Nga vs Ukraine: Tương quan lực lượng và viễn cảnh có thể xảy ra trong một cuộc chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo chuyên gia phương Tây, quân đội Ukraine chỉ bằng một nửa kích cỡ so với quân đội Nga, có nhiều yếu điểm trong phòng không và tác chiến điện tử.
Lính dự bị Ukraine trong một cuộc tập trận ở Kiev ngày 18/12 (Ảnh: EPA)
Lính dự bị Ukraine trong một cuộc tập trận ở Kiev ngày 18/12 (Ảnh: EPA)

Các lực lượng vũ trang Ukraine bị quân đội Nga áp đảo cả về số lượng lẫn vũ khí, nhưng cũng có thể tạo ra sự phản kháng ở một mức độ nhất định và có thể buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải trả một cái giá đáng kể, khoảng vài nghìn binh sĩ, trong trường hợp hai bên xảy ra xung đột vũ trang.

Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng quân đội Ukraine được huấn luyện và trang bị tốt hơn nếu so với thời điểm năm 2014, khi Crimea trở lại là một phần của nước Nga mà không xảy ra chiến sự, và có động cơ chiến đấu cao độ vì phải bảo vệ đất nước. Vì những lý do này, giới phân tích cho rằng Tổng thống Putin khó có khả năng chinh phục áp đảo được Ukraine.

“Chúng ta sẽ không chứng kiến một mũi tên đỏ khổng lồ xuyên thủng Ukraine. Tôi không tin rằng người Nga có đủ khả năng áp đảo hoàn toàn và chiếm được toàn Ukraine, cũng không tin rằng họ muốn làm đến mức đó” – Ben Hodges, vị tướng về hưu của Mỹ và giờ là chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), nhận định.

Tổng thống Putin và tướng Valery Gerasimov tại một hội nghị bàn về việc Mỹ các nhà thầu quốc phòng tới khu vực phía Đông Ukraine (Ảnh: AP)

Tổng thống Putin và tướng Valery Gerasimov tại một hội nghị bàn về việc Mỹ các nhà thầu quốc phòng tới khu vực phía Đông Ukraine (Ảnh: AP)

Ông và nhiều chuyên gia khác cho rằng, một viễn cảnh khác là Nga có thể đẩy quân từ hai hướng Tây và Nam của vùng Donbass, Ukraine – hiện đang dưới tầm kiểm soát của các lực lượng thân Nga – để tạo kết nối với Crimea và Biển Đen. Nhưng ngay cả như vậy cũng có thể khiến Nga chịu thương vong đáng kể.

Siemon Wezeman, - chuyên gia và vũ trang tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) – nói rằng mức độ phản kháng của Ukraine chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với sự phản kháng mà Nga từng phải đối mặt ở Chechnya trong những năm 1990 hay trong cuộc chiến ở Georgia năm 2008.

“Có, họ có thể đánh bại các lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng sẽ phải chật vật khi tấn công một nước như Ukraine với người dân rõ ràng chống lại bạn, và được trang bị tận răng, nơi mà phần lớn đàn ông đã trải qua huấn luyện quốc phòng sơ cấp. Bạn sẽ bước vào một khu vực với mức độ khó ngang bằng Chechnya nhân với 10 lần, hay Georgia nhân với 30 lần” – ông Wezeman nói.

“Và sau đó bạn còn phải bảo vệ mình trước dư luận trong nước, trong trường hợp báo cáo bị mất 10.000 lính chỉ trong vài ngày đầu, chỉ để ủng hộ những người ly khai ở Donbass. Tôi cho rằng điều này sẽ tạo ra điều tiếng không tốt ở Nga” – vị chuyên gia này nói thêm.

