Mỹ thử thành công tên lửa chống bức xạ tầm xa nhằm đột phá hệ thống phòng không Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ vừa thử nghiệm thành công loại tên lửa tăng tầm chống bức xạ, được cho là thứ vũ khí sắc bén để chọc thủng lưới lửa của đối phương, nhắm vào hệ thống A2AD (chống tiếp cận/từ chối khu vực) của Trung Quốc.
Máy bay F/A18 “Super Hornet” phóng thử nghiệm thành công tên lửa chống bức xạ tầm xa AARGM-ER (Ảnh: US Navy).
Máy bay F/A18 “Super Hornet” phóng thử nghiệm thành công tên lửa chống bức xạ tầm xa AARGM-ER (Ảnh: US Navy).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 4/8, Công ty chế tạo vũ khí Northrop Grumman Mỹ hôm thứ Hai (2/8) đã xác nhận, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công lần đầu tiên loại tên lửa chống bức xạ AGM-88G kiểu tăng tầm (Advanced Anti-Radiation Guided Missile – Extended Range, AARGM-ER), cho thấy loại tên lửa mới này có khả năng tấn công tầm xa. Northrop Grumman chỉ ra rằng tên lửa chống bức xạ là chìa khóa để phát hiện và tiêu diệt các mối đe dọa đất đối không và đáp ứng khả năng của máy bay chiến đấu quân đội Mỹ và đồng minh trong việc đột phá các khu vực phong tỏa của đối phương.

Tin cho biết, máy bay chiến đấu F/A18 "Super Hornet" vào ngày 19/7 đã phóng thành công AARGM-ER và hoàn thành các mục tiêu thử nghiệm quan trọng tại trường bắn Cape Mugu ở Nam California. Đại úy Alex Dutko, người phụ trách Chương trình tấn công trực tiếp và nhạy cảm của Hải quân Mỹ, nói rằng cuộc thử nghiệm là một bước quan trọng để tiến tới việc có thể cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến cho các phi đội để tiêu diệt mối đe dọa đất đối không đang không ngừng phát triển của kẻ thù. Dutko tiết lộ rằng chính phủ và đội ngũ của nhà sản xuất rất tập trung và đã hoàn thành việc phóng thử nghiệm sớm hơn 3 tháng so với dự kiến ​​ban đầu.

Đạn tên lửa chống bức xạ tầm xa AARGM-ER (Ảnh: US Navy).

Đạn tên lửa chống bức xạ tầm xa AARGM-ER (Ảnh: US Navy).

Northrop Grumman vào tháng 3 năm ngoái đã giành được hợp đồng trị giá 165 triệu USD để sản xuất tên lửa AARGM-ER. Mẫu tên lửa AARGM-ER ​​được sản xuất với số lượng nhỏ vào mùa hè năm nay. Các loại máy bay chiến đấu F/A18 "Super Hornet" của Hải quân Mỹ, máy bay tác chiến điện tử EA-18G "Growler", cũng như máy bay chiến đấu tàng hình F-35C của Lực lượng Thủy quân lục chiến và máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của Không quân đã bắt đầu được lắp AARGM-ER. Tên lửa chống bức xạ được thiết kế đặc biệt để đối phó với các nguồn phát tín hiệu vô tuyến, bao gồm cả radar.

Theo trang The Drive của Mỹ ngày 2/8, tầm bắn và tốc độ của AARGM-ER lớn gấp đôi loại AARGM hiện đang trang bị.cho Không quân Mỹ và có thể được đặt trong khoang chứa vũ khí bên trong của các máy bay chiến đấu F-35A của Không quân và F-35C của Hải quân.

The Drive cho biết, loại tên lửa không đối đất chống bức xạ tầm xa này sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống "chống tiếp cận/từ chối khu vực" (Anti-Access/Area Denial, viết tắt: A2AD) do Trung Quốc xây dựng.

Bộ Tư lệnh Phòng không Hải quân Mỹ (NAVAIR) ra thông báo cho biết họ đã tiến hành vụ phóng thử nghiệm đạn thật đầu tiên tên lửa AARGM-ER tại bãi thử vũ khí Point Mugu Sea Range ở bang California, đồng thời hoàn tất thành công việc xác minh tích hợp hệ thống toàn diện và kiểm tra hiệu suất động cơ tên lửa. và xác minh "tất cả các mục tiêu" chẳng hạn như kết quả kiểm tra mô phỏng.

Ông Keli Olea, đồng trưởng nhóm AARGM-ER trong dự án "Direct and Time Sensitive Strike Weapon” (Vũ khí tấn công nhạy cảm theo thời gian và trực tiếp) cho biết, vụ thử nghiệm thành công này là một "cột mốc quan trọng" đối với tên lửa AARGM-ER, cho thấy vũ khí đã có thể thuận lợi bước vào giai đoạn sản xuất số lượng thấp (LRIP) thời kì đầu vào mùa hè này và bắt đầu được chuyển giao cho các đơn vị chiến đấu tuyến một. Northrop Grumman nhấn mạnh trong tuyên bố rằng kế hoạch đang tiến hành khá suôn sẻ, vì vậy việc bắn thử đã được tiến hành trước 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Tên lửa AARGM-ER được phóng từ tiêm kích F/A-18E/F "Super Hornet" (Ảnh: US Navy).

Tên lửa AARGM-ER được phóng từ tiêm kích F/A-18E/F "Super Hornet" (Ảnh: US Navy).

Trong cuộc thử nghiệm này, AARGM-ER đã được thử nghiệm bởi tiêm kích F/A-18E/F "Super Hornet". Tuy nhiên, loại vũ khí này có thể được mang trong các khoang chứa vũ khí bên trong F-35A và F-35C trở thành chủ lực làm nhiệm vụ chế áp/tiêu diệt phòng không (DEAD/SEAD) của Hải quân và Không quân Mỹ, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với lưới lửa của hệ thống A2AD do Trung Quốc xây dựng. Tuy nhiên, do vấn đề về kích thước, loại máy bay F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ không thể mang AARGM-ER trong khoang chứa bom bên trong thân.

AARGM-ER dự kiến ​​có tầm bắn lên tới 300 km và tốc độ Mach 4. Ngoài khả năng tấn công hệ thống phòng không, nó còn có khả năng tấn công các mục tiêu nhạy cảm với thời gian như xe phóng tên lửa hành trình và xe phóng tên lửa đạn đạo. Nó cũng đã được Không quân Mỹ lựa chọn làm vũ khí tấn công tầm xa (SiAW).