Nga phát triển máy bay không người lái dân sự mang tên lửa chống tăng ATGM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nga được cho là đã phát triển một tổ hợp vũ khí mới, tích hợp máy bay không người lái với hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) 9K111 Fagot, định danh NATO AT-4 Spigot, phóng tên lửa từ trên không.

Tổ hợp vũ khí này được chia sẻ trong một video trên kênh Telegram, tài khoản người dùng Ukraine btvt 2019.

Nga thực hiện bắn thử nghiệm tên lửa dẫn đường chống tăng 9K111 từ UAV dân sự 4 cánh quạt. Video tài khoản btvt 2019 kênh Telegram

Máy bay không người lái UAV, loại cất cánh thẳng đứng eVTOL dân sự được lắp đặt tổ hợp tên lửa chống tăng (ATGM) 9K111 Fagot (định danh NATO AT-4 Spigot), phóng tên lửa chống tăng dẫn đường cáp quang 9M111.

Phương pháp này cho phép UAV tấn công các mục tiêu từ trên cao thông qua bộ điều khiển UAV của trắc thủ, ẩn nấp an toàn trong công sự, một giải pháp có thể làm thay đổi chiến thuật sử dụng ATGM trên chiến trường.

Hệ thống ATGM 9K111 Fagot, được lắp đặt trên UAV 4 cánh quạt là hệ thống tên lửa chống tăng được phát triển từ thời Liên Xô.

Tổ hợp 9M111 Fagot do Phòng thiết kế vũ khí Tula (Tula KBP) phát triển từ năm 1962 có hệ dẫn hướng đường ngắm trực tiếp SACLOS, dẫn đường bằng cáp quang. 9M111 Fagot được phát triển cùng với 9M113 Konkurs (AT-5 Spandrel), cả 2 loại tên lửa này đều có cùng một công nghệ dẫn đường cáp quang SACLOS, chỉ khác kích thước tên lửa. 9M111 được đưa vào biên chế trang bị năm 1970.

Tên lửa có khối lượng 11, 5 kg, chiều dài 1020 mm, đường kính đạn 120 mm. Tên lửa có tầm bắn đến 2,5 km.

Tên lửa được lưu giữ trong ống vận chuyển / phóng đóng kín. Tên lửa được bắn từ bệ phóng 9P135 có thiết kế đế 3 chân đơn giản. Hộp dẫn hướng tên lửa 9S451 được lắp vào giá ba chân và ống phóng tên lửa lắp đặt phía trên. Kính ngắm 9Sh119 lắp bên trái theo tầm nhìn xạ thủ.

9M111 Fagot có thể tấn công các mục tiêu cơ động di chuyển với tốc độ dưới 60 km/h. Trụ phóng xoay 360 độ góc hướng và ± 20 độ góc tầm. Ống ngắm có độ phóng đại 10× và trường nhìn 5 độ.

Hệ thống sử dụng khí tài tạo khí để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng và lửa phản lực phụt ra phía sau giảm giật. Tên lửa bay khỏi ống phóng với vận tốc 80 m/s, sau đó tăng tốc lên 186 m/s, sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu rắn, cho phép tên lửa tấn công nhanh và chính xác mục tiêu theo đường ngắm.

Trong quá trình bắn, xạ thủ phải liên tục theo dõi, duy trì mục tiêu nằm trên chữ thập kính ngắm, Hệ thống dẫn đường SACLOS cáp quang có độ chính xác cao, không bị gây nhiễu và đơn giản trong điều khiển tên lửa.

to-hop-ten-lua-chong-tang-fagot-9k111-9429.jpg
Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển 9K111 Fagot. Ảnh Army Recognition.

Theo video, dường như các nhà phát triển UAV Nga đang thử nghiệm tích hợp hệ thống Fagot với UAV, nhằm tạo ra một giải pháp chiến thuật mới, cho phép tấn công các mục tiêu từ xa và chính xác vào các phương tiện cơ giới hoặc công sự từ trên không.

Rõ ràng, giải pháp kỹ thuật này khởi đầu tương đối đơn giản, lắp đặt tổ hợp Fagot lên một chiếc UAV VTOL 4 cánh quạt thông thường và phóng bằng điều khiển từ xa, nhưng phương án này có thể được phát triển thành một giải pháp công nghệ tiên tiến, khi UAV VTOL được thiết kế lại để có thể tối ưu hóa hệ thống kính ngắm – camera kỹ thuật số và khả năng điều khiển từ xa, cho phép trắc thủ tấn công các mục tiêu đối phương trên độ cao thấp. Giải pháp kỹ thuật này mở ra khả năng áp dụng công nghệ tự động hóa, cho phép drone bay, tìm kiếm, phát hiện và tiêu diệt mục tiêu hoàn toàn tự động, thông qua hệ thống điều khiển ở trung tâm.

Mặc dù thông tin chi tiết về phạm vi hoạt động và thời gian hoạt động của UAV mang ATGM cũng như công nghệ sửa đổi với Fagot chưa rõ ràng. Nhưng giải pháp kỹ thuật này mở ra một hướng khai thác sử dụng các tổ hợp ATGM mới, áp dụng UAV VTOL và công nghệ tự động hóa ứng dụng Trí tuệ Nhân Tạo (AI).

Giải pháp kỹ thuật đặc biệt này mở ra một phương thức tác chiến mới trong chiến tranh công nghệ cao, khi các phương tiện robot, được trang bị các loại vũ khí khác nhau sẽ tham gia chiến đấu cùng với con người và các phương tiện, vũ khí truyền thống, hình thành mô hình chiến thuật kết hợp robot – con người./.