Doanh số bán ô tô Trung Quốc ở Nga tăng vọt do lệnh trừng phạt của phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Doanh số bán ô tô Trung Quốc tại Nga đã đạt mức cao kỷ lục, khi quốc gia này trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Nga trở thành thị trường xuất khẩu ô tô hàng đầu của Trung Quốc (Ảnh: FT)
Nga trở thành thị trường xuất khẩu ô tô hàng đầu của Trung Quốc (Ảnh: FT)

Sự gia tăng mạnh mẽ trong doanh số bán ô tô đã giúp các hãng xe Trung Quốc duy trì hoạt động ổn định trong bối cảnh Bắc Kinh phải đối mặt với mức thuế cao hơn khi xuất khẩu xe điện sang Washington và Brussels, đồng thời làm thay đổi nhanh chóng thói quen sử dụng ô tô tại Nga.

“Người dân đang “bỏ phiếu” bằng ví tiền của họ”, Ilya Frolov, một blogger về ô tô tại Moscow, nhận định. “Nếu bạn muốn mua xe, lựa chọn của bạn chỉ còn là một chiếc [sản xuất tại Nga] Lada, một chiếc xe châu Âu cực kỳ đắt đỏ được nhập khẩu phi chính thức, hoặc một chiếc xe Trung Quốc được trang bị tốt và giá tương đối rẻ”.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến doanh số bán xe từ các nhà sản xuất châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản – vốn chiếm ưu thế trên thị trường ô tô Nga – sụt giảm mạnh. Vào thời điểm diễn ra cuộc xung đột vào tháng 2/2022, các thương hiệu này chiếm tới 69% tổng doanh số, theo dữ liệu từ cơ quan phân tích Avtostat. Hiện tại, thị phần của họ chỉ còn 8,5%, trong khi thị phần của các nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng mạnh từ 9% lên 57%.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Nga đã trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của ô tô sản xuất tại Trung Quốc, đạt 849.951 xe, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA). Mexico là thị trường lớn thứ hai, thế nhưng lượng nhập khẩu chỉ đạt chưa bằng một nửa con số này.

“Sự tăng trưởng xuất khẩu ô tô vượt bậc của Trung Quốc trong những năm gần đây chủ yếu nhờ vào thị trường Nga”, ông Cui Dongshu, Tổng thư ký CPCA, nhận định. “Những biến động và thay đổi trong tình hình chính trị và kinh tế đã mang lại cho các công ty xe hơi Trung Quốc nhiều cơ hội bán hàng và lợi nhuận lớn”.

Sự mở rộng của các hãng xe Trung Quốc không chỉ thu hút người tiêu dùng mà còn là chủ đề bàn tán trong ngành công nghiệp ô tô.

“Hầu như tất cả những người từng làm việc cho các công ty phương Tây giờ đều làm việc cho các công ty Trung Quốc”, Vadim Gorzhankin, Giám đốc của công ty quan hệ công chúng Krasnoe Slovo, chuyên hợp tác với ngành công nghiệp ô tô, cho biết. “Ban đầu, chúng tôi hầu như không biết gì về các nhà sản xuất này, cách làm việc của họ, hay thậm chí cách phát âm tên thương hiệu của họ”.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, trong tháng 9, lượng ô tô xuất khẩu sang Nga đạt tổng giá trị 1,8 tỷ USD, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ so với chỉ 96 triệu USD cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù các đại lý ô tô không chính thức vẫn tiếp tục nhập khẩu các thương hiệu phương Tây vào Nga qua các tuyến nhập khẩu song song, nhưng mức giá cao đã hạn chế khả năng tiếp cận của khách hàng.

50e1830adc76979a0dbc7e30f95bac614c5ea1f2.png
Trong ảnh, một chiếc Exeed VX do Trung Quốc sản xuất có giá khoảng 56.000 USD trong khi một mẫu BMW tương đương có thể được mua với giá khoảng 95.000 USD (Ảnh: FT)

ỞĐức, giá của chiếc BMW X5 30d vào khoảng 95.000 USD, nhưng ở Nga, mức giá cho cùng mẫu xe này có thể lên tới 152.000 đến 203.000 USD, theo thông tin từ Auto.ru. Trong khi đó, chiếc Exeed VX của Trung Quốc bán ở Nga có giá chỉ khoảng 56.000 USD.

Frolov, một blogger ô tô, đã từ bỏ chiếc Mercedes CLA để mua chiếc Zeekr X được nhập khẩu qua thị trường xám (được nhập khẩu hợp pháp nhưng không thông qua nhà phân phối chính thức, có giá cao hơn), có giá 46.161 USD. Chiếc xe này nổi bật với tính năng độc đáo cho phép ra khỏi chỗ đỗ chật hẹp chỉ bằng một nút bấm trên điện thoại – tính năng tương tự như trên BMW 7 Series.

