Mỹ điều máy bay "đánh hơi phóng xạ" tới Biển Đông, sau tai nạn tàu ngầm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Máy bay WC-135 Constant Phoenix, chuyên phát hiện các mảnh vỡ nhiễm xạ, nằm trong số 5 máy bay do thám mà Mỹ điều tới Biển Đông.
Máy bay WC-135 Constant Phoenix trong một chuyến bay (Ảnh: AP)
Máy bay WC-135 Constant Phoenix trong một chuyến bay (Ảnh: AP)

Máy bay đặc nhiệm của Mỹ, Constant Phoenix, có thể đã được triển khai tới Biển Đông để tìm kiếm dấu vết phóng xạ, giới chuyên gia quân sự cho hay, sau khi một tổ chức phân tích có trụ sở tại Bắc Kinh dẫn những bức ảnh chụp vệ tinh để chỉ ra rằng 5 máy bay do thám Mỹ đang hoạt động trong khu vực này trong khoảng cuối tuần trước.

Sự việc diễn ra chỉ 1 tháng sau khi một tàu ngầm nguyên tử của Hải quân Mỹ va chạm với vật thể không xác định trong lúc lặn ở vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông, khiến Trung Quốc nghi ngờ về khả năng “rò rỉ phóng xạ”.

Nhiệm vụ chính của chiếc Boeing WC-135 Constant Phoenix, có biệt danh là “kẻ đánh hơi hạt nhân”, chính là thu thập các mẫu vật từ bầu khí quyển để phân tích và phát hiện dấu vết nhiễm xạ từ các vụ nổ hạt nhân.

“Rất hiếm khi thấy WC-135 tại khu vực Biển Đông. Hoạt động gần đây nhất của nó ở khu vực này là từ tháng 1/2020” – nhóm Sáng kiến Theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), nhóm phân tích có trụ sở tại Bắc Kinh, viết trên tài khoản WeChat chính thức trong hôm cuối tuần trước.

Ít nhất 11 thủy thủ đã bị thương sau khi tàu ngầm nguyên tử USS Connecticut của Mỹ gặp nạn vào ngày 2/11. Một bức ảnh vệ tinh mới đây cho thấy nhiều bộ phận ở phần mũi của con tàu này đã bị tháo dỡ, cho thấy nó có thể đã chịu tổn thất trong một vụ va chạm ở phần đầu.

Phía Trung Quốc đã chỉ trích việc Mỹ cung cấp thiếu chi tiết về vụ tai nạn là “vô trách nhiệm” và yêu cầu Washington đưa thêm thông tin “về khả năng rò rỉ phóng xạ có thể gây ô nhiễm môi trường biển”. Một tuyên bố được Hạm đội 7 của Mỹ đưa ra hôm đầu tuần này nói rằng tàu Connecticut đã bị mắc cạn ở một vùng núi dưới đáy biển trong khi hoạt động ở vùng biển quốc tế thuộc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Máy bay Constant Phoenix của Mỹ được hộ tống bởi một chiếc máy bay do thám E-8C, 2 máy bay tuần tra hàng hải P-8A và 1 máy bay tác chiến điện tử EP-3E; theo những hình ảnh vệ tinh mà SCSPI công bố.

Ông Ridzwan Rahmat, chuyên gia phân tích tại hãng Janes, nói rằng việc triển khai Constant Phoenix có thể là nỗ lực của Mỹ nhằm kiểm tra bầu khí quyển xem có chất liệu phóng xạ hay không.

“Đây có thể là một biện pháp phòng ngừa mà Mỹ thực hiện nhằm nắm chắc rằng không có sự rò rỉ phóng xạ nào xảy ra sau vụ va chạm” – ông Rahmat nói.

Song Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, cũng tin rằng nhiệm vụ của máy bay “đánh hơi phóng xạ” là nhằm kiểm tra xem có rò rỉ phóng xạ sau vụ va chạm hay không.

“Và, nếu đó là mục đích thực sự, thì điều này cho thấy vụ va chạm là nghiêm trọng, đến một mức độ khiến Mỹ lo ngại và phải cử một máy bay đi để thu thập thêm thông tin” – ông Song nói.

Tuy nhiên, cũng có thể có lời giải thích khác cho vụ việc, ông chỉ ra. “Có thể Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đã thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân dưới biển, và Washington cử một máy bay đến đó để xác nhận.

Tàu ngầm Connecticut đã tự di chuyển trong trạng thái nổi về đảo Guam sau vụ va chạm. Một chuyên gia nhận định sự cố có thể đã phá hỏng hệ thống thủy âm ở mũi tàu ngầm Connecticut, khiến chiến hạm trở nên mù và điếc dưới nước.