Cách đây 10 năm, đúng vào ngày khai mạc Đại hội thể thao lớn nhất thế giới ở Bắc Kinh (8/8/2008) với khẩu hiệu "Một thế giới, Một ước mơ" hướng tới tương lai hòa bình, hữu nghị và đoàn kết giữa các dân tộc trên hành tinh, Quân đội Gruzia với hàng trăm xe tăng và đại bác hạng nặng hiện đại do Mỹ, NATO và Israel trang bị đã bất ngờ mở chiến dịch quân sự quy mô lớn tiến công lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Osetia.
Hành động quân sự của Nga đáp trả kiên quyết và mau lẹ đối với hành động gây hấn của Gruzia hoàn toàn bất ngờ đối với chính quyền Tbilisi cũng như đồng minh chiến lược của họ ở Washington và Brussel, đã kết thúc chóng vánh cuộc xung đột này vẻn vẹn 5 ngày, buộc bên chủ động phát động chiến tranh phải chuốc lấy thất bại nhục nhã, trong đó Tổng thống Gruzia, ông Mikhail Saacasvili, đã phải chạy trốn thục mạng trong trạng thái hoảng loạn, thất kinh.
Nhìn bề ngoài, cuộc Chiến tranh 5 ngày giữa Nga và Gruzia là hậu quả từ cuộc xung đột dai dẳng từ đầu những năm 1990 ở khu vực Nam Capca liên quan đến sự tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Gruzia với Cộng hòa tự trị Nam Osetia và Cộng hòa tự trị Apkhazia chưa được quốc tế công nhận, nhưng đằng sau đó là cuộc cạnh tranh địa-chính trị có bản chất sâu xa giữa Mỹ và Nga trong quá trình tái định hình trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh. Vì thế, dù chỉ diễn trong 5 ngày, với cường độ thấp và quy mô hạn chế, nhưng cuộc chiến Nga-Gruzia có tác động sâu sắc, toàn diện và lâu dài tới cục diện chính trị-quân sự trong khu vực và thế giới, là dấu hiệu mở đầu quá trình sụp đổ trật tự thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát sau khi siêu cường Liên Xô bị giải thể.
Lời cảnh báo của V.Putin
Sau Chiến tranh lạnh cùng với sự tan rã Liên Xô như một cực của trật tự thế giới hai cực hình thành sau Thế chiến II, Mỹ tuyên bố về một kỷ nguyên mới của trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát và sẽ không để cho bất cứ quốc gia nào có thể thách thức vị thế đó của họ. Với vị thế ấy, Mỹ bất chấp Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đơn phương phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố ở Afghanistan (năm 2001), cuộc chiến tranh xâm lược Iraq (năm 2003) và tiến hành nhiều cuộc «cách mạng sắc màu» để lật đổ chính thể những quốc gia không chấp nhận nằm dưới quyền kiểm soát của Washington.
Tuy nhiên, diễn biến nhanh chóng và sinh động trong nền kinh tế và chính trị-quân sự thế giới trong gần hai thập niên sau Chiến tranh lạnh hướng mạnh mẽ tới trật tự thế giới mới đa cực. Trong bối cảnh ấy, tại Hội nghị an ninh quốc tế thường niên ở Munich (tháng 5/2007), Tổng thống Nga V.Putin đã đưa ra cảnh báo rằng trật tự thế giới đơn cực không có lý do và cơ sở pháp lý để tồn tại bởi siêu cường tự cho mình quyền kiểm soát trật tự ấy không chỉ không có đủ tiềm lực chính trị-quân sự và kinh tế để đảm nhận vai trò đó, mà điều quan trọng hơn là các hành động đơn phương đi ngược lại pháp lý quốc tế không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong hàng loạt vấn đề chung và bức xúc của toàn nhân loại.
Tổng thống Nga Putin
|
Đối với Nga, với vị thế lãnh đạo trật tự thế giới đơn cực, Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược kiềm chế, không để cho Nga có cơ hội hồi sinh và phát triển như một quốc gia có chủ quyền sau khi Liên Xô tự giải thể. Vì thế, mặc dù Hiệp ước phòng thủ Varsava không còn tồn tại nhưng Mỹ vẫn chủ trương không ngừng mở rộng NATO sang phía Đông, xâm nhập sâu vào không gian hậu Xô Viết, tiến đến "sát nách” Nga. Trong những năm 1990, do bị lâm vào tình hình khủng hoảng kinh tế và chính trị-xã hội sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đành phải chấp nhận ngồi nhìn cảnh tượng NATO tiến sát ngõ nhà mình. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2008, sau 2 nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống V.Putin, nước Nga không chỉ thoát khỏi tình trạng khủng hoảng mà còn phục hồi và phát triển thành một cường quốc mới. Với vị thế ấy, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát [1].
