Đề xuất mới nhất của đô đốc Harris nằm trong hàng loạt đề xuất của Mỹ đối với Ấn Độ, nhằm trở thành một phần trong mạng lưới các cường quốc hải quân nhằm đối phó sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard R. Verma bày tỏ hy vọng trong bài phát biểu rằng các cuộc tuần tra chung của hải quân Ấn Độ và Mỹ sẽ trở nên thường xuyên và là hoạt động được hoan nghênh trên các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giới chức Mỹ nói rằng Mỹ đã tiến rất sát, sau 10 năm phản đối từ phía Ấn Độ, tới một thoả thuận về hỗ trợ hậu cần cho phép quân đội hai nước dễ dàng sử dụng các nguồn lực của nhau để tiếp liệu cũng như sửa chữa trang thiết bị.
Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đô đốc Harris nêu rõ một số nước mạnh đang tìm cách “bắt nạt những quốc gia nhỏ hơn thông qua việc hăm doạ, bắt nạt” và nói rằng một sự hợp tác hải quân là cách thức tốt nhất để ngăn chặn việc này.
“Tập luyện cùng nhau sẽ dẫn tới tác chiến cùng nhau. Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ cũng như rất nhiều quốc gia khác có thể thoải mái hoạt động ở bất cứ đâu trên đại dương cũng như không phận bên trên”, ông Harris tuyên bố.
Kể từ khi thủ tướng Ấn Độ Narendara Modi lên nắm quyền, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ. Ấn đã phản ứng một cách giận dữ vào năm 2014 khi một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc ghé vào cảng Colombo của Srilanka. New Delhi cũng cảnh giác theo dõi các dự án ưu tiên của ông Tập Cận Bình như “Con đường tơ lụa” trên biển với hàng loạt cảng biển ở Gwadar của Pakistan và Chittagong tại Bangladesh.
Khi tổng thống Mỹ Obama thăm Ấn Độ hồi năm ngoái, hai nước đã ra tuyên bố chung về “Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, việc mà Ấn Độ cương quyết từ chối trong quá khứ.
Giới chức Mỹ đã bác bỏ một bài viết của Reuteurs hồi tháng trước nói các quan chức Mỹ gợi ý Ấn Độ có thể tham gia tuần tra chung ở Biển Đông, việc mà ngay cả những đồng minh thân thiết của Mỹ như Úc hay Nhật Bản cũng chưa tham gia.
“Việc mới nhất Ấn Độ muốn thực hiện là tình cờ biến mình là một người chơi trên tuyến đầu ở Biển Đông. Tôi không nghĩ Ấn Độ sẽ là một quốc gia đứng ở tuyến đầu”, chuyên gia phân tích an ninh Nitin Gokhale nhận xét và nói thêm rằng những đối tác liên kết tốt nhất Mỹ có thể trông đợi là Ấn Độ giữ vai trò tích cực tại diễn đàn khu vực và tăng cường hỗ trợ hải quân các quốc gia như Việt Nam và Philippines.
Đô đốc Harris đề xuất một cuộc tụ họp an ninh 4 bên chắc chắn gây sự chú ý đối với Bắc Kinh. Năm 2007 Bắc Kinh cũng phản ứng tương tự khi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu ra ý tưởng này.
Tuy nhiên, giới phân tích Trung Quốc coi sự nhóm họp này như một hành động thù địch và gọi đó là một “NATO mini”. Thậm chí trước khi 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn, Úc nhóm hợp, Trung Quốc đã chính thức gửi phản đối qua đường ngoại giao tới Washington, New Delhi, Canberra và Tokyo. Tại một hội nghị thượng đỉnh cách đây chưa đầy hai năm, Úc đã thông báo rút khỏi thỏa thuận 4 bên.
Nhưng dưới thời thủ tướng Modi, hải quân Ấn Độ lao vào hàng loạt các thoả thuận song phương và đa phương, phục vụ cũng với mục đích tương tự khiến Trung Quốc xem là một chiến lược kiềm chế Bắc Kinh, Rory Medcalf, trưởng khoa an ninh quốc gia tại Đại học quốc gia Úc nhận định. Ông thêm rằng, tăng cường hợp tác với Mỹ buộc Trung Quốc phải dè chừng với Ấn Độ hơn.
Giáo sư Shen Dingli ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải bác bỏ ý tưởng Mỹ có thể tái lập lại liên minh bốn nước, cho rằng Ấn Độ sẽ không tham gia một mạng lưới như vậy do sợ Trung Quốc trả đũa.
“Trung Quốc có rất nhiều cách thức để nắn gân Ấn Độ. Trung Quốc có thể điều tàu sân bay tới cảng Gwadar tại Pakistan. Trung Quốc từng từ chối lời đề nghị thường trú quân đội tại Pakistan. Nếu Ấn Độ buộc Trung Quốc phải làm việc này, tất nhiên chúng tôi có thể bố trí hải quân trước cửa nhà họ”, ông Dingli tuyên bố.
Trong một động thái chắc chắn sẽ làm Trung Quốc phẫn nộ, hải quân ba nước Mỹ, Ấn và Nhật Bản sẽ tổ chức tập trân chung tại vùng biển ngoài khơi miền Bắc Philippines, gần Biển Đông. Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã thông báo kế hoạch trên đây vào hôm 2/3, nhưng không cho biết thời điểm cụ thể.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết là cuộc tập trận ba bên đó được dự trù trong năm 2016, tại khu vực Biển Bắc Philippines.
Sau khi xác định rằng tự do hàng hải là quyền cơ bản của tất cả các nước, dù không nêu đích danh Trung Quốc, đô đốc Harris đã mượn ví dụ Ấn Độ để chỉ trích các hành động hù dọa của Trung Quốc đối với các láng giềng ở Biển Đông khi cho rằng: «Trong khi một số quốc gia tìm cách bắt nạt các nước nhỏ hơn bằng cách hăm doạ và cưỡng ép, tôi rất khâm phục Ấn Độ, môt ví dụ về việc giải quyết trong hòa bình tranh chấp với các láng giềng tại Ấn Độ Dương».
Thông báo về cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn-Nhật được tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương đưa ra đúng một hôm sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter cảnh cáo Trung Quốc là việc quân sự hoá Biển Đông tất yếu sẽ kéo theo các «hậu quả».
Theo Reuters, vào năm 2015 Mỹ và Ấn Độ đã quyết định mở rộng cuộc tập trận song phương thường niên Malabar và mời Nhật Bản cùng tham gia trở lại, sau 8 năm vắng mặt. Quyết định mời Nhật Bản được đánh giá là nhằm phản kháng lại thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
Đô đốc Harris khẳng định rằng Mỹ mong muốn mở rộng các cuộc tập trận Hải Quân chung thường niên với Ấn Độ ra toàn bộ vùng châu Á-Thái Bình Dương. Việc làm này có tác dụng lôi kéo Ấn Độ tham gia trực tiếp vào vấn đề Biển Đông.
Gần đây, giới chức quân sự hai nước đã mở những cuộc đàm phán về khả năng hai bên cùng tham gia những cuộc tuần tra chung trên biển. Reuters đã trích dẫn một nguồn tin quốc phòng Mỹ cho rằng Biển Đông có thể nằm trong phạm vi các cuộc tuần tra, một thông tin sau đó đã được cả hai phía Mỹ và Ấn Độ cải chính, cho rằng trước mắt không có khả năng đó.
T.N