Bài báo viết: Hôm 7/10, chính phủ Mỹ đã công bố các biện pháp mới nhằm hạn chế việc bán công nghệ bán dẫn cho Trung Quốc, đây là động thái nhằm ngăn chặn khả năng Trung Quốc có được các công nghệ then chốt cần thiết trong mọi lĩnh vực, từ siêu máy tính đến dẫn đường cho vũ khí.
Những động thái này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho đến nay, thể hiện rõ sự đối đầu nguy hiểm giữa hai siêu cường đang diễn ra ngày càng nhiều trong lĩnh vực công nghệ, nơi Mỹ đang cố gắng thiết lập địa vị độc quyền lũng đoạn đối với các công nghệ máy tính và bán dẫn tiên tiến vốn rất quan trọng đối với tham vọng cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Một loạt hạn chế do Bộ Thương mại Mỹ ban hành phần lớn nhằm mục đích làm chậm tiến độ các chương trình quân sự của Trung Quốc sử dụng siêu máy tính để mô phỏng các vụ nổ hạt nhân, dẫn đường cho vũ khí siêu thanh và xây dựng hệ thống mạng tiên tiến để giám sát.v.v..
Ông Alan Estevez, Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách công nghiệp và an ninh cho biết bộ phận của ông đang nỗ lực để ngăn chặn PLA, các cơ quan tình báo và an ninh của Trung Quốc có được công nghệ nhạy cảm được ứng dụng vào quân sự.
Ông Alan Estevez, Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách công nghiệp và an ninh Mỹ (Ảnh: Politico). |
Ông nói: “Môi trường đe dọa liên tục thay đổi và chúng tôi đang cập nhật chính sách của mình ngay hôm nay để đảm bảo chúng ta tiếp tục tiếp xúc và phối hợp với các đồng minh và đối tác của mình đồng thời giải quyết những thách thức mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gây ra”.
Các công ty Mỹ sẽ không thể cung cấp chip máy tính tiên tiến, thiết bị sản xuất chip và các sản phẩm khác cho Trung Quốc trừ khi họ nhận được giấy phép đặc biệt của chính phủ. Một quan chức cấp cao của chính phủ cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm (6/10): hầu hết các đơn xin cấp phép này đều sẽ bị từ chối, nhưng một số chuyến hàng đưa đến các cơ sở do các doanh nghiệp Mỹ hoặc các nước đồng minh điều hành sẽ được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể.
Liệu chính phủ Trung Quốc có thực hiện các hành động đối phó hay không vẫn còn phải xem. Bà Sam Sachs, một thành viên cấp cao tại Học viện Luật Đại học Yale, người chuyên nghiên cứu chính sách công nghệ của Trung Quốc, nói: các quy định mới có thể buộc Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với các công ty Mỹ hoặc các quốc gia khác tuân thủ các quy định của Nhà Trắng nhưng vẫn muốn duy trì kinh doanh ở Trung Quốc.
Bà nói: "Câu hỏi đặt ra là: Liệu một loạt biện pháp mới có vượt qua ranh giới đỏ và gây ra phản ứng mà chúng ta chưa từng thấy trước đây không? Rất nhiều người đều dự đoán tình hình sẽ như vậy. Tôi nghĩ chúng ta cần chờ xem sao."
Các biện pháp được đưa ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tổ chức một sinh hoạt chính trị lớn – Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 20 - vào ngày 16/10 và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, dự kiến sẽ nhận nhiệm kỳ thứ ba, trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của đất nước tỷ dân này kể từ thời ông Mao Trạch Đông.
Người phát ngôn Sứ quán Trung Quốc tại Washington: “Mỹ có thể muốn Trung Quốc và các nước đang phát triển khác mãi mãi nằm ở điểm cuối chuỗi công nghiệp” (Ảnh: Sina). |
Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết Mỹ đang cố gắng "sử dụng sức mạnh và ưu thế công nghệ của mình để cản trở và kìm hãm sự phát triển của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển."
Ông Lưu Bằng Vũ nói thêm: “Mỹ có thể muốn Trung Quốc và các nước đang phát triển khác mãi mãi nằm ở điểm cuối chuỗi công nghiệp”.
Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng năng lực sản xuất chip tiên tiến nhất của nước này vẫn thua kém Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc. Trung Quốc không còn tụt hậu đáng kể so với Mỹ trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng những công nghệ này lại chủ yếu dựa vào các chip tiên tiến do các công ty không phải của Trung Quốc thiết kế hoặc sản xuất.
Các biện pháp hạn chế bán thiết bị sản xuất chip cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà sản xuất chip của Trung Quốc, bao gồm SMIC, Yangtze Memory Technologies và Changxin Storage.
Ảnh hưởng thực tế của những biện pháp hạn chế này sẽ phụ thuộc vào thực tế thực hiện chính sách. Trong hầu hết các biện pháp, Bộ Thương mại có quyền quyết định cấp cho các công ty giấy phép đặc biệt cho phép họ tiếp tục bán các sản phẩm bị hạn chế sang Trung Quốc; tuy nhiên bộ này cho biết hầu hết các đơn xin phép sẽ bị từ chối.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và nhân sĩ phái theo chính sách “diều hâu” với Trung Quốc đã từng chỉ trích Bộ Thương mại cấp quá nhiều giấy phép loại này, cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc trong tình hình an ninh quốc gia có thể bị đe dọa.
Trung Quốc, với hệ thống sinh thái nhà máy rộng lớn, vẫn là một thị trường khổng lồ và lợi nhuận béo bở cho xuất khẩu chip của Mỹ. Những công nghệ nhỏ bé này rất quan trọng đối với điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy pha cà phê, ô tô và các sản phẩm khác mà các nhà máy Trung Quốc sản xuất để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên khắp thế giới.
Cuộc chiến về chip giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt. |
Nhiều công ty Mỹ từ lâu nay đã coi việc bán hàng cho Trung Quốc là một nguồn doanh thu quan trọng, cho phép họ tái đầu tư vào nghiên cứu phát triển và duy trì ưu thế cạnh tranh.
Nhưng trong mấy năm qua, khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc biến thành cạnh tranh kiểu Chiến tranh Lạnh, hoạt động làm ăn với Trung Quốc ngày càng trở nên đáng lo ngại. Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách xóa mờ ranh giới giữa khu vực quốc phòng và khu vực tư nhân, dựa vào các công ty Trung Quốc có sở trường trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bigdata, công nghệ hàng không vũ trụ và điện toán lượng tử để hiện đại hóa quân đội nước này.
Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc nhằm đe dọa Đài Loan và liên minh của Trung Quốc với Nga sau khi Nga đưa quân vào Ukraine đã nâng cao sự cần thiết tăng cường giám sát công nghệ của Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà điều hành trong ngành và một số nhà phân tích cho rằng trừ khi các quốc gia khác cũng thực thi áp đặt các hạn chế tương tự, nếu không việc cắt đứt con đường nhập khẩu chip nước ngoài của Trung Quốc sẽ đẩy nhanh bước đi của họ trong việc tự chủ nghiên cứu phát triển chip của riêng mình và khiến các công ty Mỹ thua cuộc trong cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Hôm 7/10, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Hoa Kỳ (Semiconductor Industry Association, SIA) cho biết họ đang đánh giá tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với ngành và đang hợp tác với các công ty để đảm bảo việc tuân thủ.