Mỹ thất bại trong sứ mệnh cứu trợ tại Gaza: Thương vong, thiệt hại lớn, hiệu quả thấp

Báo cáo điều tra tiết lộ chiến dịch cầu cảng nổi của Mỹ tại Gaza gây 62 thương vong, thiệt hại thiết bị 31 triệu USD, chỉ hoạt động hiệu quả trong 20 ngày.
Cảnh tượng cầu tàu nổi bị hư hại, được Mỹ dựng lên để chuyển viện trợ nhân đạo cho người Palestine vào ngày 27/5/2024. Ảnh: Getty.

Một cuộc điều tra mới công bố cho thấy chiến dịch cứu trợ nhân đạo bằng cầu cảng nổi của quân đội Mỹ tại Dải Gaza trong năm 2024 đã gây ra nhiều thương vong, tổn thất thiết bị và thất bại hoạt động nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì Lầu Năm Góc từng thừa nhận.

Chiến dịch có tên chính thức là Chiến dịch Neptune Solace, được triển khai dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi Washington không thể thuyết phục Israel mở rộng các tuyến đường bộ để tiếp nhận hàng cứu trợ. Thay vào đó, quân đội Mỹ đã dựng một cầu cảng tạm ngoài khơi và hệ thống đường nổi nối liền tàu cứu trợ với bờ biển Gaza – nhằm tránh đi vào cảng của Israel hoặc Gaza.

Trong khi Lầu Năm Góc trước đó chỉ công nhận "một số thách thức" do thời tiết xấu gây ra hư hại cho cầu cảng, thì báo cáo từ Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD IG), công bố tuần trước, đã hé lộ mức độ tổn thất lớn hơn nhiều.

Theo báo cáo, chiến dịch đã khiến 62 binh sĩ bị thương, trong đó có hạ sĩ lục quân Quandarius Stanley tử vong sau khi bị thương nghiêm trọng trên một tàu hải quân vào tháng 5/2024 và qua đời 5 tháng sau đó.

Báo cáo chỉ ra rằng Lục quân và Hải quân Mỹ không đạt chuẩn về huấn luyện và chuẩn bị thiết bị, không đảm bảo các tiêu chuẩn tác chiến chung. Bộ Tư lệnh Vận tải (TRANSCOM) cũng bị phê phán vì thiếu năng lực lập kế hoạch hậu cần và diễn tập phù hợp.

Chiến dịch tiêu tốn khoảng 230 triệu USD, trong đó thiệt hại thiết bị lên tới 31 triệu USD, với hơn hai chục phương tiện thủy và thiết bị bị hư hại. Mặc dù kéo dài 3 tháng, cầu cảng chỉ hoạt động thực sự khoảng 20 ngày, theo báo cáo.

Trong thời gian ngắn ngủi hoạt động, quân đội Mỹ cho biết đã chuyển được khoảng 20 triệu pound (hơn 9.000 tấn) thực phẩm và vật tư nhân đạo qua cầu cảng. Tuy nhiên, các tổ chức cứu trợ cho rằng con số này chỉ đủ đáp ứng nhu cầu một ngày của Gaza, trong khi nạn đói và thiếu thốn vật tư y tế tại khu vực vẫn ở mức nghiêm trọng.

Tình hình nhân đạo tại Gaza trở nên tồi tệ sau khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự đáp trả vụ tấn công của Hamas năm 2023. Các tổ chức quốc tế cáo buộc Israel ném bom bừa bãi, phá hủy hạ tầng dân sự và cản trở viện trợ, dẫn đến hơn 50.000 người Palestine thiệt mạng cùng các tình trạng thiếu lương thực, thuốc men trầm trọng.

Nhiều tổ chức nhân đạo chỉ trích mạnh mẽ Mỹ và Israel vì không mở được các tuyến viện trợ qua đường bộ, cho rằng những phương án thay thế – như cầu cảng nổi – chỉ mang tính hình thức chính trị, không giúp cải thiện thực trạng nhân đạo đang ngày càng nghiêm trọng tại Gaza.