'Năm hạn' của đại gia tuổi Mão Trịnh Văn Quyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng ông Trịnh Văn Quyết chưa bao giờ lọt vào danh sách tỉ phú của các tổ chức quốc tế. Đó như là điềm báo trước về 'năm hạn' của vị doanh nhân tuổi Ất Mão.

Theo quan niệm dân gian, 2022 (Nhâm Dần) được cho là năm có nhiều điều tốt lành đối với tuổi Ất Mão. Song, có thể nó đã sai với vị doanh nhân sinh năm 1975 Trịnh Văn Quyết.

Cuối tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố ông Trịnh Văn Quyết – khi ấy là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC - liên quan tới hành vi 'thao túng thị trường chứng khoán'.

Nhà chức trách cáo buộc ông Quyết đã chỉ đạo em gái liên hệ với họ hàng, người thân thành lập 20 công ty, mở 450 tài khoản, để thao túng giá đối với các mã: FLC, ROS, ART, HAI, AMD và GAB.

Đến tháng 8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục khởi tố bổ sung tội danh 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã CK: ROS) và các công ty có liên quan đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Theo nhà chức trách, giai đoạn 2014 - 2016, thông qua việc làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phiếu ROS.

Khi cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, các cá nhân liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết đã bán ra cổ phiếu để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Theo cơ quan điều tra, tính đến ngày 24/2/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã thu được tổng cộng 6.412 tỉ đồng từ hành vi trên và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Ông Trịnh Văn Quyết - nhà sáng lập Tập đoàn FLC

Ông Trịnh Văn Quyết - nhà sáng lập Tập đoàn FLC

'Tỷ phú giả'

Ông Trịnh Văn Quyết từng được 'ghi danh' là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản ước tính lên tới cả tỉ đô nhờ sự thăng hoa của các cổ phiếu ROS và FLC. Tuy vậy, ngay cả khi ở trong giai đoạn 'đỉnh cao', ông Quyết vẫn không được ghi nhận trong danh sách tỉ phú đô la của các tổ chức quốc tế.

Sinh ra trong một gia đình công chức nghèo ở tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trịnh Văn Quyết khởi sự ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với công việc gia sư và buôn bán điện thoại.

Đến năm 2001, ông Quyết thành lập CTCP Tư vấn quản lý và giám sát đầu tư (SmiC) chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, bất động sản, thương mại và dịch vụ… Năm 2006, văn phòng này được chuyển đổi thành Công ty Luật TNHH SMiC.

Những năm sau đó, vị doanh nhân tuổi Mão Trịnh Văn Quyết thành lập loạt pháp nhân khác, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ bất động sản đến chứng khoán.

Đến năm 2010, ông Quyết cho sáp nhập các công ty thành viên để thành lập CTCP Tập đoàn FLC. Cổ phiếu của công ty này chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2011 với mã FLC.

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa

Dù khởi đầu với dự án nhà ở thương mại song FLC lại ghi dấu với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng trải dài từ Bắc vào Nam như FLC Sầm Sơn, FLC Hạ Long, FLC Quy Nhơn.

Tháng 3/2016, FLC khởi công dự án quần thể sân golf, khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Hạ Long Beach & Golf Resort; đồng thời đưa vào khai thác giai đoạn 1, khởi công giai đoạn 2 dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Vĩnh Thịnh tại quê nhà Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Đến tháng 4/2016, FLC tiếp tục khởi công dự án quần thể sân golf, khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort.

Nhìn lại lịch sử FLC, tập đoàn này có giai đoạn phát triển khá thần tốc gắn liền với tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết. Mặc dù có nhiều tai tiếng, song cũng thể phủ nhận những đóng góp của FLC và ông Quyết mang lại cho những địa phương mà họ đặt chân tới.

Bamboo Airways

'Năm hạn' của đại gia tuổi Mão Trịnh Văn Quyết ảnh 3

Với tiềm lực được tích lũy từ bất động sản, từ năm 2014, ông Trịnh Văn Quyết đã ấp ủ giấc mơ thành lập hãng hàng không của riêng mình với kỳ vọng trở thành hãng hàng không dịch vụ 5 sao.

Đến tháng 7/2018, Bamboo Airways được thành lập với vốn điều lệ 700 tỉ đồng. Đầu năm 2019, hãng hàng không này chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên, đánh dấu sự gia nhập lĩnh vực hàng không của FLC.

Sau 3 năm hoạt động, không quá khi nói rằng Bamboo Airways là một hiện tượng của ngành hàng không Việt. Hãng bay non trẻ này liên tục giữ vững ngôi vị đúng giờ nhất toàn ngành, với tỷ lệ bay đúng giờ lên tới 96%.

Theo giấy phép kinh doanh vận chuyển do Bộ Giao thông Vận tải cấp ngày 3/2/2021, Bamboo Airways có vốn điều lệ 7.000 tỉ đồng. Trong đó, FLC góp 3.586,8 tỉ đồng (sở hữu 51,24% VĐL), ông Trịnh Văn Quyết góp 2.802,4 tỉ đồng (sở hữu 40,03% VĐL) và còn lại là các cổ đông khác.

Trong khi đó, đăng ký kinh doanh cập nhật tới tháng 9/2021 của Bamboo Airways cho thấy, hãng hàng không này đã tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỉ đồng.

Ít tháng sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, ông Đặng Tất Thắng – người gắn bó với Bamboo Airways từ thuở phôi thai – tiết lộ rằng hãng bay của FLC đã được chuyển giao cho nhà đầu tư mới.

Đến tháng 8/2022, HĐQT Bamboo Airways được kiện toàn bằng loạt nhân sự mới, bao gồm: ông Nguyễn Ngọc Trọng – Chủ tịch HĐQT, ông Doãn Hữu Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Lê Thái Sâm và ông Nguyễn Mạnh Quân.

Bên cạnh đó, "đại gia" Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – được bổ nhiệm làm Cố vấn cao cấp HĐQT của hãng hàng không này./.