Tại Hội nghị thượng đỉnh các nước có nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi) lần thứ 9 vừa kết thúc vào đầu tháng 9/2017 tại Hạ Môn (Trung Quốc), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng BRICS đang đứng trước triển vọng bước vào “thập kỷ vàng” của sự phát triển. Vậy triển vọng phát triển của BRICS sẽ ra sao?
BRICS: hiện thực địa chính trị mới trong thế giới đương đại
Liên kết BRICS ra đời từ ý tưởng ban đầu xây dựng “tam giác chiến lược” mang tên RIC, gồm 3 nước Nga-R (Russia), Ấn Độ-I (India) và Trung Quốc-C (China), do cựu Ngoại trưởng Liên Xô và là cựu Thủ tướng Nga, ông Evgenhy Primacov, đề xuất. Khi Evgenhy Primacov đưa ra sáng kiến này vào năm 1998, nhiều chuyên gia nghiên cứu chính trị và không ít chính khách ở Nga cũng như trên thế giới lúc đó đánh giá ý tưởng đó là "không thiết thực" và "không có tính khả thi".
Thế nhưng, sau 10 năm, vào năm 2009, RIC đã phát triển thành BRIC sau khi kết nạp thêm Brasil (B) tại Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại Nga. Đến năm 2011, BRIC kết nạp thêm Cộng hòa Nam Phi (S-South Africa), trở thành BRICS. Hiện nay, BRICS không những trở thành hiện tượng kinh tế-chính trị sống động mà còn có sức lan toả mạnh mẽ ra bên ngoài phạm vi lục địa Á-Âu, trở thành diễn đàn có quy mô và phạm vi toàn cầu.
Đến năm 2017, BRICS đã trải qua 9 lần Hội nghị thượng đỉnh và đang cạnh tranh ảnh hưởng với Nhóm G-7 bao gồm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Nhiều nước đang phát triển khác như Indonesia, Mehico, Egypt. Iran… đang “xếp hàng” để được kết nạp vào BRICS [1].
BRICS-một cực trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành
Sự kiện Donald Trump-người chủ trương đưa nước Mỹ quay trở về với chủ nghĩa biệt lập, trở thành Tổng thống 45 của Hoa Kỳ là một cú huých làm gia tăng xu hướng của thế giới dịch chuyển nhanh chóng tới trật tự thế giới đa cực. Quyết định đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ngừng đàm phán về Hiệp định đầu tư-thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đã tạo ra khoảng trống lớn trong không gian kinh tế toàn cầu và vô hình trung thúc đẩy BRICS hướng mạnh mẽ tới vị thế mới và có thể đóng vai trò một cực trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành.
Ý tưởng xây dựng trật tự thế giới mới đa cực lần đầu tiên được Tổng thống Nga V.Putin chính thức tuyên bố tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2007. Theo V.Putin, trật tự thế giới đơn cực hoàn toàn xa lạ với các giá trị dân chủ mà chính các nước Phương Tây tôn thờ. Ý tưởng này của V.Putin nhận được sự ủng hộ của nguyên thủ nhiều nước, trong đó có các quốc gia trong BRICS.
Hội nghị thượng đỉnh chính thức lần đầu tiên vào ngày 16/6/2009 tại thành phố Yekaterinburg của Liên bang Nga tập trung bàn thảo các biện pháp nhằm đưa thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu bùng phát từ Mỹ năm 2008, trong đó có biện pháp mang tính chiến lược lâu dài là cải cách hai thể chế tài chính quốc tế là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã từng thể hiện sự bất lực trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh BRIC lần thứ 1 đề cập tới sự cần thiết hình thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới và tăng cường vai trò đồng nội tệ của các quốc gia nhằm hạn chế vai trò thống trị và chi phối của đồng đô la Mỹ (USD)-trụ cột của trật tự kinh tế thế giới đơn cực do Mỹ áp đặt luật chơi.