Frolov chia sẻ anh bị ấn tượng bởi những tính năng bất ngờ mà các nhà sản xuất Trung Quốc mang lại, đồng thời chỉ ra rằng chiếc Aito M9 của Trung Quốc có màn hình kéo xuống tương tự như trên BMW i7, cho phép người ngồi sau xem phim. Anh nhận xét: “Chiếc xe này giống như một con tàu vũ trụ”.

Tuy nhiên, Frolov cũng thừa nhận một nhược điểm của xe Trung Quốc là dễ bị trộm hơn. Anh lý giải: “Ở Trung Quốc ít tội phạm hơn, vì vậy họ không có các tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt như ở Nga”.

Sự thật là không phải tất cả tài xế ở Nga đều cảm thấy hài lòng với những chiếc xe này. Một hiệp hội tài xế taxi của Nga đã phàn nàn với tờ Kommersant về những vấn đề mà ngành công nghiệp taxi gặp phải kể từ khi chuyển sang sử dụng các mẫu xe giá rẻ từ Trung Quốc.

Các tài xế taxi cho rằng xe Trung Quốc thường phải thanh lý sau khi chạy được khoảng 150.000 km, trong khi các mẫu xe châu Âu và Hàn Quốc trước đây có thể kéo dài đến 300.000 km. Thêm vào đó, việc tìm phụ tùng thay thế cũng tốn thời gian hơn rất nhiều.

44a14a4093e3cfae24bceeefbacfefc311a53e1c.png
Blogger xe hơi Ilya Frolov cho biết Zeekr X có thể thoát ra khỏi chỗ đậu xe chật hẹp chỉ bằng một cú nhấn nút nhưng nó dễ bị trộm hơn (Ảnh: FT)

Quan ngại từ thị trường Nga

Bên cạnh đó, sự thống trị ngày càng gia tăng của xe Trung Quốc trên thị trường Nga cũng khiến một số nhà sản xuất ô tô nội địa lo ngại.

Sergei Chemezov, giám đốc điều hành Rostec, tập đoàn sản xuất vũ khí của Nga, đã kêu gọi nhà nước áp đặt các “biện pháp phòng ngừa” đối với xe Trung Quốc. Công ty của ông hiện đang nắm giữ cổ phần tại Avtovaz, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nga, đơn vị sở hữu thương hiệu Lada. Vào tháng 9, Avtovaz cho biết thị phần của họ có thể giảm xuống còn 25% sau sự bùng nổ doanh số bán xe Trung Quốc.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, các nhà sản xuất ô tô Nga cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận phụ tùng và công nghệ phương Tây. Để bù đắp, họ thường xuyên phải nhờ đến nguồn cung từ Trung Quốc.

Mới đây, tại một hội nghị kinh doanh, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã chỉ trích một mẫu xe Volga mới, sau khi phát hiện vô lăng của xe được sản xuất tại Trung Quốc. Ông phản đối: “Vô lăng của các anh làm ở đâu? Trung Quốc à? Tôi muốn vô lăng phải là của Nga”, theo RBC.

Mối quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc hiện nay đang có sự mất cân đối rõ rệt. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nga, hiện chiếm hơn một nửa tổng giá trị xuất khẩu chính thức của Nga, theo dữ liệu từ Trade Data Monitor. Trong khi đó, chỉ 5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 9 đến từ Nga.

“Với định hướng phát triển hiện tại thì rõ ràng là Nga sẽ càng lúc càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc”, ông John Kennedy, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Rand Europe, nhận định.

"Hiển nhiên là có một mối quan hệ đối tác chiến lược địa chính trị giữa Trung Quốc và Nga", bà Ilaria Mazzocco, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết. "Tuy nhiên, cùng với đó là những lợi ích thương mại đang nổi lên, và rất có thể sẽ có các yếu tố kinh doanh từ phía Trung Quốc, những người đang tận dụng cơ hội từ sự thay đổi trong thị trường Nga".

Các nhà phân tích cho rằng, với khối lượng giao thương ngày càng gia tăng giữa Nga và Trung Quốc, việc phát hiện các mặt hàng bị cấm vận mà Nga nhập khẩu qua các quốc gia trung gian sẽ ngày càng trở nên khó khăn. Trước đây, các hàng hóa này thường được nhận diện trong dữ liệu thương mại của những quốc gia trung gian nhỏ hơn.

Theo Financial Times