Nga - Nhật bắt tay “lấy lòng” Việt Nam, nhằm “át chủ bài” Cam Ranh

VietTimes -- Thông tin Nga tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí được phía Nga tuyên bố đúng thời điểm Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Nga. Một điều đáng nói là, Nga lại sử dụng giàn khoan của tập đoàn dầu khí Nhật Bản để triển khai hoạt động này. 
Một góc vịnh Cam Ranh của Việt Nam
Một góc vịnh Cam Ranh của Việt Nam

Ngày 12/3, Tập đoàn dầu khí Russneft Nga tuyên bố, sự hợp tác giữa tập đoàn này với Việt Nam trên biển Đông bước vào giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên Tập đoàn dầu khí Nga Russneft vận hành một dự án khoan khai thác ngoài khơi quốc tế với tư cách bên phụ trách dự án, điều này thể hiện trình độ tác nghiệp của tập đoàn này trong điều kiện phức tạp trên biển Đông hiện nay.

Một số cơ quan truyền thông quốc tế nhận định, hành động này của Nga là muốn thể hiện thiện chí với Việt Nam, đồng thời gắn kết điều này với việc cảng quốc tế Cam Ranh vừa được khánh thành. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy, xác suất Nga can thiệp vào vấn đề biển Đông là không lớn, trong khi đó Nhật Bản lại là quốc gia đóng vai trò chủ đạo.

Tập đoàn Dầu khí Nga Rosneft lần đầu khoan thăm dò tại Việt Nam

Một điều đáng nói là Nga tuyên bố thông tin hợp tác khai thác, thăm dò dầu khí với Việt Nam vào đúng thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm Nga, tuy nhiên hai vị ngoại trưởng không tuyên bố thảo luận vấn đề biển Đông trong cuộc hội nghị. Theo tin từ tập đoàn dầu khí Russneft của Nga, địa điểm thăm dò, khai thác dầu khí nằm ở thềm lục địa Việt Nam và vùng biển quốc tế. Tuy nhiên một số hãng truyền thông của Trung Quốc đăng tải bài viết về vấn đề biển Đông và chỉ ra rằng, địa điểm thăm dò, khai thác dầu khí nằm phía trong vùng biển mà Trung Quốc khoanh vùng trong “đường lưỡi bò”.

Những tranh cãi về mặt địa lý khiến thời điểm đưa ra tuyên bố này nhạy cảm hơn bao giờ hết. Có bình luận cho rằng hành động này của Nga nhằm vào vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Ngày 8/3, Việt Nam tổ chức lễ khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh, tuyên bố sẽ mở cửa vịnh Cam Ranh cho tàu thuyền quốc tế. Có nhà phân tích chỉ ra rằng, khi đưa tin, báo chí Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh vấn đề sau khi được nâng cấp, cải tạo, vịnh Cam Ranh sẽ đủ điều kiện cho phép tàu lớn với lượng choán nước 110.000 tấn vào cảng, đồng thời chỉ ra rằng, nhiệm vụ chủ yếu của vịnh Cam Ranh là đón tiếp tàu quân sự, điều này ám chỉ trong thời gian không xa sẽ đón tàu chiến Mỹ, sự hợp tác về quân sự giữa Mỹ và Việt Nam sẽ lên một tầm cao mới. Với tư cách là quốc gia đã từng thuê và sử dụng vịnh Cam Ranh 23 năm, lúc này Nga có hành động “lấy lòng” Việt Nam, có thể cũng nhằm vào “con át chủ bài” vịnh Cam Ranh.

Tuy nhiên khả năng này không lớn. Qua thái độ của nước Nga có thể thấy nước này không có ý định tham gia vào các sự vụ trên biển Đông. Chuyên gia các vấn đề Đông Á của Nga DmitriyStreltsov đã từng phát biểu: “Trong vấn đề biển Đông, Nga cố gắng giữ lập trường trung lập. Nga đã nhiều lần bày tỏ lập trường của mình, điều đó có nghĩa là sẽ không tham gia vào các tranh chấp” và lần này Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sang thăm Nga, trong cuộc hội ngộ với ngoại trưởng Nga, hai bên không thảo luận vấn đề biển Đông.