Toan tính chiến lược phiêu lưu của Mỹ và NATO ở Gruzia
Hành động gây hấn chiến tranh ở Nam Osetia ngày 8/8/2008 không phải là "tính toán sai lầm nông nổi" của Tổng thống Gruzia, ông Mikhail Saacasvili, như một số người đánh giá mà là bước đi quan trọng trong chiến lược của Mỹ sử dụng Gruzia như một lực lượng xung kích nhằm kiềm chế và thu hẹp "không gian sinh tồn" của Nga. Trên thực tế, cuộc chiến đó là bước đi đã được tính toán kỹ của Mỹ và NATO sử dụng Mikhail Saacasvili-một nhân vật từng được cựu Tổng thống Mỹ G.W.Bush tôn sùng là «Washington của Gzuzia», như một lính xung kích để thôn tính và kiểm soát Cộng hòa tự trị Nam Osetia và Cộng hòa tự trị Apkhazia.
Kịch bản của Mỹ và NATO là, sau đòn tiến công chớp nhoáng ngày 8/8/2008, Gruzia sẽ hoàn toàn kiểm soát Nam Osetia và Apkhazia, sáp nhập hai vùng đất này vào Gruzia. Đến lúc đó, Mỹ và các nước phương Tây sẽ nhanh chóng công nhận hiện trạng, kết nạp Gruzia vào NATO. Với kịch bản Gruzia giành thắng lợi, Mỹ sẽ vẽ lại bản đồ thế giới và định đoạt ảnh hưởng ở khu vực Capca-một khu vực có ý nghĩa rất quan trọng trên bàn cờ địa-chính trị của thế giới trong thế kỷ 21, theo đó Mỹ sẽ giành quyền kiểm soát vùng biển Caspi-khu vực có trữ lượng tài nguyên dầu mỏ và khí đốt chỉ kém khu vực Trung Đông.
Cũng theo kịch bản này, sau khi giành quyền kiểm soát Gruzia, Mỹ sẽ thực hiện cuộc «cách mạng màu» ở Ukraine, đẩy Nga ra khỏi căn cứ quân sự ở Sevastopol, hoàn toàn kiểm soát Biển Đen, chặn lối ra của Nga tới Địa Trung Hải và Trung Đông. Đồng thời, Mỹ và NATO sẽ tiến sâu vào không gian hậu Xô Viết, bao vây và làm suy yếu Nga, từng bước làm tan rã nước Nga. Đặc biệt, Mỹ và NATO sẽ xây dựng căn cứ quân sự khổng lồ ở Gruzia, lấy đó làm nơi xuất phát tấn công Iran trong tương lai [2].
Cuộc chiến Nga-Gruzia mở đầu quá trình sụp đổ trật tự thế giới đơn cực
Ngay sau khi Gruzia mở cuộc tổng tấn công vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Osetia, Nga đã điều 150 xe tăng hạng nặng với lớp giáp chống đạn có thể vô hiệu hóa các vũ khí chống tăng hiện đại nhất của Mỹ, rầm rập tiến vào vùng chiến sự. Đến ngày 9/8/2008, các đơn vị lục quân của Nga, trong đó có các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ và 2 sư đoàn trinh sát-tiến công, nhanh chóng tái chiếm các vùng lãnh thổ của Nam Osetia trước đó bị quân đội Gruzia chiếm đóng.
Đồng thời, máy bay cường kích của Nga mở các đợt tiến công sâu vào các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Gruzia. Tính tổng cộng, Nga đã điều đến Nam Osetia trên 300 xe tăng hạng nặng với quân số lên tới 100.000 người, gấp 3 lần lực lượng của Gruzia. Hành động này của Nga là lời cảnh cáo trên thực địa rất rõ ràng: đã đến lúc Nga không chỉ dừng lại ở lời nói suông phản đối sự mở rộng của NATO mà bằng cả hành động thực tế. Với các nước Đông Âu, thông điệp của Matxcơva là việc họ tham gia các kế hoạch mở rộng NATO vào không gian hậu Xô Viết là một mối đe dọa thực sự đối với nền an ninh quốc gia của Nga.
Sau cuộc chiến này, bằng Hiệp ước về hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Nga và Cộng hòa tự trị Nam Osetia và Cộng hòa tự trị Apkhadia đã được Nga và một số nước công nhận, Nga có quyền hợp pháp thiết lập các căn cứ quân sự tại hai vùng lãnh thổ này để bảo vệ các công dân của Nga ở Nam Osetia một khi bị phía Grudia gây hấn. Từ đây, Nga sẽ tăng cường sự hiện diện ở khu vực Biển Đen nơi được coi là vùng biển tranh chấp ảnh hưởng của các nước trong khu vực trong thế kỷ XXI.
Cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008 đã làm tiêu tan Học thuyết Clintơn được đưa ra sau khi Liên Xô sụp đổ. Theo học thuyết này, Mỹ không cho phép bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có quyền sử dụng sức mạnh quân sự trong các cuộc xung đột nội bộ hoặc các cuộc xung đột khu vực nếu không được phép của Washington và đe dọa tới lợi ích của Mỹ [3].
