Bản báo cáo từng bị trì hoãn trong một khoảng thời gian dài cho hay, Vành đai và Con đường – dự án đồ sộ nhằm xây dựng một loạt cảng biển, tuyến đường sắt, đường bộ, cầu cùng nhiều khoản đầu tư khác để kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua khu vực Trung và Nam Á – có thể giúp 32 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo nếu được thực thi hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, sáng kiến này vẫn tồn tại “nhiều rủi ro lớn” – WB cho hay.
“Để đạt được các tham vọng mà sáng kiến Vành đai và Con đường đề ra, cần phải có nhiều bước cải cách đầy tham vọng từ các nước tham gia” – Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch WB chuyên trách vấn đề tăng trưởng bình đẳng, nói trong một tuyên bố.
“Cải thiện về đăng tải dữ liệu cùng tính minh bạch – đặc biệt là về khoản nợ - tuân thủ ở mức cao nhất các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường sẽ đóng góp quan trọng cho sáng kiến này” – bà Pazarbasioglu nói thêm.
Tân Chủ tịch WB, ông David Malpass, đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai về sáng kiến Vành đai và Con đường tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 4 vừa qua, thay vào đó thực hiện chuyến công du đầu tiên tới châu Phi. Ông Malpass là người có quan điểm phản đối Vành đai và Con đường từ khi ông còn là quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng sáng kiến này gây ảnh hưởng tới một số quốc gia có các khoản nợ không bền vững.
Báo cáo mới của WB chỉ ra rằng đối với một số quốc gia, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng mới còn vượt quá cả những lợi ích kinh tế mà họ có thể thu được, và lợi ích sẽ bị chia sẻ một cách không đồng đều giữa các quốc gia tham gia sáng kiến. Mức lợi thuận thực tế mà các nước như Cộng hòa Kyrgystan, Pakistan, Thái Lan có thể nhận được là khoảng hơn 8%; nhưng các nước như Azerbaijan, Mông cổ và Tajikistan có thể nhận phải ảnh hưởng tiêu cực về an sinh xã hội do phải chi ra số tiền quá cao xây dựng cơ sở hạ tầng.
WB nhận định rằng thu nhập thực tế mà hành lang kinh tế Vành đai và Con đường mang lại có thể lớn hơn từ 2 - 4 lần nếu như các nước tham gia gỡ bỏ được các hạn chế về thương mại và thực hiện cải cách nhằm giảm chậm trễ thủ tục thông quan.
Sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào Vành đai và Con đường – giờ được thống trị bởi các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc – có thể giúp duy trì sáng kiến này trong dài hạn, nhưng các nước tham gia sẽ cần phải thực hiện nhiều bước cải cách sâu rộng để cải thiện môi trường đầu tư của họ; trong đó phải nhắm tới tăng cường bảo đảm pháp lý và các quy định chặt chẽ hơn.
“Chúng ta biết rất ít về tiến trình lựa chọn các công ty” tham gia vào Vành đai và Con đường – báo cáo nhận định – “Việc hướng tới sự mở cửa và minh bạch sẽ giúp cho các dự án của sáng kiến này được đặt vào tay các công ty đáng tin cậy”.
Ngoài ra, theo báo cáo, các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường cũng cần phải tăng tính minh bạch xét về các khoản nợ và điều kiện tham gia, để cho phép Chính phủ các nước đánh giá mức độ rủi ro về khả năng duy trì khoản nợ của họ.
Theo Reuters