Nga hợp tác với Việt Nam trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hay có thể nói hai bên tăng cường hợp tác về quân sự thông qua việc Nga xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam. Hiện tại Việt Nam và Trung Quốc đều là hai quốc gia quan trọng nhập khẩu vũ khí của Nga. Theo số liệu mới nhất do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm công bố, từ năm 2014 đến năm 2015, tổng cộng Nga đã xuất khẩu sang Việt Nam các đơn hàng vũ khí quân sự trị giá 1,795 tỉ USD, trong đó bao gồm lô hàng 6 tàu ngầm lớp Kilo hiện đại nhất xuất khẩu sang Việt Nam năm 2015.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời lại vấp phải lệnh trừng phạt của các nước phương Tây, nguồn lợi nhuận do xuất khẩu vũ khí đem lại cho nước Nga là hết sức quan trọng. Thăm dò và khai thác dầu khí càng là một biện pháp quan trọng để Nga giữ mối quan hệ với các khách hàng lớn và thu về nguồn lợi nhuận, rất có thể hợp đồng này sẽ đặt nền móng và xúc tiến cho một hợp đồng xuất khẩu vũ khí giá trị lớn khác.  

Tàu ngầm lớp Kilo Nga xuất khẩu sang Việt Nam

Tuy nhiên đối với Trung Quốc, đằng sau sự hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí giữa Nga và Việt Nam, một vai trò cần đặc biệt của một quốc gia thật sự cần phải chú ý là Nhật Bản. Hầu hết các phương tiện truyền thông khi đưa tin về vấn đề này đều tập trung vaò mốc thời gian đặc biệt của sự kiện “Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Nga”, chỉ có một số ít hãng truyền thông quốc tế phát hiện ra rằng, lần này Nga thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí giúp Việt Nam ở biển Đông có sự hỗ trợ đắc lực của Nhật Bản. Tập đoàn dầu khí Russneft Nga sử dụng giàn khoan hải dương của tập đoàn dầu khí Nhật Bản JDC. Trong hội nghị diễn đàn Kinh tế phương Đông tổ chức tại thành phố Vladivostok của Nga, hai bên từng tuyên bố đã ký kết hiệp định hợp tác ở khu vực biển Đông.

Có phân tích chỉ ra rằng, đây là hành động  can thiệp ngầm vào vấn đề biển Đông của Nhật Bản, và trước đó, Nhật Bản đã công khai hành động triển khai quân sự nhiều lần ở khu vực biển Đông. Ngày 29/2, hai nước Nhật Bản và Philippines thực thi hiệp định được ký kết vào ngày 25/1, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Philippines các thiết bị quân sự - gồm cả máy bay chiến đấu. Ngày 6/2, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu triển khai đàm phán với Philippines về việc sẽ đưa tàu ngầm Nhật Bản vào đồn trú tại căn cứ hải quân Subic của Philippines, sớm nhất tháng 4/2016, tàu chiến Nhật Bản có thể tiến vào căn cứ này. Đến ngày 11/3, chính phủ Nhật Bản còn chính thức công bố Sách Trắng hợp tác phát triển năm 2015 và chỉ ra rằng, cần tăng cường mức viện trợ cho các nước đồng minh vì an ninh trên biển Đông.

Nhật Bản cung cấp cho Philippines máy bay quân sự TC-90 để tuần tra Biển Đông - Ảnh: Reuters

Một điều khác đáng chú ý nữa là, Nhật Bản mới là quốc gia thật sự quan tâm đến vịnh quốc tế Cam Ranh của Việt Nam ngoài Mỹ. Năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã tổ chức hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, đàm phán về các nội dung để tàu chiến của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản dừng đỗ tại vịnh Cam Ranh và bố trí cho máy bay chống ngầm P-3C của Nhật Bản cất cánh, hạ cánh và tiếp tế tại hải cảng này, hai bên đã đạt được nhận thức chung trong vấn đề tàu chiến của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến vào vịnh Cam Ranh. Hoạt động viện trợ mà Nhật Bản muốn tăng cường cho ASEAN đề cập ở trên chính là đặt nền móng cho việc đưa tàu chiến Nhật Bản vào vịnh Cam Ranh của Việt Nam.

Dư luận quốc tế phổ biến cho rằng, các hành động của Nhật Bản tại biển Đông là một sự thách thức lớn đối với Trung Quốc. Ông Chu Phong – giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển Đông thuộc đại học Nam Kinh Trung Quốc chỉ ra rằng, cục diện biển Đông hiện nay rất bất lợi cho Trung Quốc, hai nước Trung Quốc và Nhật Bản cần áp dụng hành đồng, kiểm soát chặt chẽ, nếu không mối bất đồng giữa hai nước càng ngày càng lớn, điều này không có lợi cho cả hai nước.

Rosneft là tập đoàn hàng đầu về khai thác khí đốt tại Việt Nam, hiện Tập đoàn này đang tham gia vào các dự án sản xuất khí đốt, khí ngưng tụ và thăm dò tại hai khu vực ngoài khơi Việt Nam. Công ty sở hữu 32,67% đường ống Nam Côn Sơn và đảm bảo khoảng 12% nhu cầu năng lượng của Việt Nam bằng khí đốt khai thác theo các giấy phép trong năm qua.

Đ.Q