Nga tung hoành khiến Mỹ, NATO “tắt điện” tại Syria

Tổ hợp quân sự Nga tại Syria cạnh tranh với các căn cứ quân sự Mỹ tại khu vực đông Địa Trung Hải, tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với quyền kiểm soát của Mỹ tại đông Địa Trung Hải và là một dạng thách thức Mỹ chưa từng vấp phải kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Năng lực quân sự Nga thể hiện tại Syria khiến phương Tây choáng váng
Năng lực quân sự Nga thể hiện tại Syria khiến phương Tây choáng váng

Nga triển khai rất nhiều các hệ thống vũ khí và tác chiến điện tử tiên tiến, cũng như đàm phán đặt căn cứ không quân thường trực tại Lataka, thách thức sự thống trị của Mỹ tại Đông Địa Trung Hải lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến hai.

Nga vừa cung cấp thêm nhiều thông tin về việc triển khai mới tại Syria. Moscow xác nhận rằng các trực thăng chiến đấu M-17 và Mi-24 đã được máy bay vận tải hạng nặng chuyển tới Syria.

Họ cũng triển khai các máy bay trinh sát An-124 và Il-76 tại căn cứ Latakia. Hiện nay cũng xác nhận rằng các chiến đấu cơ và máy bay ném bom đã tự bay tới Syria. Có vẻ một số máy bay đến từ căn cứ không quân Budyonnovsk tại khu vực Stavropol, một khu vực ở phía bắc Caucasus. Để tới được Syria, các máy bay phải bay qua biển Caspian, lãnh thổ Iran và Iraq.

Giai đoạn đầu xây dựng căn cứ không quân Latakia, Mỹ đã ra tay chặn Nga sử dụng không phận Nam Âu, do đó không có đường khác. Máy bay Su-34 có khả năng tiếp dầu trên không với tầm bay trực tiếp đến Latakia từ Budyonnovsk.  Các chiến đấu cơ Su-30 và Su-24 cũng có khả năng tương tự. Việc này không thể diễn ra mà không có sự trợ giúp của chính quyền Iran và Iraq. Nó cũng chứng tỏ Nga đã có những hoạt động ngoại giao kỹ lưỡng trước khi triển khai vũ khí tới Syria.

Nga nói Mỹ đã thất bại trong việc phát hiện Nga triển khai binh lực, bất chấp Mỹ tăng cường thu thập tình báo tại khu vực. Tuyên bố của Nga được xác nhận bởi nguồn từ Mỹ. Tạp chí Aviationist cho biết các chiến đấu cơ và máy bay ném bom Nga đã thoát khỏi sự phát hiện của Mỹ bằng cách bay bám theo các máy bay vận tải Il-76. Mỗi chiếc Il-76 bay kèm 4 chiến đấu cơ để đánh lừa hệ thống radar.

Một thao tác như vậy đòi hỏi trình độ và kỹ năng rất cao của phi công cũng như tính kỷ luật để bảo đảm đội hình bay rất sát nhau và tắt liên lạc radio trong suốt chuyến bay dài – một thực tế cho thấy trình độ huấn luyện phi công rất cao của Nga liên quan tới chiến dịch quân sự.

Lắp bom lên chiến đấu cơ trước giờ xuất kích

Phi công Nga tác chiến tại Syria đều là những người dày dạn kinh nghiệm chiến đấu
Phi công Nga tác chiến tại Syria đều là những người dày dạn kinh nghiệm chiến đấu

Nga xác nhận rằng tất cả các phi công chiến đấu tại Latakia đều là các cựu binh dày dạn chiến đấu. Trước đó, họ đã có kinh nghiệm tại chiến trường Chechny và Nam Ossetia năm 2008. Thực tế, Nga cảm thấy cần thiết phải triển khai các chiến đấu cơ theo cách bí mật cho thấy lo ngại Mỹ có thể tìm cách ngăn chặn hoặc phòng ngừa Nga triển khai quân sự tại Syria.

Như đã thảo luận trước đó, tên lửa hành trình Nga đã đánh vào các mục tiêu thánh chiến tại Syria với ý đồ gửi một lời cảnh báo tới Mỹ, cho thấy Nga có khả năng trả đũa nếu Mỹ dùng tới đòn đánh tầm xa.

