Nam Cực đang trở thành nơi có nhiệt độ tăng nhanh nhất thế giới

VietTimes – Nhiệt độ ở khu vực này đang ấm lên gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu trong vòng 30 năm qua.
Một căn cứ của Mỹ ở khu vực Nam Cực. Ảnh: News Info Park
Một căn cứ của Mỹ ở khu vực Nam Cực. Ảnh: News Info Park

Cực Nam của Trái Đất, khu vực bị cô lập nhất hành tinh đang trở thành một trong những nơi ấm lên nhanh nhất với nhiệt độ không khí trên bề mặt tăng nhanh gấp 3 lần kể từ những năm 1990, các nhà khoa học cho biết vào hôm 29/6.

Mặc dù việc ấm lên có thể là kết quả của sự thay đổi khí hậu tự nhiên nhưng nghiên cứu cho thấy phần lớn sự ấm lên ở Nam Cực là do tác động của con người.

Họ phát hiện ra rằng từ năm 1989 đến 2018, Nam Cực đã ấm lên khoảng 1,8 độ C trong 30 năm qua với tốc độ 0,6 độ C mỗi thập kỷ, gấp ba lần mức trung bình toàn cầu là 0,2 độ C.

Mặc dù khu rìa Nam Cực đang xay ra hiện tượng băng biển tan, khiến mực nước biển tăng nhưng về tổng thể, khụ vực này không có nguy cơ tan chảy vì nhiệt độ quanh năm ở đây vẫn ở mức âm 50 độ C. Tuy nhiên, phát hiện mới cho thấy không có một nơi nào trên Trái Đất nằm ngoài tác động của sự nóng lên toàn cầu.

Các dữ liệu thời tiết và mô hình khí hậu chỉ ra rằng nhiệt độ tăng là kết quả của những thay đổi trong sự lưu thông khí quyển có nguồn gốc cách đó hàng nghìn dặm ở khu vực phía tây nhiệt đới Thái Bình Dương.

“Nam Cực đang nóng lên với tốc độ đáng kinh ngạc, chủ yếu do ảnh hưởng từ vùng nhiệt đới” - Kyle Clem, nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa học khí hậu tại Đại học Wellington, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Dữ liệu nhiệt độ ở Nam Cực đã bắt đầu được lưu giữ từ năm 1957, khi căn cứ đầu tiên của Mỹ được xây dựng ở đó. Trong nhiều thập kỷ, nhiệt độ ở đây luôn ở mức ổn định hoặc giảm đi. Những cơn gió tây bao quanh lục địa đóng vai trò như một rào cản, ngăn không khí ấm hơn xâm nhập vào bên trong.

Nhưng điều này đã thay đổi từ cuối thế kỷ 20, tiến sĩ Clem cho biết. Một hiện tượng khí hậu được gọi là Dao động Thái Bình Dương liên thập kỷ (IPO), chi phối nhiệt độ đại dương ở Thái Bình Dương, đã chuyển từ giai đoạn tích cực sang giai đoạn tiêu cực vào đầu thế kỷ XXI. Điều đó làm ấm vùng nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương và gây ra những cơn bão dữ dội hơn.

Trong khi đó, sự biến đổi khí hậu do nồng độ CO2 và các khí thải nhà kính khác cũng đóng góp một tác động không nhỏ tới sự ấm lên ở Nam Cực. Hoạt động của con người là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng lượng khí thải nhà kính.

Nam Cực vẫn được coi là khu vực bị cô lập và sẽ không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới này thì mọi thứ đã thay đổi. Mặc dù các tác động đó tại Nam Cực có thể không đáng kể nhưng việc mất băng ở dọc bờ biển thực sự rất báo động.

“Sự nóng lên toàn cầu đang tiến đến những nơi xa xôi nhất hành tinh” – ông Clem nói.

Theo News Info Park