Nga gắn hệ thống phóng tên lửa chống ngầm hải quân lên xe cơ giới để pháo kích

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong một sáng tạo ấn tượng, quân đội Nga đã gắn hệ thống phóng tên lửa chống ngầm RBU-6000 Hải quân của Liên Xô lên xe cơ giới bánh xích MTLB và xe tải Ural-4320 để tấn công các mục tiêu mặt đất.

Trang Army Recognition, dẫn nguồn tin từ một số video, đăng trên mạng xã hội VK và truyền thông Nga đưa tin, các binh sĩ thuộc lữ đoàn Sever-V đã lắp hệ thống tên lửa chống ngầm hải quân RBU-6000 cỡ nòng 213 mm lên xe thiết giáp bánh xích MTLB và xe vận tải Ural-4320 để tập kích hỏa lực vào chiến tuyến quân đội Ukraine như một hệ thống pháo phản lực tầm gần. Trước đó, tổ hợp này cũng được các binh sĩ Nga gắn trên khung gầm xe tăng T-80 Nga tháo bỏ tháp pháo. Vũ khí đã chứng minh được hiệu quả cao khi đưa vào chiến đấu thực tế.

Hệ thống phóng tên lửa chống ngầm RBU-6000 lắp đặt trên thân xe tăng T-80. Video VK
Hệ thống phóng tên lửa chống ngầm RBU-6000 lắp đặt trên xe tải Ural-4320. Video VK

Những pháo phản lực “kiểu mới” này được chế tạo một cách sáng tạo này cho thấy một phương thức tiếp cận mới, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng các khí tài quân sự đã lão hóa vào các nhiệm vụ chiến đấu mới, khi đặc thù của chiến trường là các hoạt động chiến đấu diễn ra chủ yếu trên bộ.

Cuộc xung đột ở Ukraine có đặc điểm chính là các bên đều tập trung sử dụng lực lượng pháo binh các cỡ nòng khác nhau trong những cuộc đấu pháo dữ dội với cường độ hỏa lực rất cao. Cả hai bên về cơ bản đều thực hiện chiến thuật phòng ngự vững chắc, triệt để sử dụng pháo binh để gây tổn thất cho đối phương.

Phương thức này đòi hỏi các bên tham chiến phải triển khai số lượng lớn vũ khí tấn công tầm xa gián tiếp trên tuyến chiến đấu để gây tổn thất cho đối phương. Do yêu cầu số lượng các phương tiện hỏa lực gián tiếp lớn, quân đội Nga đã sử dụng vũ khí Hải quân để tăng cường mật độ hỏa lực tập kích vào tuyến phòng ngự của đối phương.

he-thong-ten-lua-chong-ngam-hai-quan-01-5393.jpg
Hệ thống phóng tên lửa chống ngầm RBU-6000 lắp đặt trên xe tải Ural-4320. Ảnh Army Recognition.

Hệ thống phóng tên lửa chống ngầm RBU-6000 được thiết kế để tiêu diệt tàu ngầm hiện đang được quân đội Nga sử dụng để tăng cường mật độ hỏa lực pháo kích chống lại các trận địa phòng ngự kiên cố của đối phương.

RBU-6000, còn được gọi là Smerch-2 trong biên chế Nga, là hệ thống phóng tên lửa chống ngầm ban đầu được thiết kế để sử dụng cho hải quân. Nó có khả năng phóng tên lửa 213 mm được thiết kế để nhắm mục tiêu và tiêu diệt tàu ngầm ở tầm ngắn và trung bình. Hệ thống này thường có một loạt tên lửa được bắn liên tiếp, tạo ra một mô hình chết người được thiết kế để vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt các mục tiêu dưới nước.

Với lịch sử phục vụ lâu dài trong hải quân Liên Xô và Nga, RBU-6000 có độ tin cậy và hiệu quả trong tác chiến chống tàu ngầm. Khả năng sử dụng vũ khí chống lại các mục tiêu trên mặt đất là một ý tưởng độc đáo mang lại khả năng pháo kích với mật độ dày đặc như pháo phản lực Grad.