Tới Hội nghị thượng đỉnh BRIC lần thứ 2 vào năm 2010, Cộng hòa Nam Phi chính thức tham gia và BRIC phát triển thành BRICS. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 năm 2014 ở Brasil, BRICS thông qua một quyết định rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển có tính bước ngoặt hướng tới trật tự thế giới đa cực. Đó là, thành lập Ngân hàng phát triển mới, gọi tắt là NDB, với tổng số vốn điều lệ 100 tỷ USD và Quỹ dự phòng rủi ro với nguồn vốn ban đầu 100 tỷ USD. Ngoài ra, các nước BRICS còn chủ trương sẽ không sử dụng USD như đồng tiền thanh toán duy nhất, mà sẽ sử dụng đồng nội tệ của các nước thành viên trong giao dịch thương mại giữa các nước.
Theo hướng đó, Trung Quốc và Nga xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) riêng sử dụng đồng Ruble và đồng Nhân dân tệ. Động thái này là tiếng chuông cảnh báo không chỉ về sự cáo chung kỷ nguyên thống trị của USD trên phạm vi toàn cầu trong hơn 100 năm qua mà còn là tín hiệu rõ ràng về sự hình thành trật tự kinh tế thế giới mới, thay thế trật tự tài chính-kinh tế toàn cầu do Mỹ đứng đầu tạo dựng sau Chiến tranh thế giới II [2].
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 7 năm 2015 được tổ chức ở Ufa, thủ phủ của Cộng hòa Bashkortostan (Nga), đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá, chứng tỏ định hướng tới trật tự thế giới đa cực không thể đảo ngược và mọi nỗ lực của Mỹ tự cho mình đóng vai trò “lãnh đạo” trật tự thế giới đơn cực để bao vây cấm vận Nga đã thất bại.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 7 là bước tiến quan trọng nhằm thể chế hóa các cơ chế hợp tác thực chất, có hiệu quả và xây dựng công cụ cơ bản cho trật tự kinh tế và chính trị thế giới đa cực như quyết định đặt trụ sở của NDB tại Thượng Hải và sẽ hoạt động từ ngày 30/7/2015 với số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và sẽ tăng lên khoảng 100 tỷ USD trong những năm tới. Ngoài ra, các nước thành viên của nhóm còn lập một quỹ dự trữ ngoại tệ chung trị giá 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỷ USD; Nga, Ấn Độ và Brasil mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, còn Cộng hòa Nam Phi đóng góp 5 tỷ USD.
BRICS hy vọng hai định chế tài chính này nhằm mục tiêu hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển và sẽ là sự lựa chọn thay thế cho các định chế tài chính thế giới như WB hay IMF. Theo dự kiến, một loạt dự án khổng lồ về giao thông, năng lượng và sản xuất công nghiệp sẽ nhận được vốn vay của Ngân hàng phát triển BRICS từ năm 2016. Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7, BRICS đề xuất chủ trương tích hợp các dự án của các nước thành viên BRICS và SCO với Liên minh kinh tế Á-Âu và dự án “Con đường tơ lụa mới” do Trung Quốc đề xuất. Sự liên kết BRICS và SCO là hiện thực địa chính trị mới trong trật tự thế giới.
Năm 2016, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 tại tại bang Goa của Ấn Độ thông qua Tuyên bố chung, tiếp tục khẳng định vai trò là một tổ chức đang hướng mạnh mẽ tới vị thế là một cực trong trật tự thế giới đa cực. Tuyên bố chung nhấn mạnh, các nước thành viên BRICS thống nhất quan điểm về những biến đổi sâu sắc hiện nay trên thế giới theo hướng chuyển sang trật tự quốc tế đa cực, dân chủ và công bằng trên cơ sở vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) và tôn trọng luật pháp quốc tế. BRICS cũng khẳng định cần phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu và hợp tác thiết thực trên tinh thần đoàn kết, hiểu biết và tin tưởng nhau.
Tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2017 với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác trong khuôn khổ BRICS, tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn”, Tuyên bố chung của BIRCS chỉ trích các hành động đơn phương can thiệp quân sự và áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào các quốc gia có chủ quyền và là thành viên của LHQ. BRICS khẳng định rằng để thiết lập một nền hòa bình lâu dài cần phải có cách tiếp cận toàn diện dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi và dựa trên cơ sở công pháp quốc tế.