Nga cũng đã triển khai các hệ thống gây nhiễu điện tử tối tân tại căn cứ không quân Latakia. Nga vốn có truyền thống xuất sắc về tác chiến điện tử. Hệ thống được triển khai tại Latakia là Khrasukha-4 do tổ hợp KRET của Nga chế tạo. Đây là một hệ thống tác chiến điện tử di động cực kỳ tối tân, có khả năng gây nhiễu không chỉ với liên lạc radio mà cả hệ thống radar hàng không (bao gồm các máy bay cảnh báo sớm AWACS) và cả các vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp.

Một số nhà bình luận thậm chí còn nói rằng hệ thống Krasukha-4 cung cấp cho Nga một công cụ “đóng cửa” không phận đối với các máy bay Mỹ. Tuy nhiên, đây là sự thổi phồng, không hề có thông tin về việc  Krasukha-4 triển khai tại Syria để làm việc này. Tuy nhiên, hệ thống Krasukha-4 tạo cho Nga khả năng tiềm tàng phá liên lạc, hệ thống radar hàng không, máy bay không người lái và vệ tinh của Mỹ nếu quan hệ Nga với Mỹ và các đồng minh leo thang.

Cùng với sự hiện diện của các hệ thống vũ khí khác: các tiêm kích Su-30SM và hệ thống tên lửa phòng không S-300, tàu tuần dương tên lửa Moskva hoạt động ngoài khơi Syria và các tên lửa hành trình Kalibr phóng từ biển Caspian – hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 lý giải tại sao Mỹ không có hành động quân sự chống lại Nga và hầu như khả năng này bị loại trừ.

Hệ thống Krasukha-4 không chỉ có giá trị như một vũ khí răn đe, nó còn được dùng để hỗ trợ chiến dịch không quân của Nga tại Syria. Bên cạnh căn cứ hải quân tại Tartus, từ lâu Nga đã vận hành một trạm nghe trộm điện tử  “SIGINT” tại Latakia. Không nghi ngờ rằng Nga đã nâng cấp cơ sở này, chủ yếu được dùng để chặn thu liên lạc của không chỉ các nhóm thánh chiến tại Syria mà cả thông tin liên lạc của các nước phương Tây, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội các nước Arab được triển khai trong khu vực.

Mở rộng hoạt động, Nga có thể  thu thập và giải mã điện tín của Mỹ và Israel (Nga từ lâu đã rất thành công trong lĩnh vực này). Nhưng chủ yếu Nga giải mã liên lạc của vô số các nhóm thánh chiến vốn không thành thạo sử dụng các phương pháp truyền tin tinh vi. Krasukha-4 được thiết kế để gây nhiễu radar máy bay và các hệ thống liên lạc, rõ ràng có khả năng phá sóng radio và liên lạc điện thoại cũng như các thiết bị vệ tinh.

Kết hợp trạm SIGINT tại Latakia và hệ thống Krasukha-4 đã trao cho Nga khả năng nghe lén và cả gây nhiễu thông tin liên lạc của các nhóm phiến quân và cả các lực lượng đặc nhiệm phương Tây hoạt động tại Syria. Không hồ nghi rằng với các thiết bị hiện có, Nga cũng sở hữu hệ thống radar đủ mạnh để giám sát không phận Syria.

Ngoài các hệ thống radar tại căn cứ không quân Latakia, chắc chắn Nga còn triển khai nhiều hơn các hệ thống radar tiên tiến khác. Tàu tuần dương Moskva trang bị hệ thống radar Voskhod RM800 3D tầm quét 275 km.  Dù đây là loại radar sản xuất từ những năm 1970 nhưng vẫn rất mạnh. Hệ thống cảnh giới của tàu Moskva chắc chắn được bổ sung nhờ các loại radar khác hiện đại hơn được Nga triển khai tại Syria và có thể cả máy bay trinh sát, cảnh báo sớm.

Nga là nước có truyền thống về chế tạo radar hiệu quả. Gần đây họ trình làng các thiết kế radar hoàn hảo, như hệ thống radar di động Nebo-M mới có khả năng phát hiện tên lửa siêu vượt âm, máy bay tàng hình và máy bay không người lái trong điều kiện gây nhiễu mạnh. Không loại trừ khả năng Nga có triển khai Nebo-M tới Syria.

Thực tế Nga đã triển khai các loại vũ khí hàng đầu như tiêm kích SU30 fighter, cường kích bom SU34 và hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 tới Latakia cho thấy họ đã chuẩn bị đầy đủ các hệ thống tối tân nhất để bảo vệ an toàn căn cứ tại khu vực do Mỹ thống trị trước đây.

