Mỹ sẽ 'nói chuyện nghiêm túc' với Trung Quốc vụ đưa tên lửa ra Hoàng Sa

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ sẽ có các cuộc đối thoại hết sức nghiêm túc với phía Trung Quốc sau thông tin Bắc Kinh triển khai tên lửa đất đối không ra quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, theo Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng có rất nhiều bằng chứng xuất hiện mỗi ngày cho thấy hành động gia tăng quân sự hoá theo cách này hay cách khác ở Biển Đông - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng có rất nhiều bằng chứng xuất hiện mỗi ngày cho thấy hành động gia tăng quân sự hoá theo cách này hay cách khác ở Biển Đông - Ảnh: Reuters

Phát biểu trước báo giới ngày 17.2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với diễn biến mới nhất tại Biển Đông, đặc biệt sau khi có tin Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tới Phú Lâm - hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Reuters ngày 18.2 dẫn lời ông John Kerry khẳng định: “Có rất nhiều bằng chứng xuất hiện mỗi ngày cho thấy hành động gia tăng quân sự hoá, theo cách này hay cách khác. Điều đó thật sự rất đáng quan ngại”.

Mỹ sẽ 'nói chuyện nghiêm túc' với Trung Quốc vụ đưa tên lửa ra Hoàng Sa - ảnh 1

Hình ảnh chụp từ vệ tinh tại đảo Phú Lâm trước và sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không - Ảnh: Fox News/Đồ họa: Phúc Hải

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Mỹ đã nhiều lần đối thoại với Trung Quốc về vấn đề quân sự hóa trên Biển Đông, và sau thông tin mới đây, Mỹ chắc chắc sẽ tiếp tục đối thoại hết sức nghiêm túc với phía Trung Quốc về vấn đề này.

Ông John Kerry nói rằng Mỹ sẽ đưa vấn đề này ra bàn với Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo hướng hòa bình, "không phải thông qua hành động đơn phương, dùng vũ lực hay quân sự hóa mà thông qua con đường ngoại giao và sự hợp tác giữa các bên theo các cách giải quyết khác nhau".

Trước đó cùng ngày, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris cho rằng việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không ra Hoàng Sa “rõ ràng là dấu hiệu quân sự hóa” Biển Đông, theo Reuters. Cùng với Mỹ, phía Nhật Bản cũng khẳng định đang tìm hiểu thông tin và thể hiện sự quan ngại sâu sắc về động thái mới nhất này.

Ngày 18-2, các quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố quân đội nước này tiếp tục tuần tra biển Đông bất chấp Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo VOA, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Chúng tôi sẽ duy trì trật tự và bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Điều đó sẽ không thay đổi”. Một quan chức khác nhấn mạnh: “Chúng tôi có đủ năng lực để đối phó với tên lửa đất đối không của Trung Quốc”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng tái khẳng định quan điểm rằng nước này sẽ tiếp tục tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị từng cam kết nước này không quân sự hóa biển Đông. Tuy nhiên ông Vương Nghị và các quan chức quốc phòng Trung Quốc lấp liếm rằng nước này có quyền triển khai vũ khí “tự vệ”.

Một quan chức Lầu Năm Góc bác bỏ luận điệu dối trá này. “Hệ thống tên lửa phòng không có phải là công cụ để bảo vệ an ninh hàng hải hay không? Rõ ràng là không. Đó là hành vi quân sự hóa không thể chối cãi” - quan chức này mô tả.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chính thức kêu gọi ngừng quân sự hóa biển Đông và cho rằng động thái của Trung Quốc đang làm leo thang căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi kêu gọi các bên đòi chủ quyền ngừng bồi lấn, xây đảo nhân tạo, xây các cơ sở mới và và quân sự hóa” - người phát ngôn Lầu Năm Góc Bil Urban tuyên bố.

Cũng liên quan đến tình hình biển Đông, hôm qua Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines nhằm bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên biển Đông.

Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Amy Searight cho biết Mỹ, EU và các đồng minh như Úc, Nhật và Hàn Quốc sẽ cần tuyên bố rõ ràng rằng phán quyết của PCA là mang tính ràng buộc và Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu không tuân thủ.

“Chúng ta cần phải công khai, rõ ràng, cùng chung tiếng nói và ủng hộ Philippines cũng như ASEAN để nói rằng đây là luật pháp quốc tế, là vô cùng quan trọng, là mang tính ràng buộc với tất cả các bên” - bà Searight nhấn mạnh.

Bà Searight khẳng định các nước phải gửi tới Trung Quốc thông điệp rằng nếu nước này không tuân thủ phán quyết của PCA thì sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả. “Uy tín của Trung Quốc sẽ bị tổn hại, nhưng chúng tôi cũng sẽ nghĩ ra nhiều phương án sáng tạo để buộc nước này phải trả giá” - bà Searight nói.

Ông Klaus Botzet, đại diện phái đoàn EU ở Washington cũng cho rằng Trung Quốc sẽ khó có thể phản đối lập trường chung của cộng đồng quốc tế.

“Một lập trường chung của phương Tây và của cả thế giới sẽ là vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Nếu chúng ta đồng loạt khẳng định rằng luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng, đó sẽ là thông điệp mạnh mẽ mà Trung Quốc không thể phớt lờ” - ông Botzet quả quyết.

Ông Botzet thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc: “Bắc Kinh đang đầu tư quá nhiều vào quân sự, đang ép buộc các quốc gia láng giềng lập liên minh đối phó”. Ông nhấn mạnh Mỹ có sức mạnh quân sự vượt trội ở châu Á và EU ủng hộ việc Mỹ bảo vệ luật pháp quốc tế.

Theo Thanh niên/Tuổi trẻ