Bước đi quan trọng của Mỹ nhằm đẩy lùi ngành sản xuất chip Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 7/10 , Nhà Trắng công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu rộng lớn bao gồm việc ngăn chặn cung cấp cho Trung Quốc các chip được sản xuất bằng công cụ của Mỹ ở mọi nơi trên thế giới...
 Mỹ liên tiếp có thêm các biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn Trung Quốc có được các loại chip tiên tiến nhằm kìm hãm tiến bộ công nghệ và quân sự của Trung Quốc (Ảnh: Sohu).
Mỹ liên tiếp có thêm các biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn Trung Quốc có được các loại chip tiên tiến nhằm kìm hãm tiến bộ công nghệ và quân sự của Trung Quốc (Ảnh: Sohu).

Đây là động thái mới nhất nhằm mở rộng mạnh mẽ các nỗ lực của Mỹ nhằm kìm hãm tiến bộ công nghệ và quân sự của Trung Quốc.

Một số quy tắc đã có hiệu lực ngay lập tức. Các quy tắc được xây dựng dựa trên những hạn chế được nêu trong thư gửi đến KLA Corp, Lam Research và Applied Materials Inc vào đầu năm nay. Các thư yêu cầu các nhà sản xuất công cụ hàng đầu này ngừng gửi thiết bị đến tất cả các nhà máy sản xuất chip logic tiên tiến thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Sự thay đổi chính sách lớn nhất của Mỹ kể từ những năm 1990

Tổ hợp các biện pháp này có thể coi là sự thay đổi chính sách lớn nhất của Mỹ trong chính sách xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc kể từ những năm 1990.

Nếu được thực hiện hiệu quả, các biện pháp này sẽ buộc Mỹ và các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ của Mỹ cắt đứt sự hỗ trợ cho một số nhà máy và nhà thiết kế chip tiên tiến nhất của Trung Quốc, khiến ngành sản xuất chip của Trung Quốc thụt lùi nhiều năm.

Trong cuộc họp báo với giới truyền thông hôm 6/10 và xem trước các quy tắc, các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết nhiều biện pháp trong số này nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài bán chip tiên tiến cho Trung Quốc hoặc cung cấp cho các công ty Trung Quốc các công cụ để tự sản xuất chip tiên tiến. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng Mỹ chưa nhận được bất kỳ sự cam kết nào từ các đồng minh để thực hiện các biện pháp tương tự. Họ nói rằng các cuộc thảo luận của Mỹ với các quốc gia đó đang diễn ra.

Cuộc chiến về chip Mỹ - Trung được coi là đã bước vào thời điểm "đường phân thủy" (Ảnh: Reuters).

Cuộc chiến về chip Mỹ - Trung được coi là đã bước vào thời điểm "đường phân thủy" (Ảnh: Reuters).

Một quan chức nói: “Chúng tôi nhận ra rằng các biện pháp kiểm soát đơn phương mà chúng ta đưa ra sẽ mất tác dụng theo thời gian nếu các quốc gia khác không tham gia cùng”; “Nếu các đối thủ cạnh tranh nước ngoài không được kiểm soát tương tự, chúng ta có nguy cơ bị tổn hại vị trí lãnh đạo công nghệ của Mỹ."

Việc Mỹ mở rộng quyền kiểm soát xuất khẩu những loại chip như vậy sang Trung Quốc dựa trên sự mở rộng "Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài". Quy tắc này trước đây đã được mở rộng để chính phủ Mỹ có quyền áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hạn chế việc cung cấp chip sản xuất ở nước ngoài cho người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co Ltd. Sau khi Nga tấn công Ukraine nó cũng đã được Mỹ sử dụng để cấm bán cho Nga chip bán dẫn.

Hôm 7/10, chính quyền Biden đã áp dụng các hạn chế mở rộng đối với các công ty IFLYTEK, Dahua Technology và Megvii Technology của Trung Quốc. Các công ty này đã được thêm vào "danh sách thực thể" vào năm 2019

Ngăn chặn các siêu máy tính Trung Quốc

Các quy tắc được công bố hôm 7/10 cũng cấm cung cấp các loại chip cho các hệ thống siêu máy tính của Trung Quốc.

Theo định nghĩa, siêu máy tính là bất kỳ hệ thống nào có khả năng tính toán hơn 100 ngàn tỷ phép tính trong một giây. Hai nguồn tin trong ngành nói với Reuters, định nghĩa như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến một số trung tâm dữ liệu thương mại của người khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Trước đó vào ngày 7/10, Mỹ đã thêm nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc Yangtze Memory Technologies (YMTC) và 30 đơn vị khác của Trung Quốc vào danh sách mà các quan chức Mỹ chưa được xác minh, làm sâu sắc thêm căng thẳng của Washington với Bắc Kinh và nhắm mục tiêu vào một công ty đã khiến chính quyền Biden cảm thấy bất an.

Huawei là công ty công nghệ bị Mỹ trừng phạt sớm nhất.

Huawei là công ty công nghệ bị Mỹ trừng phạt sớm nhất.

Bị đưa vào "danh sách chưa được xác minh" là tiền đề để vào một danh sách đen kinh tế khó khăn hơn, nhưng các công ty tuân thủ các quy tắc kiểm tra của Mỹ có thể được loại khỏi danh sách. Hôm 7/10, các quan chức Mỹ đã loại bỏ 9 công ty nước ngoài như vậy khỏi "danh sách chưa được xác minh", trong đó có Wuxi Biologics của Trung Quốc. Công ty này sản xuất các thành phần cho vaccine Covid-19 cho AstraZeneca Plc.

