|
Cụm tác chiến tàu sân bay thường xuyên có mặt tại các điểm nóng trên thế giới |
Khi được hỏi về vụ chiếc máy bay do thám của Hải quân Mỹ đang bay trên Biển Đông bị lực lượng Trung Quốc trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa xua đuổi, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ xác định: "Chúng tôi sẽ không cho phép họ (Trung Quốc) viết lại luật giao thông hay thay đổi luật quốc tế… Chúng tôi vẫn sẽ qua lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép… Phương châm của chúng tôi sẽ là : Nếu chúng tôi hoạt động hợp pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động hợp pháp".
Theo trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc đe dọa phi cơ Mỹ và đồng minh trên Biển Đông, nhưng Bắc Kinh cần phải hiểu rằng thách thức kiểu đó sẽ vô ích, và Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra thường xuyên trong khu vực.
Trả lời câu hỏi liệu Mỹ có sẽ trợ giúp Philippines, theo hiệp định an ninh hỗ tương 1951, nếu Trung Quốc tấn công, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ khẳng định: "Mỹ là đồng minh tốt, sẽ yểm trợ Philippines đáp trả phù hợp", nhưng từ chối không cho biết thêm chi tiết.
Theo ông Schriver, Mỹ đang xem xét khả năng phát triển năng lực của đồng minh trong khu vực, và trợ giúp của Mỹ sẽ tùy thuộc từng nước.
Trang mạng USNI của Học viện Hải quân Mỹ hôm 15/8 cho biết là trong một cuộc họp báo khác tại Malaysia, ông Schriver đã tiết lộ rằng Mỹ đang thảo luận với các nước Đông Nam Á về các chương trình cần hỗ trợ trong khuôn khổ Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải MSI đang được triển khai, cũng như trong khuôn khổ quỹ Viện Trợ Tài Chính Quân Sự (FMF) trị giá 290,5 triệu USD dành cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mà ngoại trưởng Mike Pompeo đã thông báo hôm 04/88 tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) ở Singapore.
Trong khi đó, báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho Quốc Hội được công bố hôm 16/8 cảnh báo, Trung Quốc đã nâng cao năng lực không quân và tập luyện không kích các mục tiêu rất có thể là của Mỹ ở Thái Bình Dương, trong đó có đảo Guam.
Theo báo cáo, trong ba năm qua, quân đội Trung Quốc "đã nhanh chóng mở rộng các vùng hoạt động của oanh tạc cơ (…) và huấn luyện để tấn công vào các mục tiêu rất có thể là của Mỹ hoặc các đồng minh Mỹ". Năm ngoái, lần đầu tiên các máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc đã bay sát đảo Okinawa của Nhật, nơi đồn trú khoảng một nửa trong số 47.000 quân Mỹ tại Nhật Bản.
Theo báo cáo, Bắc Kinh "có thể tiếp tục mở rộng tầm hoạt động xa khỏi chuỗi đảo đầu tiên, chứng tỏ khả năng tấn công các lực lượng Mỹ và đồng minh tại Thái Bình Dương, kể cả đảo Guam".
Đảo Guam là lãnh thổ Mỹ nằm cách duyên hải Trung Quốc hàng ngàn cây số, có khoảng 7.000 lính Mỹ trú đóng. Còn chuỗi đảo đầu tiên quanh Trung Quốc, mà Bắc Kinh coi là vùng hoạt động của mình, gồm Nhật Bản và các đảo bao quanh, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines.
Bản báo cáo ghi nhận Trung Quốc không yêu sách thêm lãnh thổ mới tại Biển Đông trong năm 2017, nhưng tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng trái phép mang mục đích quân sự trên các đảo tranh chấp, nhất là trên quần đảo Hoàng Sa, cũng như nhiều đảo nhỏ và rạn san hô ở Trường Sa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng soạn thảo "nhiều kịch bản" quân sự nhắm vào Đài Loan, từ phong tỏa đường hàng không, hàng hải cho đến một cuộc đổ bộ quy mô để chiếm đóng Đài Loan. Tuy nhiên, một sự can thiệp như vậy mang lại nguy cơ chính trị nghiêm trọng và không thể chấp nhận được vì làm tăng thêm tình cảm dân tộc ở Đài Loan và cộng đồng quốc tế sẽ phản đối.
Quân đội Trung Quốc đang được hiện đại hóa một cách quy mô, nhằm "tiến hành các cuộc chiến tranh và giành thắng lợi"- theo yêu cầu của chủ tịch Tập Cận Bình.
Lầu Năm Góc ước lượng ngân sách của quân đội Trung Quốc trong năm 2017 khoảng 190 tỷ USD. Con số này cao hơn số liệu của Bắc Kinh là 154,3 tỷ USD, nhưng thua xa ngân sách 700 tỷ USD được Quốc hội Mỹ cấp cho Bộ Quốc phòng nước này.