Theo AP ngày 20/9, một quan chức chính phủ Mỹ cho biết, cơ quan bị trừng phạt là Bộ Phát triển thiết bị Quân ủy (Tổng bộ Trang bị Giải phóng quân trước đây), có tên tiếng Anh là Equipment Development Department - EED và người đứng đầu cơ quan này là Trung tướng quân đội Trung Quốc (PLA) Lý Thượng Phúc (Li Shangfu).
EED là một cơ quan của PLA, được tái cơ cấu đầu năm 2016 sau khi ông Tập Cận Bình quyết định cải cách cơ cấu quân đội, xóa bỏ các Tổng bộ (Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Trang bị) trực thuộc Bộ Quốc phòng, chuyển thành các Bộ công tác trực thuộc Quân ủy. EED chủ quản về khoa học công nghệ quốc phòng, phụ trách mua sắm, quản lý các loại vũ khí, trang bị dùng cho PLA.
Chính phủ Mỹ cho biết, họ sẽ lập tức áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với EED và tướng Lý Thượng Phúc do “đã tiến hành những vụ giao dịch rất lớn” với Tổng công ty xuất nhập khẩu trang thiết bị quân sự Nga (Rosoboronexport).
Máy bay chiến đấu đa năng SU-35 Trung Quốc mua của Nga
|
Ngoài ra, chính phủ của Tổng thống Donald Trump cũng quyết định đưa vào “Danh sách đen” 33 nhân viên và thực thể quân sự và tình báo Nga để tiến hành trừng phạt họ theo “Luật trừng phạt chống đối thủ nước Mỹ” (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act,CAATSA) được ban hành năm 2017. Tính đến nay đã có tổng cộng 72 người Nga bị Mỹ trừng phạt vì vi phạm Luật CAATSA.
Tuyên bố của chính phủ Mỹ nêu rõ, EED của Quân ủy Trung Quốc tháng 12/2017 đã mua 10 máy bay chiến đấu đa năng Su-35 của Nga, năm nay lại tiếp tục mua các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400. Hai vụ giao dịch này đều diễn ra sau khi Mỹ ban hành Luật CAATSA ngày 2/8/2017.
Quan chức chính phủ Mỹ giải thích, sở dĩ EED bị trừng phạt do Luật CAATSA quy định trừng phạt việc Nga can thiệp Ukraine, sáp nhập Crimea, tấn công mạng và can thiệp ác ý vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016... và cũng quy định trừng phạt bên thứ 3 tiến hành “giao dịch lớn với Nga”, hành động của EED thuộc loại “giao dịch rất lớn”. Người này nói, sự trừng phạt này “chủ yếu nhằm vào Nga chứ không phải Trung Quốc”. Được biết đây là lần đầu tiên Mỹ áp dụng luật CAATSA để trừng phạt một đối tác nước ngoài mua trang thiết bị quân sự của Nga.
Sự trừng phạt được đưa ra đối với cơ quan EED bao gồm: Từ chối cấp bất cứ giấy phép xuất khẩu nào cho EED, cấm họ tiến hành mọi giao dịch ngoại hối trong phạm vi quản hạt của nước Mỹ hoặc sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ và sẽ phong tỏa mọi tài sản và lợi ích của họ trong phạm vi kiểm soát của nước Mỹ.
Sự trừng phạt đối với tướng Lý Thượng Phúc, Chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy bao gồm: cấm ông này sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ và tiến hành giao dịch ngoại hối, niêm phong tỏa mọi tài sản và lợi ích của ông trong phạm vi khống chế của Mỹ, cấm ông Lý sử dụng visa của Mỹ. Tuyên bố của chính phủ Mỹ nêu rõ: “Hành động hôm nay cho thấy chính phủ Mỹ kiên định nỗ lực thực hiện Điều 231 của Luật CAATSA; điều khoản này đã thành công trong việc ngăn chặn Nga xuất khẩu nhiều tỷ USD vũ khí”.
Tuyên bố còn nói, quyết định trừng phạt này được đưa ra sau cuộc trao đổi bàn bạc giữa Ngoại trưởng Pompeo với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mnuchin và thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump.
Tướng Lý Thượng Phúc, Chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy Trung Quốc, người bị Mỹ trừng phạt
|
Tướng Lý Thượng Phúc sinh năm 1958 hiện là Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19. Ông từng 31 năm công tác tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương (10 năm làm Giám đốc ) rồi được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Lực lượng Chi viện chiến lược, Phó rồi Chủ nhiệm Tổng bộ Trang bị; từ tháng 9/2017 là Chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy. Ông được phong hàm Thiếu tướng năm 2006 và thăng Trung tướng năm 2016.