RBU -6000 Smerch-2 là một bệ phóng tên lửa chống ngầm cỡ nòng 213 mm được phát triển từ thời Liên Xô. Hệ thống này được đưa vào biên chế vũ khí trang bị từ năm 1960–1961, được trang bị trên nhiều chiến hạm nổi của Liên Xô trước đây và các tàu cũ của Nga hiện nay. Bệ phóng có 12 nòng phóng sắp xếp theo hình móng ngựa để tạo nên một đường vòng cung các vụ nổ chìm trên biển, ngăn chặn và phá hủy tàu ngầm.

Vũ khí được điều khiển từ xa bằng hệ thống điều khiển hỏa lực Burya, phóng các bom chìm chống ngầm RGB-60 và tên lửa chống ngầm không điều khiển 90R. Tổ hợp RBU -6000 có thể phóng loạt 1, 2, 4, 8 hoặc 12 đạn. Quy trình nạp lại được tự động hóa, bằng hệ thống nạp 60UP từ băng đạn bên dưới boong. Số lượng đạn dự trữ là 72 hoặc 96 viên cho mỗi bệ phóng. RBU-6000 cũng được sử dụng để tấn công các mục tiêu bờ biển.

90R là tên lửa chống ngầm mang đầu đạn nổ phá mạnh, được thiết kế để phát nổ ở độ sâu cụ thể, sử dụng cầu chì áp suất thủy tĩnh. Vụ nổ tạo ra sóng xung kích mạnh gây hư hại hoặc phá hủy thân tàu ngầm. Ngoài tên lửa chống ngầm 90R, bom chìm RGB-60, được trang bị động cơ phản lực cũng được sử dụng để chống ngầm. Bom được phóng xuống nước và chìm đến độ sâu xác định trước sẽ phát nổ, tạo ra sóng xung kích vô hiệu hóa các thiết bị thủy âm và thông tin liên lạc, phá hủy thân tàu ngầm của đối phương.

Tầm bắn của RBU-6000 lên tới 6.000 mét, cho phép các chiến hạm nổi tấn công các tàu ngầm trên khoảng cách an toàn. RBU-6000 là hệ thống vũ khí không thể thiếu trên tất cả các chiến hạm nổi khác nhau của Hải quân Liên Xô trước đây và Hải quân Nga hiện nay.

Điểm đặc biệt trong loại vũ khí ngẫu hứng này không phải là cấu trúc hệ thống mà là tính sáng tạo của vũ khí. Các nhân viên kỹ thuật của lữ đoàn Sever-V đã cải tiến loại đạn hải quân, điều chỉnh kíp nổ để bắn được trên mặt đất.

Một người lính cho biết: “Một quả bom chìm nặng khoảng 120 kg, có khối thuốc nổ 23 kg. Chúng tôi bổ sung thêm thuốc nổ TNT-heskogen để tăng sức mạnh của vụ nổ và tăng cường khả năng sát thương phá hủy bằng các thành phần khác như bi sắt, vòng đệm, bu lông hỏng."

Phóng viên quân sự Georgy Mamsurov trên kênh Potok Telegram cho biết, diện tích sát thương phá hủy của loại vũ khí chế tạo ngẫu hứng này khoảng 900 mét vuông, được sử dụng để phá hủy các công sự phòng thủ kiên cố..

Giải pháp sử dụng các loại vũ khí hải quân như hệ thống phóng tên lửa chống ngầm RBU-6000, lắp đặt trên khung gầm xe cơ giới bánh xích MTLB, xe tải Ural-4320 và xe tăng T-80 cho thấy sự linh hoạt trong chiến tranh hiện đại và vị thế then chốt của hỏa lực trên chiến trường.

Những phát triển này cho thấy, chiến tranh hiện đại đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến thuật quân sự và những loại vũ khí, đạn dược có tính năng linh hoạt, đa năng cao, có thể được sử dụng trong nhiều môi trường tác chiến khác nhau như trên đất liền trên biển và trên không.

Theo Army Recognition