Nga cũng có thể lựa chọn triển khai máy bay trinh sát, cảnh báo sớm Beriev A-50, có khả năng giám sát các động thái trên không phận Syria. Nga cũng đã xác nhận triển khai tên lửa đất đối không tại sân bay Latakia. Rất có thể đó là hệ thống S-300 đưa từ Nga sang.

Nên nhớ việc có thể triển khai hệ thống phòng không khét tiếng S-300 nhạy cảm như thế nào tại khu vực Trung Đông trong quá khứ. Mỹ và Israel đã phản ứng dữ dội với bất cứ kế hoạch nào triển khai hệ thống này tại Syria và Iran. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng nổi đóa với kế hoạch triển khai S-300 tại Cyprus. Rất khó tin rằng những nước này lại im lặng nếu như Nga đang triển khai tên lửa S-300 tại Latakia.

Hệ thống tác chiến điện tử Khrasukha của Nga
Hệ thống tác chiến điện tử Khrasukha của Nga

Một số chuyên gia phương Tây dự đoán rằng loại tên lửa Nga nói tới có thể là hệ thống Pantsir S1 tầm ngắn được triển khai. Hệ thống phòng thủ điểm Pantsir-S1 tại Latakia đã được quay phim và chụp ảnh công khai. Mục tiêu của chúng là bảo vệ căn cứ không quân, không phải để kiểm soát toàn bộ không phận Syria. Một khả năng khác là Nga triển khai hệ thống tên lửa BUK được tin là có khả năng không kém bao nhiêu so với S-300. Một hệ thống phòng không tầm ngắn tối tân khác là TOR-M1 cũng có thể có mặt.

Các hệ thống BUK hay TOR-M1 nhỏ hơn S-300 và có thể dễ dàng và nhanh chóng được máy bay vận tải Il-76 mang tới Latakia. Cả hai đều là những hệ thống phòng không di động rất dễ triển khai và thu hồi nhanh chóng.

Hiện tại, mới có phiên bản hải quân của S-300 trên tuần dương hạm Moskva trực chiến ngoài khơi Syria. Không có gì ngạc nhiên khi người Nga xem đó là một công cụ để bảo vệ căn cứ với hệ thống phòng không tầm trung. Tuy nhiên, nếu quả thật Nga triển khai hệ thống S-300 tại Syria sẽ là cơn ác mộng đối với phương Tây.

Bổ sung thêm vào trạm SIGINT hiện có tại Latakia và căn cứ hải quân Tartus, hiện nay có căn cứ không quân phục vụ loại máy bay vận tải cỡ lớn như An-124 và Il-76, có khả năng tiếp nhận lực lượng công kích tương đương với một cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Tổ hợp căn cứ và cơ sở quân sự này đã được trang bị các hệ thống điện tử cực kỳ tinh vi và rõ ràng có hệ thống phòng không rất mạnh. Việc đó cũng dẫn tới việc triển khai lực lượng bộ binh cỡ tiểu đoàn. Không như các căn cứ của Liên Xô cố gắng triển khai tại khu vực Địa Trung Hải trước đây ở Albania và Ai Cập, tổ hợp căn cứ của Nga hiện nay đảm bảo liên lạc mặt đất và hàng không với Nga qua các quốc gia bạn bè với Nga. Không có gì ngạc nhiên khi một số quan chức quân sự Nga kêu gọi mở rộng tổ hợp này và hiện diện thường trực tại đây.

Sự hiện diện của một tổ hợp quân sự như vậy của Nga cũng đã báo hiệu sự thống trị trước đó không hề bị thách thức của Israel trên bầu trời Syria và Lebanon đã kết thúc. Lần đầu tiên kể từ năm 1970, khi lực lượng phòng không Liên Xô triển khai tại Ai Cập trong chiến dịch mang tên Kavkaz, Israel tự cảm thấy bị áp đảo về công nghệ và nguồn lực ngay tại sân nhà bởi lực lượng của một cường quốc hùng mạnh hơn.

Tổ hợp quân sự Nga cũng có thể đồng thời cạnh tranh với các căn cứ quân sự Mỹ tại khu vực Đông Địa Trung Hải như các căn cứ tại Incirlik và Vịnh Souda.  

Đó là một tình huống hoàn toàn mới, tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với quyền kiểm soát của Mỹ tại Đông Địa Trung Hải và là một dạng thách thức Mỹ chưa từng vấp phải kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Đó cũng là lý do giải thích đang có những sang chấn mang tính báo động và mất tinh thần tại Washington.

Theo QPAN