Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân:

Nạn tham nhũng vặt: “Lỗ nhỏ nhưng dễ đắm thuyền”

VietTimes – Trả lời đại biểu về tình trạng tham nhũng vặt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, đây là một lỗ hổng mà nếu không bịt kịp thì từ một lỗ hổng nhỏ sẽ thành một lỗ hổng lớn, dễ đắm thuyền, rất nguy hiểm. Tham nhũng vặt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ trưởng Nội vụ làm Tổ trưởng kiểm tra công vụ nên làm rất quyết liệt.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ trưởng Nội vụ làm Tổ trưởng kiểm tra công vụ nên làm rất quyết liệt.

Là người thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đối mặt với nhiều vấn đề “nóng” mà các ĐBQH đưa ra ngay trong phiên chiều nay (7/11). Trong đó, có nội dung đề nghị người đứng đầu ngành Nội vụ làm rõ vì sao xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ công chức, viên chức sai phạm đạo đức công vụ.

Xử phạt không nghiêm

Dẫn lại ý kiến phản ánh đã được đưa ra từ những kì họp đầu tiên của Quốc hội hóa XIV (năm 2016) về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bức xúc: “Đã có ý kiến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành đuổi việc những cán bộ này. Tuy nhiên, khó khăn và cũng là nguyên nhân của vướng mắc này chính là do Luật Cán bộ, công chức. Chế tài xử phạt không nghiêm, quy trình rất nhiêu khê, rất dài dòng”.

Theo ĐBQH đoàn Nghệ An, nếu Luật Cán bộ công chức, viên chức (dự kiến dự thảo Luật được thông qua tại Quốc hội kì này – PV) không điều chỉnh, thì Chính phủ không thể ban hành được nghị định. Vì vậy, ĐBQH đề nghị sửa luật phải đưa ra giải pháp mới, mạnh tay để dẹp bỏ nạn này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An).Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An).
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An).

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thẳng thắn: Đó là một lỗ hổng mà nếu không bịt kịp thì từ một lỗ hổng nhỏ sẽ thành một lỗ hổng lớn, dễ đắm thuyền, rất nguy hiểm. Cùng với đó tình trạng tham nhũng vặt đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến doanh nghiệp.

“Đối với việc xử lí cán bộ nhũng nhiễu, tôi xin ghi nhận ý kiến của ĐB Cầu. Sắp tới để tham mưu cho việc xây dựng các Nghị định, nhất là xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 34 về xử lí kỉ luật cán bộ công chức, chúng ta phải kiên quyết xử lí vấn đề này. Sắp tới, trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn sau khi Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực, đây cũng việc mà chúng tôi ghi nhận và bổ sung, làm sao để ngăn chặn và không để những phần tử này lọt vào trong cơ quan hệ thống hành chính nhà nước gây nhũng nhiễu, phiền hà người dân giảm lòng tin của người dân”, Bộ trưởng Tân nói.

1.700 trường hợp tuyển dụng có sai phạm

Đề cập vấn đề này, ĐBQH Phạm Tất Thắng đoàn Vĩnh Long cũng thẳng thắn: “Báo chí dư luận cũng phản ánh nhiều hiện tượng cán bộ công chức, viên chức vô cảm khi tác nghiệp. Cử tri hỏi và đề nghị Bộ trưởng trả lời, chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ chặt chẽ. Sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ công chức, viên chức sai phạm đạo đức công vụ của 1 bộ phận không đáp ứng nhu cầu như vậy”.

ĐB Thắng đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tân trả lời thẳng vào nội dung hỏi: “Gốc của vấn đề là tuyển dụng, không giải quyết được vấn đề tuyển dụng thì các bước tiếp theo đều vướng cả. Không được công bố số liệu báo cáo cụ thể, nhưng theo thống kê, trong tuyển dụng có những tỉnh sai phạm trên 1.700 trường hợp”. 

Ông giải thích thêm, tất nhiên có những tỉnh chỉ có vài ba chục trường hợp sai phạm, nhưng nhìn chung đây không phải con số nhỏ. Sở dĩ có điều này bởi chính sách đặc thù của địa phương khi ưu đãi ưu tiên đào tạo cán bộ công chức, viên chức.

Chỉ “quản” qua hồ sơ, chưa hiểu cán bộ

Trước chất vấn của ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) về việc nhiều cử tri nêu tình trạng cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, lạm dụng quyền lực, lợi ích nhóm, bổ nhiệm người nhà,…, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, có 1.657 công chức bị xem xét kỉ luật năm 2018, trong đó nhóm vi phạm liên quan đến tham ô, tham nhũng, cờ bạc, sinh con thứ 3 chiếm tỉ lệ lớn, số bị buộc thôi việc là 141.

Có 1.657 công chức bị xem xét kỉ luật năm 2018
Có 1.657 công chức bị xem xét kỉ luật năm 2018

"Về giải pháp, chúng tôi ghi nhận ý kiến ĐBQH là phải xử lí nghiêm minh. Phải có nghị định mới để cụ thể hóa quy định của Luật Cán bộ, công chức, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của bộ trong thời gian tới", Bộ trưởng Tân cam kết.

Đối với chất vấn về việc bổ nhiệm cán bộ qua nhiều quy trình, thủ tục đánh giá nhưng lại xảy ra nhiều sai phạm, để lọt những cán bộ thiếu phẩm chất, sai phạm vào trong bộ máy, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục nhưng lại không nắm được người, bởi chúng ta gần như quản lí cán bộ qua hồ sơ mà không hiểu được cán bộ.

Liên quan đến quy định về điều kiện ngoại ngữ, tin học đối với cán bộ, công chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết đây không phải quy định cứng nhắc, bởi quy định của chúng ta đã nói rõ rằng tin học và ngoại ngữ là phù hợp với vị trí việc làm.

"Tuy nhiên, tới đây sẽ quy định cụ thể, ví dụ cán bộ từ cấp vụ trở lên thì phải đảm bảo trình độ ngoại ngữ đủ để làm việc với quốc tế. Anh đi làm việc, hội thảo thì phải nghe và nói được tiếng nước ngoài", ông Tân cho biết.