Theo Washington Post, Mỹ đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt kho dự trữ nhiều loại vũ khí chủ lực, để bù đắp những thiếu hụt này, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ phải mất nhiều tháng, thậm chí hàng năm mới sản xuất được.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủy quyền chuyển giao số vũ khí trị giá hơn 20 tỷ USD cho Ukraine, trong đó số vũ khí trị giá 14 tỷ USD được rút ra từ kho dự trữ chiến lược của Lầu Năm Góc. Số tiền 6 tỷ còn lại được sử dụng để ký kết các hợp đồng sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự mới nhằm bù đắp cho số vũ khí trang bị, được rút ra từ kho dự trữ chiến lược của Quân đội Mỹ.
Xuất hiện tình trạng thiếu đạn trầm trọng cho các đơn vị pháo binh do một số lượng lớn đạn pháo 155 mm đã chuyển giao cho Ukraine. Các dây chuyền sản xuất của Stinger đã ngừng hoạt động từ lâu do các hệ thống MANPAD, cung cấp cho Ukraine bị coi là lỗi thời. Tại Mỹ, các doanh nghiệp quốc phòng và nhà thầu phụ đang cố gắng khởi động lại dây chuyền sản xuất MANPADS, nhưng tình hình hậu Covid khiến trong ngành có nhiều khó khăn và chậm trễ, dù đã được cung cấp nguồn tài chính rất lớn.
Tiến trình cung cấp các hệ thống phòng không như đã cam kết cho Ukraine sẽ mất nhiều thời gian. Trong số 8 tổ hợp tên lửa phòng không NASAMS được lên kế hoạch giao hàng, chỉ có 2 tổ hợp được chuyển giao đến Ukraine, việc chuyển giao 6 tổ hợp còn lại chưa thể thực hiện do đang trong quá trình chế tạo. Những vũ khí này dự kiến sẽ đến Ukraine trong vòng 2 năm.
Đáp ứng yêu cầu của Ukraine, Mỹ đang cố gắng khuyến khích các nước châu Âu tích cực chia sẻ nguồn dự trữ hiện có trong kho và tăng năng lực sản xuất vũ khí trang thiết bị trong tương lai. Nhưng ngay cả ở châu Âu, tình hình rút dự trữ vũ khí và đạn dược để cung cấp cho Ukraine ngày càng trở nên gay gắt hơn khi được thảo luận trong Bộ Quốc phòng các quốc gia.
Mặc dù đối mặt với nhiều vấn đề, Mỹ, các quốc gia NATO và đồng minh vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong mọi tình huống, ngay cả khi các quốc gia NATO tự làm cạn kiệt kho vũ khí của mình.
Theo TopWar