Theo tờ tuần san Chuyên gia (Эксперт) Nga ngày 1/9, Bắc Kinh cho biết trong Hội nghị Thượng đỉnh BRICS được tổ chức từ ngày 3 - 5/9/2017, Trung Quốc sẽ thảo luận với Nga về "vấn đề đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu".
Việc thảo luận này trước hết là nhằm vào các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga, nhưng nội dung hoàn toàn không chỉ giới hạn trong vấn đề này.
Chủ nghiệm Trung tâm tài chính kinh tế quốc tế, Bộ Tài chính Trung Quốc, ông Chu Cường Vũ cho biết Bắc Kinh và Moscow sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp về chiến lược kinh tế vĩ mô.
Vấn đề chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn mấy ngày sắp tới Khi đó, các nhà lãnh đạo của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ tham dự.
Trung Quốc và Nga sẽ đạt được thỏa thuận và cùng triển khai các biện pháp mới trên phương diện này. Chu Cường Vũ cho biết Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp chiến lược vĩ mô, thúc đẩy các cải cách mang tính toàn cầu, phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Nhà phân tích Nga Alexei Antonov chỉ ra, nói khi nào chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ biến mất khỏi thế giới thì cũng giống như nói rằng xung đột quân sự sẽ biến mất khỏi thế giới - những quan điểm này đều là ảo tưởng.
Chủ nghĩa bảo hộ thương mại là một trong những thủ đoạn tiên tiến nhất nhằm gây xung đột với một nước hoặc nhóm nước khác: Không sử dụng vũ lực, dùng phương thức kinh tế đơn thuần, không cần đổ máu, nhưng rất có hiệu quả, mục tiêu cuối cùng có thể là để cho các nền kinh tế có thực lực tương đối yếu hoàn toàn phụ thuộc vào bên tương đối mạnh.
Về thực chất, việc tiến hành trừng phạt cấm xuất khẩu công nghệ cho Nga của các nước phương Tây cũng là một hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Vì vậy, chuyên gia Nga Alexei Antonov chỉ ra, BRICS có thể cân nhắc thiết lập đồng minh bảo hộ thương mại của mình, đối đầu với Âu - Mỹ, đồng thời cố gắng phát triển thương mại trong khối đồng minh này. Khi đề xuất mô hình "BRICS+", Trung Quốc cũng có ý như vậy.
Tại diễn đàn Davos, Trung Quốc đã lên tiếng phê phán chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Trong thời gian tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã từng tuyên bố muốn thu thuế 45% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Có số liệu cho thấy, do bị ảnh hưởng từ các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ, năm 2016, Trung Quốc đã mất 75 tỷ USD, trong đó bao gồm thương mại và đầu tư.
Nhà phân tích Bogdan Zvarych của Công ty đầu tư tài chính tự do cho rằng điều liên quan ở đây không chỉ là chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, mà còn bao gồm những đề nghị tương tự của các nước khác.
Trong khuôn khổ những tổ chức quốc tế mà Trung Quốc và Nga đều là thành viên, Trung Quốc và Nga có thể đề xuất làm giảm các rào cản thương mại, thúc đẩy các sáng kiến về thể chế thương mại tự do.
Hơn nữa, các công trình hạ tầng cơ sở trong khuôn khổ Vành đai kinh tế con đường tơ lụa đang được xây dựng. Vành đai kinh tế này có lợi cho mở rộng thương mại, cung cấp thị trường tiêu thụ mới cho hàng hóa các nước đối tác.
Nói đến Mỹ, Bogdan Zvarych cho rằng, hai nước Trung Quốc và Nga có thể tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu nghị quyết của Mỹ vi phạm các nguyên tắc của WTO, các nước khác có quyền đưa ra phản đối. So với "độc lập chiến đấu" của một nước, các hành động chung có thể đem lại nhiều lợi ích hơn.
Hiện nay là thời điểm có thể thảo luận về khả năng Mỹ và Nga đối đầu trong WTO. Bởi vì, một số biện pháp trừng phạt của Mỹ đã động đến các nguyên tắc của tổ chức này.