Mỹ xem xét khả năng cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine

VietTimes – Trong những tháng gần đây, các quan chức và nhà lập pháp Ukraine nhiều lần kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các thành viên Quốc hội cung cấp cho quân đội Ukraine loại bom, đạn chùm.
Bom, đạn chùm của rocket pháo phản lực MSLR. Ảnh Military Ukraine.

Yêu cầu của Ukraine về bom, đạn chùm, được nhiều quan chức Mỹ và Ukraine mô tả với CNN, là một trong những yêu cầu gây tranh cãi nhất mà Ukraine đưa ra với Mỹ kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2/2022.

Theo CNN, các quan chức cấp cao của chính quyền tổng thống Joe Biden đã nghiên cứu xem xét yêu cầu này trong nhiều tháng và không từ chối thẳng thừng nhằm đưa ra quyết định trong một tình huống đặc biệt.

Quân nhân Ukraine Igor cầm một quả đạn chùm thứ cấp đã vô hiệu hóa từ một tên lửa MSLR ở khu vực Kharkiv, Ukraine. Ảnh CNN.

Bom, đạn chùm được thiết kế phóng, rải không chính xác và phân tán “bom, đạn thứ cấp” trên các khu vực rộng lớn, có thể không phát nổ khi chạm đất và gây nguy hiểm trên một diện tích rộng lớn, tương tự như bom mìn. Mark Hiznay, một chuyên gia vũ khí và phó giám đốc vũ khí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trước đây đã nói với CNN rằng, bom, đạn chùm tạo ra "loạt vụ nổ phân mảnh đẫm máu, khó bảo vệ" cho bất kỳ mục tiêu nào bị tấn công vì hàng chục quả bom, đạn con phát nổ đồng thời trên một khu vực rộng lớn .

Tại Mỹ, lựa chọn này chỉ được coi là một yêu cầu cực kỳ cần thiết, trong trường hợp nguồn dự trữ đạn dược của Ukraine cạn kiệt một cách nguy hiểm.

CNN lưu ý rằng, đối với Ukraine, bom, đạn chùm có thể giải quyết 2 vấn đề chính: nhu cầu tăng cường thêm đạn dược cho các hệ thống pháo binh và tên lửa mà Mỹ và các nước khác đã cung cấp và là một phương pháp ngăn chặn ưu thế về pháo binh của quân đội Nga.

Chính quyền ông Joe Biden không loại trừ lựa chọn này như phương sách cuối cùng nếu kho dự trữ bắt đầu xuống thấp một cách nguy hiểm. Nhưng các nguồn tin cho biết đề xuất này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận đáng kể, phần lớn là do những hạn chế theo luật định mà Quốc hội đã đặt ra đối với khả năng chuyển giao bom, đạn chùm của Mỹ.

Những hạn chế đó áp dụng cho các loại đạn dược có tỷ lệ chưa nổ lớn hơn 1%, do làm tăng khả năng gây rủi ro cho dân thường. Tổng thống Joe Biden có thể thay đổi hạn chế đó, nhưng chính quyền Mỹ đã chỉ rõ cho phía Ukraine rằng, điều đó khó xảy ra trong thời gian tới.

Pháo phản lực tên lửa HIMARS M142 Mỹ, có thể phóng tên lửa mang đạn chùm. Ảnh Military Ukraine.

Bài viết của CNN cho biết, Ukraine muốn nhận bom, đạn chùm tương thích với cả pháo phản lực - tên lửa HIMARS và pháo 155 mm do Mỹ và NATO cung cấp. Những loại vũ khí này được cho là sẽ giúp các lực lượng quân đội Ukraine tấn công hiệu quả hơn vào mục tiêu trên diện rộng, phân tán như vị trí tập trung binh lực và trang thiết bị của Nga trên chiến trường.

Rocket pháo phản lực MSLR mang theo đạn chùm thứ cấp. Ảnh Military Ukraine.

Bom, đạn chùm bao gồm các thùng chứa đầu đạn thứ cấp, lắp đặt trong bom, đạn pháo, tên lửa và đầu đạn tên lửa chiến thuật. Theo thiết kế, các thùng này mở ra trong không trung và rải hàng chục, thậm chí hàng trăm quả bom, đạn thứ cấp nhỏ lên mục tiêu, những quả đạn thứ cấp này có thể nổ tức thì khi va chạm trên mặt đất hoặc nổ chậm theo phương pháp đặt ngòi nổ hay sau đó trở thành mìn sát thương, chạm nổ.

Bom chùm bị cấm theo một công ước quốc tế có hiệu lực vào năm 2010, nhưng cả Ukraine, Mỹ và Nga đều không tham gia. Mỹ đã bắt đầu loại khỏi trang bị sẵn sàng chiến đấu bom, đạn vào năm 2016 vì vũ khí “chứa hàng trăm đầu đạn nhỏ, thường không phát nổ tức khắc mà rải trên khắp chiến trường, gây nguy hiểm cho dân thường”, theo một tuyên bố năm 2017 từ Bộ Tư lệnh Trung tâm Quân đội Mỹ.

Mỹ đã thay thế các loại vũ khí mang bom, đạn chùm thông thường cải tiến mục đích kép, được gọi là DPICM bằng đầu đạn sát thương diện rộng thay thế M30A1. M30A1, chứa 180,000 mảnh thép vonfram nhỏ phân tán khi nổ và không để lại đầu đạn chưa nổ trên mặt đất. Nhưng các quan chức Ukraine tuyên bố, đạn mục đích kép DPICM mà Mỹ hiện có trong kho có thể mang lại hiệu quả chiến đấu cao cho quân đội Ukraine trên chiến trường – hơn cả M30A1.

“DPICM hiệu quả hơn khi tấn công vào các vị trí tập trung lực lượng Nga,” quan chức Ukraine nói với CNN, lưu ý rằng Ukraine đã yêu cầu vũ khí “trong nhiều tháng”.

Theo Military Ukraine