Nga sẽ thay thế tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol bằng vũ khí gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của mình. Dự tính từ nay đến 2024, Lực lượng tên lửa chiến lược Nga sẽ thay thế hoàn toàn tên lửa RT-2PM Topol.
Tên lửa Topol đang dần cũ kỹ của Nga sẽ được thay thế bằng các lại tên lửa hiện đại hơn (Ảnh: Sputnik)
Tên lửa Topol đang dần cũ kỹ của Nga sẽ được thay thế bằng các lại tên lửa hiện đại hơn (Ảnh: Sputnik)

Giữa những năm 1970, Mỹ đã sở hữu những tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III có độ chính xác cao, với sai số tiêu diệt mục tiêu không quá 200 m. Hệ thống vệ tinh định vị của Mỹ có thể xác định chính xác tọa độ và tiêu diệt các hầm phóng tên lửa đạn đạo của Liên Xô – đây cũng chính là nguyên nhân khiến Bộ Quốc phòng Nga quyết định thay thế tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol của mình.

Năm 1977, Viện kỹ thuật nhiệt Moscow bắt đầu phát triển tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 tầng RT-2PM, chạy bằng nhiên liệu rắn, giúp quá trình vận hành đơn giản hơn so với nhiên liệu lỏng, thân thiện hơn với môi trường. RT-2PM có tổng trọng lượng hơn 45 tấn, có hệ thống điều khiển, kiểm tra hoạt động trước khi phóng, quá trình phóng và quỹ đạo bay của tên lửa.

RT-2PM được bố trí trong container kín, dài 22,3 m, nhiệt độ và độ ẩm bên trong được duy trì thường xuyên, để bảo quản sản phẩm hàng chục năm. RT-2PM sở hữu đầu đạn nhiệt hạch, đơn khối, với công suất 500 - 800 kt (kiloton). Đầu đạn có độ chính xác cao, có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự li 11.000 km (tức với tới mọi vị trí thuộc lãnh thổ Mỹ).

Tên lửa RT-2PM được đặt trên xe tải chuyên dụng MAZ-7917, là sản phẩm kết hợp của nhà máy Barrikady (Volgagrad-Nga) và nhà máy máy kéo Minsk – Belarus. MAZ-7917 được trang bị động cơ có công suất 710 mã lực, 7 trục dẫn động, tốc độ đạt 40km/h, một lần nạp đầy nhiên liệu có thể đi được gần 400 km. Năm 1999, Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga có hơn 360 bệ phóng di động như vậy.

Tên lửa RT-2PM Topol được bố trí trên bệ phóng di động, thay cho các hầm phóng cố định như trước, khiến cho đối phương rất khó theo dõi, việc theo dõi cùng lúc quĩ đạo di chuyển của hàng chục tổ hợp Topol trong rừng Ural, hay trong rừng Taiga ở Sibiri, thật chẳng khác gì mò kim đáy biển.

Việc Nga triển khai hàng loạt tên lửa RT-2PM đã đảm khả năng tấn công đáp trả đối phương, kể cả khi các hầm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa bị tiêu diệt.

Cuối những năm 1990, Nga sản xuất hàng loạt tổ hợp tên lửa Topol-M, được trang bị tên lửa ICBM RS-2PM2, hiện đại hơn và nặng hơn phiên bản RT-2PM trước đó. Đầu đạn của RS-2PM2 có sức công phá tương đương 1 megaton (khoảng 1 triệu tấn thuốc nổ TNT), khả năng tiêu diệt mục tiêu cao hơn, độ thoát hiểm trước hệ thống phòng không của đối phương tốt hơn, ít chịu tác động hơn trước xung điện từ, mỗi một tên lửa PS-2PM2 mang theo nhiều đầu đạn giả, gây sợ hãi hơn cho đối phương.

Đầu những năm 2010, Nga tạm ngừng sản xuất tổ hợp Topol-M, tập trung cho tổ hợp mới RS-24 Yars – hệ thống này dần dần sẽ thay thế hoàn toàn các tên lửa của tổ hợp Topol. Mỗi tên lửa RS-24 Yars có thể mang 4 đầu đạn, mỗi đầu đạn có công suất 300 đến 500 kiliton, tầm bắn đạt 12.000 km. Ngoài ra, mỗi tên lửa Yars được cài đặt hệ thống thay đổi mục tiêu, nhờ vậy nó có thể được phóng lên bất cứ thời điểm nào trong quá trình tuần tra, không phụ thuộc vào những mục tiêu định trước.

Hiện nay, RS-24 Yars là sức mạnh tấn công chủ đạo của Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga. Nga luôn duy trì trực chiến hơn 100 tổ hợp RS-24 Yars (cả bệ phóng di động và hầm phóng cố định).

Trong tương lai gần, sức mạnh bộ ba hạt nhân của Nga sẽ được tăng cường bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 “Sarmat” hạng nặng. Với tầm bắn đạt 18.000km, mỗi tên lửa RS-28 “Sarmat” mang 10 đến 15 đầu đạn tùy thuộc vào công suất của nó. Tên lửa RS-28 “Sarmat” dài 35,5 m, đường kính 3 m, mang được đầu đạn dẫn đường, siêu thanh Avangard, có thể vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng không hiện nay và những hệ thống phòng không sẽ có trong tương lai của đối phương.