Mỹ có thể thua Trung Quốc trong một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan và Mỹ điều quân hỗ trợ Đài Loan, liệu Mỹ có thua trong cuộc chiến với Trung Quốc?
Kỷ nguyên ưu thế quân sự của Mỹ đã qua đi (Ảnh: National Interest)
Kỷ nguyên ưu thế quân sự của Mỹ đã qua đi (Ảnh: National Interest)

Câu hỏi này được nhiều người đặt ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN mới đây rằng quân đội Mỹ sẽ tới bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này bị Trung Quốc tấn công. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó phản ứng rằng quân đội nước này đã được chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh.

Khi bà Kathleen Hicks – hiện là Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - và các thành viên khác của của Ủy ban Đánh giá Chiến lược Quốc phòng Quốc gia nhìn vào câu hỏi này vào năm 2018, họ đưa ra kết luận: “Có thể”. Theo lời của họ, nước Mỹ có thể “chật vật mới giành được chiến thắng, hoặc thậm chí có thể thua trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.”

Họ giải thích rằng, trong trường hợp phản ứng trước một động thái khiêu khích của Đài Loan, Trung Quốc tung một đòn tấn công để giành quyền kiểm soát hòn đảo có vị trí rất sát với đại lục này, họ có thể thành công trước khi quân đội Mỹ có thể điều động được lực lượng tới khu vực. Như cựu Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, James Winnefeld, và cựu Quyền Giám đốc CIA Michael Morell viết hồi năm ngoái, Trung Quốc có khả năng để tạo nên “việc đã rồi” với Đài Loan từ trước khi Washington kịp nghĩ ra cách phản ứng.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Bob Work, người từng phục vụ cho 3 đời Bộ trưởng trước khi về hưu năm 2017, nói còn thẳng thừng hơn. Như ông từng nói công khai, trong cuộc chiến giả định thực tế nhất mà Lầu Năm Góc thiết kế để mô phỏng cuộc chiến ở Đài Loan, tỷ số giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc là 0-18. Trung Quốc giành 18 điểm.

Điểm số trên có thể gây sốc cho những công dân Mỹ còn lưu giữ ký ức về Khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995-1996, khi Trung Quốc thực hiện cái mà họ gọi là “các vụ thử tên lửa” kéo dài tận 8 ngày xung quanh Đài Loan. Và trong động thái thể hiện ưu thế quân sự của mình, Mỹ triển khai 2 tàu sân bay tới vùng biển sát Đài Loan, buộc Trung Quốc phải thoái lui. Nhưng ngày nay, lựa chọn đó thậm chí còn không nằm trong danh sách biện pháp phản ứng để trình lên Tổng thống Mỹ.

Vậy tại sao tình thế lại thay đổi nhanh chóng đến như vậy? Một bản báo cáo đến từ Nhóm Làm việc Trung Quốc thuộc ĐH Harvard đã nói về điều đã xảy ra trong cuộc đua quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, và phân tích sâu về vị thế của những địch thủ của Mỹ ở thời điểm hiện tại.

Thứ nhất, kỷ nguyên mà quân đội Mỹ nắm giữ ưu vượt trội đã qua đi. Như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từng nêu trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2018: “Trong suốt nhiều thập kỷ, Mỹ đã hưởng thụ ưu thế thống trị ở mọi lĩnh vực hoạt động. Nhìn chung là chúng ta có thể điều quân vào mọi thời điểm chúng ta muốn, tập trung quân ở nơi mà chúng ta muốn, và hoạt động theo cách chúng ta muốn”. Nhưng đó là hồi xưa, còn “bây giờ”, ông Mattis cảnh báo, “mọi lĩnh vực đều bị cạnh tranh – trên không, dưới đất liền, trên biển, trong không gian và cả không gian mạng.”

