Mỹ không hiểu vì sao Nhật Bản “hát ngược giọng”, bỏ phiếu trắng ở HĐBA về Nam Xu-đăng

VietTimes -- Tại hội đồng bảo an, đại diện Nhật Bản đã bỏ phiếu trắng để tránh cấm vận vũ khí đối với Nam Xu-đăng, bảo vệ an toàn cho binh sĩ Nhật Bản tại đây, nhưng Mỹ lại bày tỏ "không hiểu nổi" vì Nhật Bản là đồng minh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Sohu
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Sohu

Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 24/12 cho hay ngày 23/12 Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) đã không thông qua được một dự thảo nghị quyết về các biện pháp trừng phạt đối với Nam Xu-đăng bao gồm cấm vận vũ khí.

Phó đại diện thường trực của Trung Quốc ở Liên hợp quốc là Đại sứ Ngô Hải Đào đã bỏ phiếu trắng, cho biết Trung Quốc không tán thành sử dụng trừng phạt để gây sức ép với các nước đang phát triển. Điều đáng chú ý là Nhật Bản cùng ngày lại "hát ngược giọng" với đồng minh Mỹ, cũng đã bỏ phiếu trắng ở Hội đồng bảo an.

Là một quốc gia trẻ nhất trên thế giới, tình hình Nam Xu-đăng những năm gần đây xảy ra bất ổn, quân đội hai phái của Tổng thống và Phó Tổng thống Nam Xu-đăng xảy ra xung đột vũ trang lâu dài.
Tháng 8/2016, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, quyết định cử 4.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Nam Xu-đăng, đưa số nhân viên của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại quốc gia này tăng lên 17.000 người.

Theo bài báo, dự thảo nghị quyết lần này đưa ra Hội đồng bảo an ngày 23/12 do Mỹ khởi thảo, kết quả bỏ phiếu được 7 nước tán thành, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp; còn 8 nước khác bỏ phiếu trắng gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản.

Một dự thảo nghị quyết muốn được Hội đồng bảo an thông qua thì nhất định phải được 9 phiếu trong số 15 thành viên Hội đồng bảo an tán thành và không bị nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an phản đối. Vì vậy, dự thảo nghị quyết của Mỹ không thể thông qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thị sát lực lượng gìn giữ hòa bình Nhật Bản ở Nam Xu-đăng. Ảnh: Sohu
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thị sát lực lượng gìn giữ hòa bình Nhật Bản ở Nam Xu-đăng. Ảnh: Sohu

Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản, dự thảo nghị quyết quy định, trong 1 năm tới cấm xuất khẩu vật tư liên quan vũ khí và cung cấp viện trợ tài chính cho các hoạt động quân sự liên quan dành cho Chính phủ và lực lượng vũ trang chống chính phủ của Nam Xu-đăng. Cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản đối với 3 đối tượng mới trong đó có Bộ trưởng Thông tin và cựu Phó Tổng thống Nam Xu-đăng.

Đại sứ Trung Quốc Ngô Hải Đào cho biết Trung Quốc nhất quán chủ trương thận trọng trong sử dụng trừng phạt, cho rằng trừng phạt cần phục vụ cho giải quyết đại cục về chính trị, không tán thành lợi dụng trừng phạt để gây sức ép với các nước đang phát triển.

Chính phủ quá độ ở Nam Xu-đăng đã đưa ra ý nguyện chính trị đối với các nghị quyết và Thông cáo chung của Hội đồng bảo an. Thông cáo cho biết không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nam Xu-đăng như cấm vận vũ khí. Những yêu cầu hợp lý của Tổ chức phát triển liên chính phủ Đông Phi và các nước châu Phi cần được coi trọng đầy đủ.

Theo Ngô Hải Đào, Chính phủ Trung Quốc nhất quán ủng hộ tiến trình hòa bình của Nam Xu-đăng, đã cung cấp hỗ trợ tích cực cho xây dựng và bảo vệ ổn định của Nam Xu-đăng.

Trong khi đó, Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, nhưng lần này họ lại bỏ phiếu trắng đã gây ngạc nhiên. Bởi vì theo báo chí Nhật Bản, việc làm này là điều hiếm thấy. Mỹ bày tỏ không hiểu được lập trường của Nhật Bản.

Theo tờ Tin tức Trung Quốc, Đại diện Nhật Bản cho hay khi Chính phủ quá độ Nam Xu-đăng đã áp dụng một số biện pháp tích cực, tiến hành trừng phạt bổ sung đối với họ sẽ có tác dụng ngược. Nhật Bản cho rằng hiện còn có dư địa cho các nỗ lực ngoại giao. Đặc phái viên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuần này đã thăm Thủ đô Nam Xu-đăng.

Theo hãng tin AP Mỹ, Nhật Bản hiện có 350 binh sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Nhật Bản lo ngại các biện pháp trừng phạt mới sẽ gây ra ác cảm cho Chính phủ Nam Xu-đăng, đe dọa an toàn của các binh sĩ Nhật Bản.

Hạ tuần tháng 11/2016, một tốp binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã đến Nam Xu-đăng thực hiện nhiệm vụ. Theo Luật An ninh mới, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản từ ngày 12/12/2016 sẽ có thể bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ mới như tiếp viện, bảo vệ và đóng quân cùng bảo vệ.

Phó đại diện thường trực của Nhật Bản tại Liên hợp quốc cho rằng, việc cấm vận vũ khí đối với Nam Xu-đăng là "thiếu tính xây dựng".

Nhưng, Mỹ và Liên hợp quốc cho rằng cần cảnh giác với sự thù hận dân tộc ngày càng tăng ở Nam Xu-đăng có thể phát triển thành các hành động tàn sát, các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm vận vũ khí là "những biện pháp thích đáng nhất", kêu gọi các nước thành viên thường trực ủng hộ.

Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc ngày 19/12 đã phê phán thái độ của Nhật Bản, cho rằng: "Quan điểm này… không thể hiểu nổi".