Với cách tiếp cận đó, BRICS lên án sự can thiệp quân sự đơn phương, các biện pháp trừng phạt kinh tế và việc sử dụng tùy tiện các biện pháp cưỡng chế đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực phổ biến được công nhận trong quan hệ quốc tế. BRICS nhấn mạnh rằng, không một quốc gia nào có thể tăng cường an ninh của mình bằng cách gây phương hại tới an ninh của nước khác.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định: “BRICS đang trải qua giai đoạn phát triển có ý nghĩa then chốt, trong bối cảnh trật tự thế giới đang trải qua những biến đổi sâu sắc, trong đó luật rừng không thể có hiệu lực vì đi ngược lại logic phát triển của thời đại. Trong những năm tới sẽ là “thập kỷ vàng” của BRICS”. “Thập kỷ vàng” không chỉ là thời cơ phát triển mạnh mẽ của BRICS mà còn có một ý nghĩa khác. Đó là, Trung Quốc và Nga sẽ đưa vào sử dụng đồng Ruble và Nhân dân tệ được bảo đảm mệnh giá bằng vàng. Quyết định này sẽ làm sụp đổ vị thế của USD hiện chỉ được bảo đảm bằng dầu mỏ và đang bị nhiều nước từ chối sử dụng trong thanh toán thương mại quốc tế. Với những gì đã đạt được đến thời điểm này, BRICS thực sự đang hướng tới vị thế là một cực trong nền kinh tế và chính trị thế giới [3-5].
Theo dự báo của nhà kinh tế nổi tiếng thế giới Jim O'Neill-người đầu tiên đưa ta dự báo về triển vọng phát triển mạnh mẽ của BRICS, đến năm 2035, tiềm lực kinh tế của các quốc gia trong liên kết này sẽ vượt xa các nước phát triển trong Nhóm G-7. Vai trò và ảnh hưởng của BRICS trong trật tự kinh tế thế giới còn được quyết định bởi vị thế của lục địa Á-Âu, nơi có 3 thành viên chủ chốt của liên kết này là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong tương lai, sẽ có nhiều quốc gia khác trên lục địa này tham gia BRICS. Lục địa Á-Âu hiện chiếm hơn 75% tổng dân số toàn cầu và 65% tổng sản phẩm quốc dân của thế giới, cũng là nơi tập trung tới 70% tổng trữ lượng tài nguyên năng lượng của thế giới. Điều đó có nghĩa là sự phát triển nền kinh tế toàn cầu, trước hết là của nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển G-7, phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ các quốc gia thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Cận Đông, nơi BRICS và SCO có ảnh hưởng rất lớn.
Sự nổi lên và phát triển của nhóm BRICS vào thời điểm cộng đồng quốc tế ngày càng thiếu tin tưởng vào tương lai của hệ thống thế giới đã từng tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Trong một thế giới toàn cầu hóa mạnh mẽ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc sau Chiến tranh lạnh, hệ thống này đã không còn phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ một liên kết nào trong một thế giới đang biến động nhanh chóng và không ngừng, BRICS sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cần phải vượt qua như xây dựng khu vực tự do thương mại chung BRICS FTA trong điều kiện trình độ phát triển không đồng đều của các nước thành viên hay là việc kết nạp các thành viên mới cũng như chủ trương phối hợp nỗ lực để hóa giải các nguy cơ mang tính toàn cầu./.
***
Tài liệu tham khảo
[1]БРИКС и ее влияние на многополярный мир. http://inosmi.ru/world/20140811/222300359.html
[2] Россия и Китай готовы создать аналог SWIFT. http://www.aup.ru/news/2014/09/11/7062.html
[3] Вместе против доллара: чем вызван активный интерес к саммиту БРИКС. https://russian.rt.com/business/article/425396-briks-sammit-kitai
[4] Си Цзиньпин предрек странам БРИКС «золотое десятилетие». http://www.ntv.ru/novosti/1923464/
[5] Саммит в Сямэне откроет второе «золотое десятилетие» в сотрудничестве стран БРИКС. http://dknews.kz/opinions/106-policy/41239-sammit-v-syamene-otkroet-vtoroe-zolotoe-desyatiletie-v-sotrudnichestve-stran-briks.html