Nga, Thổ Nhĩ Kỳ chung tay có thể xoay chuyển cục diện nội chiến ở Libya?

VietTimes -- Hội nghị thượng đỉnh Berlin vừa qua đã cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đóng một vai trò quan trọng bởi họ là một trong số rất ít những quốc gia thực sự có tầm ảnh hưởng tới tình hình chiến sự ở Libya; giới chuyên gia nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp gỡ bên lề hội nghị tại Berlin (Ảnh: RT)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp gỡ bên lề hội nghị tại Berlin (Ảnh: RT)

Hội thảo hòa bình Libya được tổ chức tại Berlin, Đức đã thành công trong việc quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới tới thảo luận để tìm ra con đường chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài suốt nhiều năm qua - ông Yusuf Erim, chuyên gia chính sách ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy rằng chỉ có rất ít nước thực sự đủ tầm ảnh hưởng để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Libya, bởi phần lớn các nước đều thiếu một chiến lược cụ thể và cũng do dự trong việc hành động.

“Chúng ta thấy có rất nhiều kế hoạch tốt, nhưng ít bên sẵn sàng thực thi chúng, bởi vậy mà vai trò lớn vẫn thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ và Nga” – ông Erim nói, thêm rằng hội thảo vừa qua ở Berlin cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “không có lộ trình rõ ràng” mà họ có thể sử dụng để phá vỡ thế bế tắc.

Vị chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ nhận định rằng, hội thảo vừa qua chỉ giúp làm rõ thêm vai trò chủ đạo của Nga và Thổ - vốn đã là những “trung gian hòa giải” trong nội chiến ở Libya.

“Ý chí của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mang lại một giải pháp chính trị cho Libya sẽ là chìa khóa cho hội nghị ngày hôm nay và mang lại ý nghĩa cho tương lai” – ông Erim nhấn mạnh.

Mặc dù các bên tham gia hội thảo Berlin nhất trí về một bộ “đề xuất chi tiết” liên quan tới mọi khía cạnh của giải pháp đối với cuộc khủng hoảng ở Libya, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để hướng tới hòa bình thực sự, một phần là bởi 2 phe phái chính trong cuộc nội chiến vẫn không thể giải quyết những bất đồng, khiến cho họ thậm chí không thể ngồi vào bàn đàm phán.

“Fayez al-Sarraj (Thủ tướng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya được LHQ công nhận) và Khalifa Haftar (Tướng chỉ huy của Quân đội Quốc gia Libya) không cùng ngồi tỏng một căn phòng ở Berlin, bởi vậy chúng ta thấy rằng họ vẫn còn nhiều khác biệt” – ông Erim nói.

Việc ông  al-Sarraj và ông Khalifa Haftar chưa sẵn sàng gặp mặt trực tiếp không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhưng nó cũng không hàm chứa sự lạc quan – ông  Ayo Johnson, người sáng lập Viewpoint Africa, nói với RT. Vị chuyên gia cũng lưu ý, sẽ có quá nhiều rủi ro cho cả hai bên khi “phó mặc mọi thứ cho số mệnh”.

Họ là kẻ thù của nhau, sẽ có nhiều nguy cơ xuất hiện – bởi nguồn dự trữ dầu khí lớn nhất thế giới nằm ở rìa lục địa châu Phi, ngoài ra Libya cũng là điểm trung chuyển quan trọng đối với nhiều người di cư muốn đến châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay tướng Khalifa Haftar trước khi hội nghị Berlin bắt đầu (Ảnh: RT)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay tướng Khalifa Haftar trước khi hội nghị Berlin bắt đầu (Ảnh: RT)

Sự thù địch giữa 2 thế lực này có thể gây ảnh hưởng tới lệnh ngừng bắn dễ đổ vỡ mà họ từng ký trong đêm ngày 12/1 vừa qua. Hiện đã có nhiều báo cáo về việc vi phạm thỏa thuận này.

Mark Almond – Giám đốc Viện Nghiên cứu Khủng hoảng (CRI) – nói với RT rằng ông tin vấn đề chính đối với lệnh ngừng bắn là ở chỗ nó không hề có cơ chế thực thi để ép các bên đối lập – vốn đã không tin tưởng nhau – giữ vững các cam kết. Thêm vào đó, dù lệnh ngừng bắn “có khả năng mang lại lợi ích cho cả hai bên”, nó cũng không thể kéo hết tất cả các nhóm chiến binh tham gia.

Nói về một lực lượng gìn giữ hòa bình giúp đảm bảo lệnh ngừng bắn, ông Almond nói rằng khó có nước nào sẵn lòng tham gia vào nhiệm vụ rủi ro như vậy.

“Tôi không thấy có bất cứ ai lại muốn triển khai quân tới Libya, muốn đặt binh sĩ của họ vào chỗ rủi ro bị bắn hạ” – ông Almond nói.

Việc triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình tới Libya có thể là một giải pháp; theo ông Erim. Vị chuyên gia nói rằng hành động như vậy “chắc chắn” cần thiết để đảm bảo “một vùng đệm giữa hai bên” được duy trì. Nhưng ông tin rằng, việc triển khai binh sĩ tới Libya là một lựa chọn mà các nước châu Âu chắc chắn gạt phăng. Khó có khả năng EU chịu rủi ro để triển khai quân trên thực địa.

Bởi vậy, một lần nữa trọng trách lại đổ lên vai Moscow và Ankara để đi thuyết phục các bên trong nội chiến Libya duy trì thỏa thuận ngừng bắn – ông Erim nói, nhấn mạnh rằng phái Italy đã đưa ra đề nghị “duy trì hiện diện quân sự trên thực địa”.

Moscow và Ankara vốn đã có kinh nghiệm quý báu trong việc đưa ra các giải pháp giảm thang xung đột đầy hiệu quả, trong bối cảnh các vòng đàm phán thất bại. Điển hình như trường hợp Syria, khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran “cùng nhau thành lập nhóm Astana” và sau đó “đưa ra một số quyết định rất có ý nghĩa” – ôn Erim lý giải, cho rằng bộ ba gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy có thể lặp lại thành công đó.

“Tôi cho rằng công thức tương tự có thể được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy áp dụng với Libya” – ông Erim nói.