Thứ hai, vào năm 2000, A2/AD – chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập mà Trung Quốc áp dụng, có thể ngăn chặn lực lượng quân đội Mỹ hoạt động như ý muốn – mới chỉ là một cụm từ viết tắt. Nhưng ngày nay, tầm bao phủ chiến lược A2/AD của Trung Quốc đã vượt qua cả Chuỗi đảo Đầu tiên – bao gồm Đài Loan và quần đảo Ryuku của Nhật Bản. Kết quả là, “Mỹ không còn hy vọng nhanh chóng giành ưu thế trên không, không gian hay trên biển nữa”, như đánh giá của Thứ trưởng Quốc phòng Michelle Flournoy dưới thời Barack Obama.

Trong bối cảnh hiện tại, khi mà môi trường chính trị nước Mỹ ngày càng làm tăng sự thù địch đối với Trung Quốc, việc kêu gọi sự nhận thức thực tế quân sự như trên dường như không có tác dụng. Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rất rõ về mọi thứ mà họ công khai nêu ra, hơn phần lớn những chính trị gia Mỹ từng nêu quan điểm về vấn đề này; theo cựu Thứ trưởng Quốc phòng Bob Work.

Lý do để nêu ra thực tế quân sự này không hẳn là để thừa nhận sự thất bại của Mỹ, mà ngược lại, để kêu gọi hành động ngay lập tức để thay đổi thực tế.

Ví dụ, có nhiều thứ mà Đài Loan có thể làm để giúp họ trở thành một mục tiêu khó nhằn hơn nhiều, như bố trí một hàng rào bảo vệ bằng mìn thông minh. Hay có nhiều hệ thống mà quân đội Mỹ có thể triển khai để làm tăng rủi ro cho phía Trung Quốc nếu nước này tấn công Đài Loan. Ngoài ra còn rất nhiều lựa chọn để Mỹ tận dụng sức mạnh của họ trong các lĩnh vực ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế để khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại hơn về chi phí và rủi ro khi tấn công Đài Loan.

Nhưng theo giới quan sát, Đài Loan và Mỹ từng có những cơ hội như vậy cách đây một thập kỷ. Vấn đề ở hiện tại là liệu họ có sẵn sàng nắm lấy cơ hội đó hay không?

Cũng theo giới chuyên gia phân tích, việc cán cân quân sự hiện tại xung quanh Đài Loan đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc không có nghĩa là Mỹ sẽ không bảo vệ Đài Loan.

Trước đây, vào năm 1950, chính quyền Tổng thống Truman từng tuyên bố mập mờ rằng bán đảo Triều Tiên vượt qua tầm bảo vệ của nước Mỹ. Nhưng mặc dù tuyên bố như vậy, nhưng khi Triều Tiên, đồng minh của Trung Quốc, tấn công Hàn Quốc, Mỹ vẫn đến hỗ trợ nước này. Trung Quốc và Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng họ đang trong một cuộc chiến.

Và mặc dù Mỹ chưa từng đưa ra quan điểm về Đài Loan vào thời điểm trước Chiến tranh Triều Tiên, nhưng trong lúc cuộc chiến này diễn ra, Hạm đội 7 của Mỹ vẫn điều quân tại eo biển nằm giữa Trung Quốc và Đài Loan, tạo nên một chiếc ô an ninh của người Mỹ che chắn hòn đảo này. Đối với Trung Quốc, điều này cũng có nghĩa rằng họ để mất Đài Loan trong vòng một thế hệ.

Cuối cùng, điều dễ thấy nhất từ lịch sử của Đài Loan là ngoại giao cung cấp một cách thức tốt hơn nhiều để các bên vừa đảm bảo được lợi ích lại vừa tránh được chiến tranh.

Khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ chính thức dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Jimmy Carter, các chính khách đã công nhận rằng vấn đề Đài Loan là không thể giải quyết được – nhưng lại có thể kiểm soát được. Khung làm việc ngoại giao mà họ tạo nên sự “mơ hồ chiến lược” cho phép tất cả các bên có được 5 thập kỷ hòa bình, và hai bờ eo biển Đài Loan giàu lên nhanh chóng.

Nhưng giờ đây, tình hình đã rất khác ở cả Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ. Trong kỷ nguyên mới này, thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Biden và đội ngũ của ông chính là làm sao đó để tiếp tục kéo dài thêm sự hòa bình này thêm nửa thế kỷ nữa.

Theo National Interest