|
Viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine, bốc dỡ từ máy bay tại Sân bay Quốc tế Boryspil ngoài Kiev, Ukraine ngày 11/2/ 2022. Reuters/Serhiy Takhmazov |
Gói viện trợ mới sẽ bao gồm các loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại như radar giám sát đường không, các tổ hợp tên lửa chống tăng và xe chở nhiên liệu. Khoảng hơn 6 loại vũ khí khác, bao gồm đạn pháo tăng, dự kiến cũng nằm trong danh sách thiết bị có thể được hoàn thiện vào cuối tuần này. Các quan chức giấu tên cho biết, đồng thời lưu ý rằng, tổng số tiền và thiết bị cụ thể trong gói có thể thay đổi.
Ngoài ra, Mỹ sẽ cung cấp các loại vũ khí đường không tấn công chính xác, các thiết bị bắc cầu vượt chướng ngại vật mà Ukraine sẽ sử dụng để tấn công chiến tuyến của quân đội Nga, các phương tiện sửa chữa phục hồi để hỗ trợ trang thiết bị hạng nặng bị vô hiệu hóa như tăng, thiết giáp, pháo binh, tên lửa bổ sung cho hệ thống phòng không NASAMS mà Mỹ và các quốc gia đồng minh đã cung cấp cho Ukraine.
Khoản viện trợ bao gồm 2,1 tỉ USD cho vũ khí, trang thiết bị đến từ quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, không rút vốn từ các kho vũ khí quân đội Mỹ theo ủy quyền của tổng thống Joe Biden.
500 triệu USD còn lại, chủ yếu là đạn dược các loại nhằm thúc đẩy Ukraine tiến hành cuộc tấn công mùa xuân, dự kiến sẽ đến từ quỹ Cơ quan Rút vốn của Tổng thống, cho phép tổng thống ra quyết định lấy từ kho vũ khí dự trữ chiến lược của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp.
Mỹ đã đưa ra cam kết viện trợ hơn 30 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine.
Ngày 1/4, Reuters đề cập đến một nguồn tin của hãng cho biết, quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đã phê duyệt khoản vay 4 năm cho Kyiv với số tiền 15,6 tỉ USD,. Khoản vay này là khoản vay lớn nhất đối với Ukraine kể từ khi bùng nổ chiến sự và là khoản vay đầu tiên được IMF phê duyệt cho một quốc gia, đang trong tình trạng chiến tranh.
Trong vòng 12-18 tháng, Kiev phải thực hiện những biện pháp hỗ trợ nhằm ổn định tài khóa, giá cả, đối ngoại và tài chính, sau đó tiến hành những cải cách quy mô lớn. Chương trình giải ngân được thiết kế theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, số tiền này sẽ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của đất nước và được sử dụng để duy trì sự ổn định kinh tế. Giai đoạn thứ hai là hỗ trợ tài chính cho cải cách nhà nước và hội nhập châu Âu.
Đồng thời, Liên minh châu Âu (EU) dự định áp dụng lại thuế nhập khẩu đối với ngũ cốc của Ukraine. Trong một bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, thủ tướng Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia cho biết, giá những sản phẩm như ngũ cốc, hạt có dầu, trứng, thịt gia cầm và đường giảm "chưa từng có".
EU thiết lập cơ chế hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sau khi bùng phát cuộc xung đột Nga - Ukraine. Lợi thế này đã cho phép Ukraine xuất khẩu 25 triệu tấn lương thực, thực phẩm giá rẻ bằng phương pháp sử dụng “các tuyến đường đoàn kết”.
Một lượng lớn ngũ cốc Ukraine, rẻ hơn rất nhiều so với sản xuất tại EU đã thâm nhập các quốc gia đông và trung Âu, tác động đến giá cả và doanh số bán hàng của nông dân địa phương. Sự suy giảm giá tác động mạnh đến các quốc gia đang trong tình trạng lạm phát và gây tắc nghẽn các hoạt động kinh doanh thông thường.
Trong thư, các thủ tướng kêu gọi thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng bóp méo thị trường do hàng nhập khẩu của Ukraine gây ra, tuyên bố rằng nếu các biện pháp thuế quan không thành công thì cần áp dụng lại hạn ngạch thuế quan.
"Hãy ủng hộ Ukraine, nhưng hãy làm điều đó một cách khôn ngoan và trên hết, hãy đặt lợi ích của đất nước và nông dân Ba Lan lên hàng đầu", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki viết trên Twitter.
Theo Reuters