Meta doạ cắt dịch vụ Facebook ở châu Âu, lãnh đạo EU nói rằng không có Facebook cuộc sống sẽ tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra cứng rắn khi Meta doạ dừng dịch vụ Facebook và Instagram tại khu vực này. 
Facebook và Instagram đang vướng vào cuộc tranh cãi với EU
Facebook và Instagram đang vướng vào cuộc tranh cãi với EU

Công ty mẹ Meta cho biết họ có thể dừng dịch vụ Facebook và Instagram trên toàn châu Âu. Nguyên nhân là do các quy định chặt chẽ của châu Âu về dữ liệu, cản trở việc truyền, lưu trữ và xử lý dữ liệu của người châu Âu trên các máy chủ đặt tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra không hề lo ngại.

Phát biểu với các phóng viên bên lề cuộc họp ở Paris hôm thứ Hai (7/1), Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng ông đã không dùng Facebook và Twitter trong 4 năm và cuộc sống thật tuyệt vời.

Tán đồng với người đồng cấp, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói thêm: "Tôi có thể khẳng định rằng cuộc sống sẽ rất tốt nếu không có Facebook và chúng tôi sẽ sống rất tốt nếu không dùng Facebook".

Meta đã tuyên bố gì?

Trong báo cáo hàng năm của mình cho Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, Meta nói rằng nếu EU tiếp tục thắt chặt chính sách về dữ liệu khiến công ty không thể sử dụng hình thức kinh doanh hiện tại, thì công ty có thể phải rời khỏi "Lục địa già".

Meta tuyên bố rằng việc xử lý dữ liệu người dùng giữa các quốc gia là rất quan trọng cho việc nhắm mục tiêu kinh doanh và quảng cáo.

"Nếu chúng tôi không thể chuyển dữ liệu giữa các quốc gia và khu vực mà chúng tôi hoạt động, hoặc nếu chúng tôi bị hạn chế chia sẻ dữ liệu giữa các sản phẩm và dịch vụ của mình, thì điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ, cách thức chúng tôi cung cấp các dịch vụ, hoặc khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo", Meta tuyên bố.

Meta nghĩ rằng có thể đạt được một thoả thuận mới với EU trong năm nay, nhưng nếu không đạt được, công ty tuyên bố: "Chúng tôi có thể sẽ không thể cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất của mình, bao gồm Facebook và Instagram, ở châu Âu".

Tuy nhiên, hôm thứ Hai (7/2) Meta cho biết họ không có kế hoạch rút Facebook và Instagram khỏi châu Âu.

"Chúng tôi hoàn toàn không có mong muốn và không có kế hoạch rút khỏi châu Âu, nhưng thực tế đơn giản là Meta và nhiều doanh nghiệp, tổ chức và dịch vụ khác, dựa vào chuyển dữ liệu giữa EU và Mỹ để vận hành các dịch vụ toàn cầu", người phát ngôn của Meta nói với Euronews Next trong một tuyên bố.

Giống như các công ty khác, Meta cho biết họ đã tuân theo các quy tắc của Châu Âu và dựa trên các Điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn, cũng như các biện pháp bảo vệ dữ liệu thích hợp để vận hành một dịch vụ toàn cầu.

Uỷ ban châu Âu phản ứng như thế nào?

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu nói với Euronews Next qua email: “Đảm bảo một sự sắp xếp mới cho các luồng dữ liệu xuyên Đại Tây Dương an toàn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và các đối tác Hoa Kỳ".

Các cuộc đàm phán đã được tăng cường trong những tháng qua, với các cuộc thảo luận ở cấp độ kỹ thuật và chính trị. Điều này bao gồm các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa Ủy viên Uỷ ban châu Âu Reynders và người đồng cấp của ông, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, Gina Raimondo.

"Chỉ có một thỏa thuận hoàn toàn tuân thủ các yêu cầu do tòa án EU đặt ra mới có thể mang lại sự ổn định và chắc chắn về mặt pháp lý mà các bên liên quan mong đợi ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Các cuộc đàm phán này mất một thời gian, do tính chất phức tạp của các vấn đề được thảo luận và sự cần thiết phải đạt được sự cân bằng giữa quyền riêng tư và an ninh quốc gia", người phát ngôn EU cho biết.

Tuần trước, báo cáo tài chính của Meta cho thấy cổ phiếu của công ty này giảm mạnh 25% sau khi Facebook lần đầu tiên trong lịch sử mất đi nửa triệu người dùng trong 3 tháng cuối năm 2021.

Vào thứ Ba ngày 8/2, Meta đóng cửa với mức vốn hóa thị trường dưới 600 tỉ USD (525 tỷ euro) lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2020.