Chính phủ Nga ngày 4/3 công bố họ đã chặn Facebook. Chỉ sau đó vài giờ, Twitter cũng đã bị chặn. Các động thái này là một bước leo thang lớn trong mối quan hệ bế tắc giữa Big Tech và Điện Kremlin vốn đã được nung nấu kể từ cuộc xung đột với Ukraine vào ngày 24/2.
Thông báo này dường như là sự trả đũa đối với những hạn chế mà các nền tảng truyền thông xã hội đã áp dụng đối với các tài khoản ủng hộ Điện Kremlin. Cơ quan quản lý truyền thông của Nga, Roskomnadzor, cho biết họ đã ghi nhận “26 trường hợp bị Facebook phân biệt đối xử chống lại các nguồn thông tin và truyền thông Nga”. Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, công ty mẹ của Facebook, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để sớm khôi phục dịch vụ của mình".
Vào đầu ngày thứ Sáu, Meta đã đưa ra một tuyên bố khác thông báo các nhà quảng cáo ở Nga sẽ bị cắt khỏi Facebook: "Bất chấp thông báo của chính phủ Nga rằng họ sẽ chặn Facebook, chúng tôi đang cố gắng giữ cho các dịch vụ của mình khả dụng ở mức độ cao nhất có thể. Tuy nhiên, do những khó khăn khi hoạt động ở Nga vào thời điểm này, quảng cáo nhắm mục tiêu đến những người ở Nga sẽ bị tạm dừng và các nhà quảng cáo ở Nga sẽ không còn có thể tạo hoặc chạy quảng cáo ở bất kỳ đâu trên thế giới".
Mạng xã hội này cũng từ chối cho các nhà quảng cáo Nga chạy quảng cáo ở những nơi khác trên thế giới với lý do gặp khó khăn trong hoạt động tại Nga. Trước Facebook, Google của Alphabet cũng đã tạm dừng quảng cáo ở Nga.
Được biết, động thái này diễn ra trong bối cảnh nhà chức trách Nga đang tìm cách kiểm soát việc đưa tin về chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Roskomnadzor hôm 4/3 đã bắt đầu tiến hành chặn truy cập hãng tin BBC của Anh, đài RFI và đài VOA được chính phủ Mỹ tài trợ, đài Deutsche Welle của Đức và báo điện tử Meduza của Latvia, với cáo buộc những cơ quan thông tấn báo chí này "đưa tin giả về chiến sự" nhằm chống lại Moscow.
Tuần trước, khi người dùng Nga nhấp vào các liên kết được đăng lên Facebook bởi RIA Novosti, kênh truyền hình Zvezda hoặc các trang web Lenta.ru và Gazeta.ru, họ được đưa đến một trang có dấu chấm than màu đỏ bên cạnh dòng chữ “Các phương tiện truyền thông được Nga kiểm soát ”và được hỏi liệu họ muốn “quay lại” hay“không”.
Meta có khoảng 7,5 triệu người dùng Facebook ở Nga vào năm ngoái và 122,2 triệu người dùng trên các dịch vụ khác bao gồm Instagram, WhatsApp và Messenger, theo ước tính từ Insider Intelligence.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt, thế giới đã sử dụng hệ thống tài chính của mình thành vũ khí để làm suy yếu Nga. Hoa Kỳ đã cấm các giao dịch với ngân hàng trung ương của Nga. Vương quốc Anh cũng đã yêu cầu các cảng của họ không tiếp nhận bất kỳ tàu nào do người Nga sở hữu, kiểm soát hoặc thuê.
Theo CBS News, Wired