Nga lo bị Mỹ và Trung Quốc đẩy ra rìa
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ban đầu dự định ngày 28/2 tổ chức hội nghị toàn thể thông qua nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên, tuy nhiên, do phía Nga tuyên bố cần có một khoảng thời gian để nghiên cứu bản dự thảo của nghị quyết này nên kế hoạch của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bị hoãn lại, có thể tuần này hoặc tuần sau mới được thông qua. Có phân tích cho rằng, phía Nga vẫn chưa đồng ý phương án trừng phạt Triều Tiên của Trung Quốc và Mỹ, có thể hai bên đã xuất hiện một số bất đồng.
Sớm nhất nghị quyết sẽ được thông qua vào ngày 1/3, nếu Nga vẫn tiếp tục kéo dài thời gian nghiên cứu, có thể nghị quyết sẽ được thông qua muộn hơn. Ngày 27/2, đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc Oh Joon cho biết, khó có thể kết thúc công tác nghiên cứu đề án này trong vòng 1-2 ngày, phía Nga cho rằng cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu kỹ đề án.
Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc PeterIlyich cho biết: “Có rất nhiều chi tiết trong đề án chúng tôi vừa mới được thông báo, chúng tôi cần phân tích các chi tiết và nội dung được bổ sung”. Có phân tích chỉ ra rằng, lời phát biểu của ông cho thấy, khi xây dựng phương án trừng phạt Triều Tiên, hai nước Trung Quốc – Mỹ không kịp thời thông báo cho phía Nga, hoặc xin ý kiến của Moscow. Có thể nước Nga nảy sinh tâm lý lo ngại rằng vai trò chủ đạo của họ đã bị gạt ra rìa của cuộc đàm phán vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lên án hành động thử hạt nhân, phóng tên lửa của Triều Tiên
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, có thể Nga không hài lòng về bản dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên cứng rắn chưa từng có này. Ngày 27/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cuộc trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhấn mạnh cần lên án nghiêm khắc hành vi phóng vệ tinh của Triều Tiên, tập trung lực lượng cắt đứt kênh viện trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên cũng phải xem xét đến đời sống dân sinh khó khăn của Triều Tiên, nghị quyết trừng phạt không nên gây sự tác động tiêu cực cho mối quan hệ hợp tác hợp pháp giữa Triều Tiên với các tổ chức kinh tế phi chính phủ nước ngoài.
Các chuyên gia Nga cho rằng, Mỹ đệ trình lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phương án trừng phạt Triều Tiên, nhằm ý đồ “phóng đại hiện tượng khủng hoảng của kinh tế Triều Tiên, đẩy nhanh tốc độ sụp đổ và thay đổi chính quyền của Triều Tiên”. Trên thực tế, chỉ cần Nga không bỏ phiếu tán thành phương án trừng phạt Bình Nhưỡng, hoặc Nga chỉnh sửa một số điều khoản trong đề án này thì hiệu quả của đề án trừng phạt Triều Tiên giảm đi rõ rệt.
Giá trị của Triều Tiên đối với nước Nga
Đối với nước Nga, Triều Tiên có giá trị địa chính trị hết sức quan trọng. Năm 2014, nước Nga đã sửa đổi toàn diện chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở vùng Viễn Đông, nâng lên thành chiến lược quốc gia, Triều Tiên chiếm một vị trí qua trọng trong chiến lược phát triển vùng Viễn Đông của Nga. Nga lên kế hoạch xuất khẩu than, khí thiên nhiên, điện và các sản phẩm khác sang Hàn Quốc thông qua Triều Tiên. Do đó, Nga đã xây dựng phương án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ vào Triều Tiên, bao gồm xây dựng tuyến đường sắt, đường bộ và đường ống dẫn khí thiên nhiên xuyên biên giới nối liền Triều Tiên và Nga, đầu tư vào cảng Rajin và khai thác các nguồn tài nguyên thương mại khác của Triều Tiên.
Lợi ích chiến lược quan trọng nhất của Nga ở Triều Tiên là cảng Rajin. Than, khí thiên nhiên và các mặt hàng khác của Nga đều xuất khẩu sang châu Á – Thái Bình Dương qua cảng này. Theo ước tính của Nga, tuyến đường vận chuyển hàng hóa trên biển qua cảng Rajin giúp Nga tiết kiệm 10-15% thời gian và lượng nhiên liệu tiêu hao so với tuyến đường vận chuyển hàng hóa qua cảng Vladivostok của Nga. Công ty cổ phần thương mại đường sắt Nga và cảng Rajin của Triều Tiên cùng thành lập công ty Rason CoTrans, phụ trách nghiệp vụ vận chuyển hàng hóa của Nga tại cảng Rajin với thời hạn 49 năm.
Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch cùng Triều Tiên xây dựng kênh thương mại châu Á để tiến hành đầu tư trực tiếp, thanh toán thẳng bằng đồng Rup nhằm vòng qua nước thứ ba là Trung Quốc, giảm sự lệ thuộc vào kênh trung gian này. Theo số liệu của Bộ phát triển Viễn Đông (Nga), hiện tại 1/3 lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên (đạt khoảng 900 triệu USD) là hàng hóa của Nga. Do đó, kể cả Trung Quốc gia nhập đội ngũ các nước trừng phạt Triều Tiên, nhưng chỉ cần Nga không đồng ý, hoặc sửa đổi một số điều khoản trừng phạt thì Triều Tiên vẫn có thể tồn tại.
Giống như một số phân tích chỉ ra rằng, hiện tại vấn đề nằm ở chỗ, dường như Nga muốn nhìn thấy sự nồng ấm trong quan hệ Trung – Mỹ? Sau khi Trung Quốc – Mỹ đạt được nhận thức chung trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu có dấu hiệu dịu lại. Nếu Nga không muốn nhượng quyền chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hoặc Nga không muốn nhìn thấy Bắc Kinh và Washington bắt tay tiến gần nhau hơn thì rất có thể Moscow sẽ phủ quyết phương án trừng phạt Triều Tiên mà Bắc Kinh và Washington đã xây dựng, đồng thời đưa ra chủ trương của riêng mình.
Cảng Rajin của Triều Tiên chiếm một vị trí quan trọng trong lợi ích chiến lược của nước Nga.
Đương nhiên cũng không loại trừ khả năng Nga sẽ phủ quyết phương án trừng phạt Triều Tiền của Trung Quốc và Mỹ, lấy đó làm bàn đạp để kéo Triều Tiên lên chiến xa của Nga. Đến lúc đó, Nga sẽ trở thành đối tượng đàm phán hàng đầu để Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ bị đẩy ra rìa trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân.
Khi đó, Nga có thể phát huy độ ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, từ đó cùng Mỹ tranh giành vị thế chủ đạo trong công cuộc xây dựng trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xác lập vị thế nước lớn của Nga trên toàn cầu.
Hiện tại, Trung Quốc đã dự đoán được việc nước này tham gia vào hoạt động trừng phạt Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, “có thể dự đoán” những ảnh hưởng do việc trừng phạt Triều Tiên gây ra. Tổng thống Nga Putin đã thành công trong việc buộc tổng thống Mỹ Obama thừa nhận Nga là đối thủ chiến lược địa chính trị quan trọng tại Trung Đông và châu Âu, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông Putin cũng cần một lộ trình để chiếm một vị trí quan trọng trong các sự vụ của khu vực.
Đ.Q