Năm 2030, 45% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị nhiễm mặn

VietTimes – Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT), 45% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn Mekong tích nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị - (Nguồn Vietnamplus)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị - (Nguồn Vietnamplus)

Đó là thông tin từ Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức ngày 26/7.

Cần thay đổi tư duy để thích ứng với BĐKH

Theo thông tin từ Bộ TNMT, cuối năm 2015 và đầu năm 2016, ĐBSCL đã chịu đợt khô hạn và xâm nhập mặn lớn nhất từ trước tới nay, khiến cho tốc độ tăng trưởng, năng suất, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều giảm, ước thiệt hại trong 6 tháng đầu năm là gần 4.700 tỷ đồng.

Theo dự báo của Bộ KHĐT, đến năm 2030, 45% diện tích toàn vùng có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển. Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên và sinh kế của người dân trong vùng là một trong những thách thức rất lớn đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và trực tiếp là hơn 20 triệu dân đang sinh sống tại đây. 

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhìn nhận: “Trước tác động của BĐKH, hiện ĐBSCL không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời nay”. Vì vậy, “Chúng ta không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững, biến thách thức do BĐKH để ĐBSCL phát triển lâu dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

BĐKH là thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển

Tại hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã tập trung thảo luận về kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tác động đến tài nguyên nước của vùng; các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước cho từng tiểu vùng của ĐBSCL; giải pháp quản lý, giám sát hạn, lũ lụt và xâm nhập mặn; xây dựng các mô hình kinh tế- sinh kế thích ứng với xâm nhập mặn…

Hạn hán - một dạng của ảnh hưởng BĐKH - (Nguồn Internet)

Các nhà khoa học nhận định, không thể coi nước mặn là 'kẻ thù', mà là một dạng tài nguyên Trên Thế giới, một số nước đã tận dụng tối đa lợi thế của nguồn tài nguyên này, như Hà Lan đã trồng khoai tây trên vùng đất mặn, Israel cung cấp nước ngọt từ nước biển, đến năm 2020, tại quốc gia này, nước ngọt được chế biến từ nước biển sẽ chiếm tới 25% tổng lượng nước ngọt...

Với việc Việt Nam có ĐBSCL tiếp giáp với biển sẽ là khó khăn đồng thời là thách thức để biến nó thành thời cơ, lợi thế để phát triển.

Muốn vậy, Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức, phải xem nước sông Mekong là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực; thứ hai, sự khan hiếm nước ngọt, nước ngọt không còn là của “trời cho” và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai; thứ ba, tại vùng phải chung sống với nước mặn, nên xem nước mặn là một dạng tài nguyên cần được khai thác; thứ tư, vùng ĐBSCL ứng phó với BĐKH và phát triển phải đặt trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định, và thứ năm là phải khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước.