Mỹ muốn ASEAN cô lập Triều Tiên
Theo báo chí Mỹ ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần này đến Philippines tham gia các hội nghị Ngoại trưởng của ASEAN với nhiều nhiệm vụ, bao gồm tiếp tục kêu gọi xây dựng một cơ chế có khả năng ràng buộc pháp lý, ngăn chặn tranh chấp Biển Đông leo thang thành xung đột vũ trang, đồng thời tìm cách mở rộng hợp tác với ASEAN để cô lập Triều Tiên.
Theo báo chí Nhật Bản, lần này, Mỹ có thể thúc giục các nước thành viên ASEAN hạn chế quan hệ du lịch và lao động với Triều Tiên. Do Trung Quốc không sẵn sàng áp chế Bình Nhưỡng, Mỹ hy vọng ASEAN “phát huy vai trò quan trọng ngăn chặn mối đe dọa này”.
Hãng tin Yonhap Hàn Quốc ngày 4/8 cho rằng Mỹ công khai yêu cầu loại bỏ tư cách tham dự các hội nghị Ngoại trưởng ASEAN của Triều Tiên. Trong khi đó Triều Tiên tuyên bố chính sách thù địch của Mỹ mới là nguồn gốc gây ra vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Báo Nhật Bản nhận xét, đối với các nước thành viên ASEAN như Malaysia, Việt Nam và Philippines, so với vấn đề Biển Đông, tầm quan trọng của vấn đề bán đảo Triều Tiên thấp hơn nhiều, bởi vì Biển Đông là “cửa nhà” của các nước này.
Hôm nay (6/8) trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc gây ảnh hưởng đối với Triều Tiên, đồng thời sẽ tiếp tục xác nhận việc tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhật - Mỹ - Hàn.
Theo báo chí Hàn Quốc, mặc dù Hàn - Mỹ - Nhật có kế hoạch muốn tận dụng cơ hội tham dự diễn đàn đa phương ở Philippines lần này để tăng cường trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên, nhưng có thành công hay không thì chưa rõ.
Trước đây, các nước như Philippines, Malaysia có lập trường tương tự Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên, nhưng các nước như Myanmar, Campuchia, Lào lại có lập trường tương đồng với Trung Quốc.
Theo tờ Nezavisimaya Gazeta Nga ngày 4/8, tại các Hội nghị ở Philippines lần này sẽ tiếp diễn cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh. Người Mỹ sẽ tìm cách thuyết phục các bên tiến hành lên án đối với Triều Tiên và các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc đồng ý ký kết khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để đưa ASEAN vào quỹ đạo ảnh hưởng ngày càng tăng của họ.
Philippines sẽ không đưa vấn đề Triều Tiên ra ARF?
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 5/8, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các nước ASEAN “cô lập Triều Tiên”, nhưng Ngoại trưởng Philippines ngày 4/8 cho biết “sẽ không đưa Triều Tiên ra Diễn đàn ASEAN”.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho rằng Diễn đàn khu vực ASEAN là kênh giao lưu duy nhất của Triều Tiên ở khu vực này. “Chúng tôi không thể cô lập Triều Tiên”. “ASEAN là một tổ chức dựa trên đồng thuận”. “Vì vậy điều chúng tôi có thể làm chính là trao đổi ý kiến sau bữa trưa và bữa tối”.
Ông Alan Peter Cayetano cho biết Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ thị cho ông đóng vai trò “người giảng hòa”, tìm cách để Bình Nhưỡng đối thoại với các nước trong khu vực. Nhưng ông còn cho biết Triều Tiên không ngừng bắn thử tên lửa và thử hạt nhân gây ra căng thẳng khu vực, điều này lại làm cho ông khó có lý do đầy đủ để thực hiện chỉ thị của Tổng thống.