Hệ thống phóng rocket BM-21 "Grad" của Nga trong cuộc tập trận ở Orenburg, Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Hệ thống phóng rocket BM-21 "Grad" của Nga trong cuộc tập trận ở Orenburg, Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Ukraine cáo buộc rằng, Nga điều 92.000 binh sĩ ở gần biên giới của họ, trong khi Mỹ nói rằng một cuộc tấn công mà Nga thực hiện sẽ có quy mô lên tới 175.000 binh sĩ, có khả năng xảy ra vào tháng 1/2022.

Moscow đã cực lực bác bỏ cáo buộc của Mỹ và Ukraine, nói rằng họ có quyền được điều động binh sĩ trên lãnh thổ của mình. Nga nói rằng họ nhận thấy mối đe dọa từ việc Ukraine ngày càng thắt chặt quan hệ với NATO – tổ chức mà Kiev nói sẽ gia nhập – và đang yêu cầu phương Tây đưa ra các đảm bảo về mặt an ninh để tháo gỡ khủng hoảng.

Binh sĩ Nga lên các tàu đang neo ở Crimea trong một cuộc tập trận. Ảnh được công bố ngày 23/4/2021 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Binh sĩ Nga lên các tàu đang neo ở Crimea trong một cuộc tập trận. Ảnh được công bố ngày 23/4/2021 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Xét về khía cạnh nhân lực và vũ khí, phần ưu thế chắc chắn nghiêng về phía Nga.

Quân đội Nga hiện có khoảng 280.000 binh sĩ, gần gấp đôi quân đội Ukraine, và nếu xét về tổng các thành viên thuộc lực lượng vũ trang thì lên tới 900.000, gấp hơn 4 lần so với Ukraine. Với 2.840 chiếc, số lượng xe tăng chiến đấu của Nga cao gấp 3 lần so với Ukraine; theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trụ sở tại London, Anh.

Mặc dù Ukraine đã tăng ngân sách quốc phòng trong suốt khoảng thời gian từ 2010 đến 2020, nhưng chi tiêu quốc phòng của họ trong năm ngoái chỉ lên tới 4,3 tỉ USD, bằng 1/10 so với của Nga.

“Xét về phòng không và tác chiến điện tử, có một khoảng cách lớn giữa lực lượng hai nước. Ukraine rất dễ bị áp đảo hoàn toàn trên không” – Yohann Michel, chuyên gia phân tích của IISS, nói.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga trước khi cất cánh (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga trước khi cất cánh (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Nga sẽ tìm cách tận dụng sự ưu việt của họ trong tác chiến điện tử để làm tê liệt bộ tư lệnh của đối thủ và cắt đứt thông tin liên lạc của Ukraine nhờ vào các đơn vị trực chiến, ông Michel nói. Nhưng kinh nghiệm chiến đấu của Ukraine ở Donbass cùng với các vũ khí phòng không tầm ngắn, vũ khí chống tăng của họ - trong đó có tên lửa Javelin do Mỹ chế tạo – sẽ giúp làm chậm đà tiến của quân đội Nga.

“Nó sẽ không dễ ăn như một miếng bánh bởi vẫn có một số lượng khá lớn binh sĩ Ukraine. Phần lớn trong số họ có động lực chiến đấu, bởi vậy họ có thể chiến đấu đến cùng” – ông Michel nói.

Thậm chí trong trường hợp bị đánh bại, Ukraine có thể mở kho vũ trang, cung cấp vũ khí cho người dân và khiến Nga đối mặt với kiểu chiến tranh du kích rất khó chịu. “Tôi sẽ không muốn lưu lại ở bất cứ khu vực nào mà Nga chiếm được trong vòng 6 tháng”, ông nói.

Cựu tướng Hodges cho rằng, mặc dù xét về quân số thì Ukraine không thể nào sánh được với Nga, nhưng “như các bạn đã biết trong lịch sử, chiến tranh không chỉ là vấn đề số lượng”. “Người dân Ukraine có thể sẽ trở nên rất thù địch, một khi lực lượng Nga tiến sâu về phía Tây. Điều này sẽ khiến lực lượng Nga trả giá đắt”, ông nói.

Theo SCMP