lớn khi AVG thoái vốn đầu tư theo giá thị trường, làm giảm lợi nhuận hợp nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone”.

AVG được định giá như thế nào? (Nguồn: Internet)
AVG được định giá như thế nào? (Nguồn: Internet) 

Ngoài ra, TTCP xác định Mobifone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc: lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần.

Nguy cơ gây thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng, ảnh hưởng tới cổ phần hóa

Sau khi Mobifone ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG, ngày 22/1/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản nêu rõ ảnh hưởng trực tiếp với nhiều nguy cơ, rủi ro khi tập đoàn đang tiến hành cổ phần hóa và đã “đề nghị dừng thực hiện dự án”. Tại thời điểm này, Mobifone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Tới đầu tháng 8/2016, Thủ tướng đã chỉ đạo TTCP tiến hành thanh tra toàn diện việc Mobifone mua cổ phần AVG, chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm. TTCP đã thực hiện thanh tra tất cả các giai đoạn trong quá trình thực hiện dự án như: việc đề xuất đầu tư, lập dự án đầu tư; việc trình, phê duyệt dự án đầu tư; việc thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư.

Đến ngày 22/3/2018, TTCP đã chính thức công khai kết luận thanh tra toàn điện. Trong đó, TTCP đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm của Mobifone, Bộ TTTT và các cơ quan có liên quan.

Kết luận cho biết, dù chưa chắc chắn về hiệu quả đầu tư nhưng Bộ TTTT vẫn thực trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Trong đó, bao gồm cả 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền thông của AVG (mặc dù trước đó đã chỉ đạo Mobifone không mua 2 khoản đầu tư này).

TTCP cũng xác định việc đầu tư vào AVG gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỷ đồng.

Nhận định đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, TTCP đã kiến nghị xem xét, khởi tố điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, ngày 8/3/2018, Ban bí thư cũng đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ.

Đáng chú ý, trước thời điểm công bố kết luận của TTCP, ngày 12/3/2018, đại diện Mobifone và AVG đã có buổi làm việc (dưới sự có mặt của lãnh đạo Bộ TTTT) thống nhất hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần mua bán AVG giữa hai bên.

Theo một số nguồn tin, các cổ đông AVG sẽ trả lại toàn bộ số tiền bán cổ phần đã được Mobifone thanh toán (bao gồm thêm khoản lãi được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của một ngân hàng do Mobifone chỉ định), thực hiện thanh toán các chi phí liên quan mà Mobifone đã trả cho các đơn vị liên quan tới giao dịch.

Ngược lại, MobiFone sẽ hoàn trả các cổ đông chuyển nhượng số cổ phần và các tài sản của AVG mà MobiFone đã nhận chuyển nhượng. Các bên sẽ khẩn trương xem xét và thực hiện các việc cần thiết “đảm bảo không bên nào phải chịu bất kỳ thiệt hại gì do việc ký và thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng”.

Phải tới ngày 18/12/2018, Mobifone mới hoàn thành việc chấm dứt dự án mua cổ phần với AVG.

Cụ thể, MobiFone đã thu lại tổng số tiền là hơn 8.775 tỷ đồng, trong đó: số tiền gốc mà MobiFone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỷ và các chi phí khác. Ở chiều hướng ngược lại, MobiFone cũng đã trả lại 344.660.000 cổ phần cho các cổ đông của AVG.

Xử lý các cá nhân vi phạm

Sau một thời gian điều tra, tới ngày 10/7/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Mobifone, Bộ TTTT cùng các đơn vị liên quan.

Cùng ngày, nhà chức trách cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Lê Nam Trà (Chủ tịch HĐTV Mobifone) và ông Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TTTT).

Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào ngày 10/11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục có chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ việc Mobifone mua cổ phần AVG.

Liên quan đến vụ việc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong phiên họp kỳ 31 (từ ngày 12 đến 14/11/2018) đã đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh và một số lãnh đạo các đơn vị có liên quan. 

Mới đây, ngày 23/2/2019, nhà chức trách đã ra các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Bắc Son (nguyên Bộ Trưởng Bộ TTTT) và ông Trương Minh Tuấn (nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT).

Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa bị bắt là ông Nguyễn Bắc Son (bên trái) và ông Trương Minh Tuấn (bên phải) - Ảnh: mps.gov.vn
Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa bị bắt là ông Nguyễn Bắc Son (bên trái) và ông Trương Minh Tuấn (bên phải) - Ảnh: mps.gov.vn

Đây được xem là diễn biến mới nhất của hoạt động điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Mobifone. Cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các bị can và những người có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 14/11/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố, bắt tạm giam ông Cao Duy Hải (nguyên Tổng giám đốc Mobifone) với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam bà Phạm Thị Phương Anh (Phó tổng giám đốc Mobifone) về cùng tội danh./.