Theo The Fiscal Times (Mỹ) ngày 6.11, thiếu tướng tư lệnh Không quân vũ trụ Nga Viktor Bondarev, trả lời báoKomsomolskaya Pravda ngày 5.11 đã nói rằng việc triển khai tên lửa phòng không tầm gần và tầm trung ở Syria là nhằm bảo vệ lực lượng Nga tại đây trước các cuộc tấn công từ trên mặt đất lẫn trên không.
Ông còn nêu lên kịch bản vụ tấn công rằng “Hãy tưởng tượng một máy bay quân sự bị lấy trộm và bay sang một nước láng giềng, rồi sau đó chúng dùng máy bay này tấn công chúng ta. Do vậy chúng tôi phải sẵn sàng cho tình huống đó”.
Hiện lực lượng Nga đang chiến đấu ở Syria có khoảng 50 máy bay, từ máy bay ném bom, máy bay không chiến đến trực thăng và UAV, cùng hệ thống tên lửa phòng không.
Tuy nhiên tuyên bố của Nga xác nhận sự hiện diện của tên lửa phòng không tầm gần Pantsir và tầm trung Buk đến giữa lúc các nước phương Tây và Mỹ đang gia tăng can dự vào tình hình Syria, như Mỹ điều thêm chiến đấu cơ F-15C đến Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp huy động tàu sân bay Charles de Gaulle đến vùng Vịnh cùng đánh IS. Liệu tên lửa phòng không của Nga ở Syria là để đối phó “bọn trộm máy bay” hay nhằm mục đích khác?
Theo The Fiscal Times, hai mục tiêu mà Nga đang oanh kích ở Syria là phiến quân IS lẫn lực lượng nổi dậy chống chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad đều không có lực lượng không quân chống lại quân Nga lẫn quân chính phủ Syria.
Thử hình dung liệu kịch bản mà tướng Bondarev nêu ra có khả thi ở Syria hay không. Thứ nhất, một người nào đó được đào tạo lái máy bay quân sự hiện đại hẳn đã tìm ra cách trộm hoặc đánh cướp máy bay.
Thứ hai, kẻ đó phải tìm được một nước láng giềng của Syria cho phép y sử dụng căn cứ để từ đó quay lại ném bom vào quân Nga ở Syria. Và thứ ba, kẻ đó phải có cách lái máy bay bay qua bầu trời Syria đang do lực lượng Nga kiểm soát để tấn công mục tiêu của Nga bên dưới. Tóm lại cả 3 giả thuyết nói trên đều khó mà xảy ra.
Tấn công bằng tên lửa đất đối đất cũng là mối đe doạ cho lực lượng Nga, nên cần có hệ thống phòng không tầm gần để khắc chế - Ảnh: Reuters |
Một dàn tên lửa - pháo phòng không tầm gần Pantsir-S1 của Nga - Ảnh: topwar |
Tuy nhiên, có một cách giải thích khác.
Phát biểu của tướng Bondarev đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ công bố sẽ đưa từ Anh đến Thổ Nhĩ Kỳ một phi đội 6 chiến đấu cơ F-15C. Loại máy bay F-15C là phiên bản F-15 dành để chiến đấu trên không, và rõ ràng mục tiêu không phải là IS vì lực lượng khủng bố này không có máy bay hoặc các phương tiện khác để đe doạ ưu thế trên không của liên minh do Mỹ dẫn đầu đang oanh kích ở Syria và Iraq.
Động thái này của Mỹ được đưa ra sau khi Nga đã điều động tiêm kích đánh chặn Su-30SM tham gia cuộc chiến ở Syria (thường dùng để bảo vệ các máy bay ném bom mục tiêu của khủng bố ở Syria).
Có phải F-15C của Mỹ là mục tiêu mà tên lửa phòng không Nga ở Syria phải đối phó? - Ảnh: Không lực Mỹ |
Trong bối cảnh đó, việc Nga bổ sung hai hệ thống tên lửa phòng không mới có vẻ như là bước đi tiếp theo trong việc tăng cường khả năng đáp trả trước mối đe doạ của máy bay Mỹ thì hơn.
Theo Thanh Niên