Nguồn tin ẩn danh này cho biết, IFC đang làm việc với một nhà tư vấn về triển vọng bán 8% cổ phần của VietinBank – tổ chức tín dụng lớn thứ 3 Việt Nam về vốn hóa.
Tuy nhiên, "đại diện IFC và Tổng Giám đốc Lê Đức Thọ từ chối bình luận về thông tin này" - hãng tin viết .
Theo Bloomberg, quy mô vốn hóa của Vietinbank đã đăng 11% trong năm nay, và đạt mức 99,8 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD) vào phiên Thứ Tư (19/9).
Kế hoạch thoái vốn của IFC sẽ mở ra cơ hội để cho các nhà đầu tư nước ngoài khác có thể tham gia đầu tư vào nhà băng này, khi mà “room ngoại” ở VietinBank đã chạm mức trần 30%.
IFC bắt đầu đầu tư vào VietinBank từ năm 2011, sau khi chi ra 1.854 tỷ đồng để sở hữu hơn 168 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ CTG lúc đó.
Hiện, tổng số cổ phiếu CTG mà IFC nắm giữ đạt xấp xỉ 299 triệu đơn vị, tương đương 8,02% vốn, gồm: 98 triệu cổ phiếu mà IFC đứng tên trực tiếp và gần 200,9 triệu cổ phiếu đứng tên quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC L.P.
Tính toán của Bloomberg cho thấy, từ năm 2010, khối ngoại đã đầu tư ít nhất 2,2 tỷ USD vào các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất được thực hiện vào năm 2013, khi Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. chi ra 742 triệu USD để sở hữu 19,7% cổ phần VietinBank, và trở thành cổ đông lớn thứ 2 nhà băng này, sau Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tỷ lệ sở hữu 64,5%).
Gần đây, tháng 3/2018, một định chế quốc tế lớn là quỹ Warburg Pincus đã chấp thuận đầu tư hơn 370 triệu USD vào một ngân hàng thương mại khác của Việt Nam, là Techcombank. Đến tháng 4, ngân hàng này tiếp tục huy động được 922 triệu USD từ IPO.
Được biết, các thương vụ tăng vốn tới đây của Vietcombank hay BIDV cũng đều có những nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đăng ký mua, như Quỹ đầu tư quốc gia Singapore - GIC hay Ngân hàng Hàn Quốc Keb Hana./.