Nga sắp phê duyệt hiệp ước cho phép triển khai vũ khí hạt nhân tới đồng minh chủ chốt

Theo thỏa thuận, Moscow sẽ cung cấp phòng thủ hạt nhân cho Belarus trong trường hợp bị tấn công.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tham dự lễ ký hiệp ước an ninh mới. Ảnh: Sputnik.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 5/2 đã đệ trình một hiệp ước an ninh với Belarus lên Quốc hội Nga để phê chuẩn.

Thỏa thuận được ký vào tháng 12/2024, quy định cả hai nước phải bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau bằng cách sử dụng tất cả các nguồn lực quân sự sẵn có và bao gồm các điều khoản về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga để bảo vệ Belarus trong trường hợp bị xâm lược từ bên ngoài.

Ông Putin cho biết hiệp ước “sẽ đảm bảo an ninh của Nga và Belarus”, tăng cường hợp tác quân sự giữa hai quốc gia.

Một điều khoản quan trọng của hiệp ước liên quan đến việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, nơi Nga đã đặt tên lửa đạn đạo như một phần trong quan hệ đối tác Nhà nước Liên minh của họ.

Theo thỏa thuận, hai nước coi kho vũ khí hạt nhân của Nga là công cụ răn đe ngăn chặn cả các cuộc tấn công thông thường và hạt nhân, trong khi việc sử dụng chúng được coi là lựa chọn cuối cùng.

Ngay sau khi hiệp ước được ký kết, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng đã yêu cầu triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik của Nga trên lãnh thổ Belarus. Theo ông Putin, các hệ thống mới có thể được triển khai ở Belarus vào cuối năm 2025.

Các tên lửa này được ra mắt vào cuối năm ngoái và đã được thử nghiệm trên chiến trường ở Ukraine, tấn công cơ sở công nghiệp quân sự Yuzhmash ở thành phố Dnepr vào tháng 11.

Tháng trước, ông Lukashenko đề xuất việc triển khai tên lửa mới thậm chí có thể diễn ra sớm hơn mà không nêu rõ mốc thời gian.

“Chúng ta sẽ có Oreshnik theo đúng nghĩa đen bất cứ ngày nào. Chúng tôi đã đồng ý với Tổng thống Vladimir Putin rằng hệ thống tiếp theo sẽ được giao cho Belarus thậm chí còn sớm hơn cả Nga”, ông Lukashenko nói.

Hiệp ước hiện đang chờ Duma Quốc gia Nga phê duyệt, trong đó Chủ tịch Vyacheslav Volodin cam kết ưu tiên việc xem xét tài liệu này.

“Vấn đề an ninh là vấn đề then chốt đối với chúng tôi. Các điều khoản của hiệp ước sẽ đảm bảo sự bảo vệ bổ sung cho chủ quyền của các quốc gia chúng ta và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ. Điều này đặc biệt quan trọng trước những hành động khiêu khích liên tục từ các nước EU, bao gồm cả những nước giáp ranh với Belarus”, ông Volodin nói.