Cuộc chiến Nga-Gruzia chứng tỏ Học thuyết Clinton đã bị phá sản. Gruzia là đồng minh chiến lược của Mỹ và NATO và là bên phát động chiến tranh, nhưng trước phản ứng mau lẹ và kiên quyết của Matxcơva, Washington và Brussel không dám hành động mà chỉ sử dụng bộ máy truyền thông mạnh nhất hành tinh để đổ vấy cho phía Nga “xâm lược”, nhằm cô lập nước Nga trên trường quốc tế. Tổng thống G.W.Bush và nguyên thủ nhiều nước Phương Tây chỉ dừng lại ở lời kêu gọi “các bên kiềm chế” và “không nên có hành động quân sự thái quá”. Thất vọng trước sự án binh bất động của Mỹ và NATO, Tổng thống Gruzia Mikhail Saacasvili đã phải than thở rằng ông đã “bị phản bội”.
Về tác động của cuộc chiến tranh Nga-Gruzia ở Nam Osetia, báo Anh The Guardian nhận định:«Trong năm 2008 có hai sự kiện đặt dấu chấm hết trật tự thế giới đơn cực. Đó là cuộc chiến tranh giữa Nga và Grudia và tiếp đến là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát ở Mỹ vào cuối năm 2008» [4]. Cuộc khủng hoảng ở Mỹ cuối năm 2008 là cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản do Mỹ đứng đầu, là thêm một sự kiện chứng tỏ vị thế của siêu cường duy nhất của Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực đã lung lay tới tận gốc rễ [5,6,7].
Ngày 15/7/2009, trong bài diễn thuyết gây sự chú ý đặc biệt tại Hội đồng về các quan hệ quốc tế, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã phác họa những đường nét về tư duy mới trong chiến lược đối ngoại của Nhà Trắng trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Barack Obama. Tư duy này được đúc kết từ những thất bại của Mỹ trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống G.W.Bush (2001-2009), trong đó khẳng định, trong thế giới ngày nay có quá nhiều thách thức có tính toàn cầu mà không một quốc gia đơn độc nào, kể cả Mỹ, có thể đơn phương hóa giải được.
Vì thế, Mỹ cần có một liên minh mới rộng khắp, bao gồm chính phủ các nước, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, phối hợp các nỗ lực dân sự và quân sự, tạo nên hệ thống liên minh theo kiểu mạng. Trong cuộc đối thoại Mỹ-Trung về kinh tế và chiến lược bắt đầu ở Mỹ ngày 27/7/2009, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh:“Tư duy mới về thế kỷ 21 sẽ đưa chúng ta tới trật tự thế giới đa cực hay là đa đối tác" [8]. Trước đó, trong chuyến thăm Cộng hòa Gana ở Châu Phi đầu tháng 7/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố:«Công việc của thế giới ngày nay không chỉ được quyết định ở Washington, Matxcơva, Bắc Kinh và Paris mà còn cả ở Gana»[9].
Những sự kiện diễn ra trong thời gian 10 năm kể từ cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008 chứng tỏ, trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sau Chiến tranh lạnh đã hoàn toàn sụp đổ. Đó là, Mỹ đã hoàn toàn thất bại khi gây ra các biến động chính trị ở các nước Bắc Phi-Trung Đông từ năm 2010 tới nay, Mỹ đã thất bại trong khi gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine nhằm đẩy Nga ra khỏi Crimea. Sau khi lên cầm quyền ở Mỹ đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ D.Trump đã phải tuyên chiến thương mại với gần như cả thế giới, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ trong những nỗ lực gần như vô vọng làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”./.
Tài liệu tham khảo:
[1]Выступление и дискуссия на Мюнхенской конференции по вопросам политики безопасности.
[2] Грузино-осетинский конфликт. Война 08.08.08. Что скрывается за конфликтом. http://rubicon.org.ua/index.php/advanced-stuff/item/199-gruzino-osetinskij-konflikt-vojna-08-08-08-chto-skryvaetsya-za-konfliktom
[3] The Clinton Doctrine. https://www.washingtoninstitute.org/policy-analysis/view/the-clinton-doctrine
[4] The end of the New World Order. https://www.theguardian.com/commentisfree/2012/oct/19/new-world-order
[5] Three weeks that changed the world. https://www.theguardian.com/business/2008/dec/28/markets-credit-crunch-banking-2008
[6] The Financial and Economic Crisis of 2008: A Systemic Crisis of Neoliberal Capitalism. https://vn.search.yahoo.com/yhs/search?hspart=trp&hsimp=yhs-001&type=138051_050718&p=The+global+financial+crisis+broke+out+in+the+US+in+late+2008
[7] Конец Нового мирового порядка. http://mixednews.ru/archives/25726
[8] Американские концепции полицентричного мира. http://www.rodon.org/polit-110601122936
[9] Obama Ghana Speech: FULL TEXT. https://www.huffingtonpost.com/2009/07/11/obama-ghana-speech-full-t_n_230009.html