Các quy định mới cũng sẽ hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu thiết bị của Mỹ cho các nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc và chính thức hóa các bức thư gửi đến Nvidia Corp và Advanced Micro Devices (AMD). Các lá thư này hạn chế dòng chảy của chip đến Trung Quốc cho các hệ thống siêu máy tính mà các nước trên thế giới dựa vào để phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ quân sự khác.

Reuters sớm đưa tin chi tiết chính về các hạn chế mới đối với chip nhớ, bao gồm hoãn áp dụng với các công ty nước ngoài kinh doanh tại Trung Quốc và động thái mở rộng hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc của các công ty KLA, Lam Resarch, Applied Materials, Nvidia và AMD.

Các nghị sĩ lưỡng đảng hoan nghênh các biện pháp mới

Các nhà lãnh đạo của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đều ca ngợi động thái mới nhất của Bộ Thương mại chống lại Trung Quốc.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer, một Thượng nghị sĩ Dân chủ bang New York, hoan nghênh thông báo này. Ông nói: "Các quy tắc này sẽ bảo vệ sự đổi mới của quốc gia chúng ta khỏi hành vi xâm hại mang tính cướp đoạt của Trung Quốc."

Schumer cũng nói rằng Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2023, sẽ được thảo luận tại Thượng viện, sẽ bao gồm những phương thức khác nhau để củng cố hơn nữa vị thế của Mỹ trước các chính sách kinh tế và công nghiệp mang tính bóc lột của Trung Quốc. Ông nói: “Các chính sách của Trung Quốc nhằm làm gián đoạn hoạt động sản xuất vi mạch của Hoa Kỳ và các đổi mới khác, gây nguy hiểm cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta”.

Cả hai viện của Quốc hội hiện đang nghỉ họp. Thượng viện dự kiến ​​sẽ bắt đầu tranh luận về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài chính mới vào tuần tới.

Schumer nói: “Trong nhiều thập kỷ, tôi đã thúc đẩy chính quyền của Đảng Cộng hòa và Dân chủ có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và duy trì lập trường cứng rắn vì sức mạnh là cách duy nhất để đánh bại Trung Quốc.”

Schumer cũng kêu gọi chính quyền Biden thực hiện nhiều hành động kiểm soát xuất khẩu hơn đối với Trung Quốc.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul bang Texas, thành viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cũng ca ngợi những hạn chế mới của chính quyền Biden đối với Trung Quốc trong một tuyên bố hôm 7/10.

"Nếu Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại thực thi các quy định này theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất, thì điều đó sẽ đánh trúng trọng tâm các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc", Hạ nghị sĩ McCaul nói.

McCaul cũng cho biết ông mong đợi sự minh bạch tiếp theo từ BIS về cách họ phê duyệt và từ chối các đơn xin cấp phép. McCaul nói: “Các tiêu chuẩn cấp phép lỏng lẻo sẽ làm suy yếu những gì các quy tắc này nhằm đạt được.

Thời điểm “đường phân thủy” cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

Paul Triolo, Phó chủ tịch về Trung Quốc tại Công ty tư vấn chiến lược Albright Stonebridge Group (ASG), cho biết các hạn chế xuất khẩu công nghệ mới của Washington báo hiệu một cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ chip bán dẫn đang ở thời điểm "đường phân thủy" (bắt đầu).

Triolo cho biết trong một sự kiện thảo luận trực tuyến hôm 7/10, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới "mang lại cho chính phủ Hoa Kỳ quyền phủ quyết đối với một số khía cạnh trong việc phát triển và triển khai chất bán dẫn của Trung Quốc".

Sản xuất chip hiện đang là điểm nóng nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung (Ảnh: Reuters).

Sản xuất chip hiện đang là điểm nóng nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung (Ảnh: Reuters).

"Điều đó cũng có nghĩa là ngành mà họ đang cố gắng nhắm đến - các trung tâm nghiên cứu liên quan đến máy tính hiệu suất cao và trí tuệ nhân tạo - nếu các trung tâm đó trước đây có thể nhận được chất bán dẫn từ châu Âu hoặc Nhật Bản, thì nay họ sẽ không thể có được chất bán dẫn đó từ bất cứ nơi nào trên thế giới nữa."

Ông nói rằng trong lĩnh vực chip cần thiết cho máy tính hiệu năng cao và trí tuệ nhân tạo, các công ty Mỹ đang thống trị thị trường và nhiều cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc đều dựa vào các sản phẩm bao gồm cả dòng chip GPU A-100 của Nvidia.

Triolo nói: "Tác động có thể vượt xa các ứng dụng quân sự nếu chính phủ Mỹ quyết định không cho phép các công ty như Nvidia và AMD cung cấp các hệ thống này cho các thực thể Trung Quốc không liên quan đến quân sự".

Ông nói: “Nỗ lực mới này đang gây áp lực ngày càng lớn lên toàn bộ hệ sinh thái công nghiệp của Trung Quốc sử dụng các chất bán dẫn này; nhưng hiện nay chưa rõ Chính phủ Mỹ sẽ thực thi như thế nào. Về cơ bản các quy tắc mới sẽ giúp chính phủ Mỹ có thể chặn các công ty Trung Quốc có được các chất bán dẫn này chỉ cần xác định có những lo ngại về an ninh quốc gia ”.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), đại diện cho các nhà sản xuất chip, cho biết họ đang nghiên cứu các quy tắc và đốc thúc chính phủ “thực thi các quy tắc một cách có mục tiêu và làm việc với các đối tác quốc tế để giúp có được môi trường cạnh tranh bình đẳng”.