Chuyên gia: Chính sách hạn chế chip của Mỹ đang gây ra chiến tranh kinh tế Mỹ - Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi Mỹ công bố chính sách hạn chế bán chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc, một số nhà quan sát quốc tế đã cho rằng hai nước đang chính thức xảy ra chiến tranh kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng chính sách hạn chế chip của Mỹ đang gây ra chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: TVBS).
Các chuyên gia cho rằng chính sách hạn chế chip của Mỹ đang gây ra chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: TVBS).

Vào ngày 7/10 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã đưa thêm 31 công ty hoặc thực thể Trung Quốc vào “unverified list” (danh sách chưa được xác minh) của họ, trong đó bao gồm nhà sản xuất chip Dương Tử (Yangtze Memory Technologies Corp, YMTC) lớn hàng đầu Trung Quốc, có khả năng đây sẽ là bước dạo đầu cho việc bị thêm vào danh sách đen thương mại (Entity List).

Ý kiến cho rằng hai nước Mỹ - Trung đang chính thức xảy ra chiến tranh kinh tế, chủ yếu dựa trên thực tế là nếu chính phủ Trung Quốc ngăn cản các quan chức Mỹ tiến hành kiểm tra tại chỗ các công ty trong “unverified list” (danh sách chưa được xác minh), các nhà chức trách Mỹ sau 60 ngày sẽ bắt đầu thêm chúng vào danh sách thực thể - hay danh sách đen thương mại (Entity List). Các quy định mới cũng sẽ hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu thiết bị của Mỹ cho các nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc và chính thức hóa bằng các bức thư được gửi đến cho Nvidia Corp và Advanced Micro Devices (AMD). Các thư này hạn chế dòng chảy của chip đến Trung Quốc cho các hệ thống siêu máy tính mà các nước trên thế giới dựa vào để phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ quân sự khác.

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 10/10 dẫn lời ông Cố Văn Quân, người đứng đầu ICwise, một tổ chức nghiên cứu chip của Trung Quốc, nói trong một bình luận: “Thực tế là Hoa Kỳ đã quyết sử dụng chip như một công cụ để kiềm chế Trung Quốc, họ có thể sử dụng mọi thứ, quyết không từ bỏ nếu không đạt được mục đích, hiện hai bên không có bất cứ khả năng hòa giải nào."

Cạnh tranh về chất bán dẫn và chip Mỹ - Trung đang diễn ra ngày càng gay gắt (Ảnh: Getty).

Cạnh tranh về chất bán dẫn và chip Mỹ - Trung đang diễn ra ngày càng gay gắt (Ảnh: Getty).

Dylan Patel, chuyên gia phân tích chính của SemiAnalysis, cho rằng giữa Trung Quốc và Mỹ đang chính thức xảy ra một cuộc "chiến tranh kinh tế". Ông nói: "Đây là một đòn giáng nặng của Mỹ đối với nỗ lực của Trung Quốc xây dựng năng lực công nghệ của nước này. Đây là đòn phản kích của Mỹ, thể hiện rõ ràng là họ sẽ phản kích”. Ông ước tính rằng những biện pháp hạn chế này có thể gây tổn thất hàng trăm tỷ đô la cho công nghệ và thương mại công nghiệp toàn cầu.

Các biện pháp của Mỹ được xem là động thái quyết liệt nhất của chính quyền Joe Biden cho đến nay nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển năng lực trong công nghệ bán dẫn mà Mỹ coi là mối đe dọa. Động thái này có thể có những tác động vượt xa ngành công nghiệp bán dẫn và lan vào các ngành công nghiệp phụ thuộc vào chip tiên tiến, từ xe điện, hàng không vũ trụ đến điện thoại thông minh.

Do ảnh hưởng của những tin tức này, cổ phiếu bán dẫn của cả châu Âu và Trung Quốc ngày 10/19 đều sụt giảm mạnh. Cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất ASM bị giảm hơn 3%; cổ phiếu của Bellwether Semiconductor Manufacturing giảm 5,2% tại Hồng Kông, là mức giảm lớn nhất kể từ ngày 15/8; cố phiếu của Hua Hong Semiconductor giảm 10%, cổ phiếu Tập đoàn Vi điện tử Fudan Thượng Hải giảm tới 25%; cổ phiếu của Naura giảm 10% ở Trung Quốc đại lục, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2022.

Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, viết: “Những quy định này là tín hiệu định hướng cho chính sách với Trung Quốc của Mỹ: một sự đồng thuận khá ‘diều hâu’ đã được hình thành”.

Phản ứng của Trung Quốc rất gay gắt. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo, "đây là một cuộc tấn công dã man nhằm vào tự do thương mại, sẽ gây nên hậu quả đáng sợ”. Tờ báo này viết, động thái của Mỹ có thể mang đến một số khó khăn trong ngắn hạn với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, song cũng sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và khả năng của Trung Quốc để tự đứng trên đôi chân khoa học, công nghệ của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gọi các biện pháp này của Mỹ là không công bằng và “giáng đòn mạnh vào chuỗi cung ứng, công nghiệp toàn cầu và khả năng phục hồi kinh tế thế giới”.