Mỹ lập “NATO châu Á”, Trung Quốc ngồi trên lửa

VietTimes -- Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đã đề xuất thành lập liên minh bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc nhằm đối phó với những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc, Viện Lowy (Úc) xem đó là một “NATO châu Á”.
Chiến hạm Mỹ khai hỏa trong một cuộc tập trận trên biển
Chiến hạm Mỹ khai hỏa trong một cuộc tập trận trên biển

Năm ngoái tại Caberra, đô đốc Harris chính là người đã cảnh báo về nguy cơ các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng trái phép ở Biển Đông là “Vạn Lý Trường Thành cát”. Giờ đây tại New Delhi, ông Harris lại đưa ra một đề xuất cực kỳ nhạy cảm.

Vị đô đốc Mỹ đã kêu gọi Ấn Độ, Nhật và Úc tham dự đối thoại 4 bên, tập trung vào các thách thức an ninh đối với trật tự khu vực. Bối cảnh và cơ sở cho đề xuất thiết lập liên minh chính là Trung Quốc và những hành động hung hăng của nước này nhằm yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Chắc chắn là Bắc Kinh không hài lòng. Trung Quốc sẽ phản đối cuộc đàm phán bốn bên này và coi đó là một sự khiêu khích, một “NATO châu Á”, một liên minh được lập ra nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của nước này. Thậm chí những gì được đề xuất mới chỉ là dừng ở đối thoại chứ chưa phải là một liên minh hải quân chính thức của bốn quốc gia như một số báo chí ngụ ý.

Phát biểu tại Ấn Độ không phải là lần đầu tiên đô đốc Harris lên tiếng về liên minh 4 nước. Vấn đề này đã được nhắc tới trong cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ mới đây, ở đó ông Harris đã tiết lộ tham vọng của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương muốn thiết lập một tối tác 4 quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ý tưởng thành lập nhóm bộ tứ chính xác là không mới. Sáng kiến này đã nổi lên từ năm 2007, về việc xây dựng hợp tác giữa hải quân 4 quốc gia bạn bè nhằm nhanh chóng cứu trợ thảm họa nhân đạo sau trận sóng thần tháng 12/2014. Nó xuất hiện trong một cuộc họp ngắn bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2007 mà chương trình nghị sự là cứu trợ thảm họa.

Trung Quốc theo dõi rất sát các động thái chính trị, ngoại giao trên, Vài tháng sau đó, 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn, Úc và thêm Singapore đã tổ chức một cuộc tập trận hải quân lớn tại Ấn Độ Dương và Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại ở mức cao nhất.

Sau đó, những thay đổi chính phủ ở Úc, Nhật Bản và sự không hứng thú kéo dài tại Tokyo và Delhi đã giúp áp lực của Trung Quốc chiến thắng. Ý tưởng thành lập “bộ tứ kim cương” chìm lắng vào đầu năm 2008.

Tuy nhiên, nỗi lo về việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh đang lên của mình như thế nào luôn tồn tại trong giới phân tích tình báo, các nhà hoạch định quân sự và các chính khách có tầm nhìn. Bắc Kinh thể hiện những hành động hăm dọa và bắt nạt ở Biển Đông và Hoa Đông. Tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương. Cuộc tấn công quyến rũ thông qua kinh tế và đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á hết sức náo nhiệt. Bắc Kinh đã bộc lộ những dấu hiệu về sự tự tin dân tộc chủ nghĩa khi các cuộc khủng hoảng tài chính làm rung chuyển phương Tây.

Vấn đề là liệu Trung Quốc có bớt hung hăng trong việc thách thức trật tự khu vực hay không. Theo Viện Lowy, tất nhiên chỉ một mình bộ tứ sẽ không phải giải pháp cho nền an ninh mong manh của khu vực. Trung Quốc có lợi ích hợp pháp với tư cách một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm là một quốc gia thương mại lớn phụ thuộc vào nhập khẩu dầu lửa và trách nhiệm ngày càng tăng với các khoản đầu tư ngoài nước cũng như cộng đồng Hoa kiều của mình. Cũng như Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác, Trung Quốc có thể và nên đóng góp vào bảo vệ an ninh hàng hải chung và nỗ lực chống cướp biển ở Vịnh Aden đã được hoan nghênh. Do đó, các cường quốc khác nên đối đãi với Trung Quốc như một đối tác đối thoại, trong khi xây dựng một cơ chế cân bằng quyền lực.

Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực tại châu Á-Thái Bình Dương
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực tại châu Á-Thái Bình Dương

Viện Lowy cho rằng, xây dựng “bộ tứ kim cương” phục vụ mục tiêu đáng giá làm cho tình hình thế giới an toàn hơn. Nó sẽ pha loãng quyền lực của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn, nơi mà các cường quốc khác cũng có quyền lợi. Bắc Kinh đã miễn cưỡng phải chấp nhận các mô hình đối thoại an ninh ba bên như Úc-Nhật-Mỹ, Ấn-Nhật-Úc và gần đây nhất là Úc-Nhật-Ấn.

Mỹ và các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã bất an sâu sắc trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và họ thiếu các lựa chọn tốt để thay đổi tình thế mà không làm tăng nguy cơ va chạm và xung đột. Do vậy, họ khai thác các cách thức gián tiếp để phản ứng và biểu lộ sự đoàn kết ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp. Một đối thoại bốn bên sẽ cho phép họ trao đổi các đánh giá tin cậy và phát triển các cách tiếp cận chung nhằm định hình và giới hạn sự hung hăng của Trung Quốc, vì lợi ích của các quốc gia cỡ nhỏ và vừa cũng như sự ổn định khu vực.

Một liên minh bộ tứ cũng cho phép bốn quốc gia dân chủ thực thi các bước khác như tham vấn lẫn nhau nhằm chống lại các hành động liều lĩnh hoặc tính toán sai lầm. Trong bất cứ trường hợp nào, khu vực cũng được hưởng lợi từ những liên minh ba bên vững chắc, lại thêm những liên hệ chiến lược song phương dày đặc trong toàn bộ 4 quốc gia, chẳng hạn các cuộc tập trận hải quân giữa Ấn Độ và Úc, hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực hàng hải của các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, còn hợp tác hậu cần, huấn luyện và công nghệ giữa Nhật và Ấn.

Một trong những động lực của xu thế trên là sự hội tụ lo ngại về sức mạnh của Trung Quốc cũng như cách thức hành xử hung hăng mà nước này đang thể hiện ở Biển Đông. Bởi thế, hải quân bốn nước Mỹ, Nhật, Ấn, Úc đã sẵn sàng cho việc hình thành một liên minh.

T.N