Tại sao Trung Quốc chỉ điều máy bay vào ADIZ Tây Nam Đài Loan mà không phải khu vực khác?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những pha điều máy bay quân sự của Trung Quốc đại lục phần lớn là đi vào vùng nhận dạng phòng không Tây Nam của Đài Loan, điều này là có lý do.
Trung Quốc liên tục điều máy bay quân sự đi vào vùng nhận dạng phòng không Tây Nam Đài Loan (Ảnh: The Drive)
Trung Quốc liên tục điều máy bay quân sự đi vào vùng nhận dạng phòng không Tây Nam Đài Loan (Ảnh: The Drive)

Các chuyến bay thường xuyên của quân đội Trung Quốc (PLA) hướng tới Đài Loan chủ yếu tập trung vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Tây Nam của hòn đảo này là bởi các cam kết kiểm soát không phận và đặc điểm địa lý của dãy núi trung tâm Đài Loan; theo các nhà quan sát và chuyên gia phân tích.

Trước hết phải nhắc lại về hoạt động điều máy bay quân sự tới Đài Loan của Không quân PLA. Tính từ tháng 1 đến nay, PLA đã triển khai hơn 450 đợt máy bay băng qua eo biển Đài Loan – phần lớn trong số này là nhắm tới ADIZ Tây Nam của hòn đảo tự trị - với 149 chuyến bay chỉ trong 4 ngày của tháng 10, nếu so với 380 chuyến trong khoảng thời gian còn lại.

“Nhưng tại sao máy bay của PLA lại chỉ bay tới khu vực Tây Nam mà không phải những khu vực khác?” – ông Lu Li-shih, cựu giáo quan tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Kaohsiung, nói – “Đó là bởi có một khoảng trống ở Tây Nam, thuộc dãy núi trung tâm Đài Loan, có độ cao ít hơn 3.000 m so với mức nước biển (tức điểm thấp nhất của nó), cho phép hệ thống radar của máy bay PLA soi các căn cứ quân sự của Đài Loan ở Hualien (Hoa Liên) và Taitung (Đài Đông).”

Những ghi chép mà Cơ quan quốc phòng Đài Loan công bố trong suốt vài năm gần đây cho thấy các loại máy bay của đại lục bao gồm KJ-500 được trang bị hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm, chiến đấu cơ J-16, máy bay ném bom H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và nhiều loại khác đã tham gia các chuyến bay kiểu này…Điều này chỉ ra rằng phía Trung Quốc cũng muốn thu thập dữ liệu về địa hình và tầm nhìn bao quát của Đài Loan.

Lực lượng không quân của Đài Loan sở hữu 2 hầm chứa máy bay ngầm ở Hualien và Taitung, nơi mà 400 chiến đấu cơ có thể tránh được một đòn tấn công phủ đầu của PLA, nhờ vào sự che chở của dãy núi kéo dài 500 km, độ cao trung bình hơn 3.000 m; theo giới truyền thông của hòn đảo này.

Bắc Kinh – vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, cần được tái thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết – đã thực hiện các cuộc tuần tra “bao vây đảo” như vậy kể từ cuối năm 2016, khi mà bà Thái Anh Văn đến từ đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) trở thành lãnh đạo của Đài Loan.

Bà Thái khiến Bắc Kinh tức giận khi từ chối công nhận “Đồng thuận 1992”, trong đó chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Ngoài những mục đích chiến lược, PLA cũng đang muốn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các máy bay dân sự bằng việc tập trung vào khu vực Tây Nam Đài Loan, điều máy bay bay sát tới khu vực quần đảo Pratas ở phía Nam hoặc hướng tới Kênh Bashi, tuyến đường biển quan trọng chia tách Đài Loan với Philippines và Thái Bình Dương với Biển Đông.

Nhiều chuyên gia hàng không dân sự và chuyên gia quốc phòng nói rằng việc PLA điều máy bay tới Đài Loan và đường bay của những máy bay này đã được lên kế hoạch rất cẩn thận để tránh gây ảnh hưởng tới các chuyến bay dân sự trong vùng không phận đông đúc ở eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông.

“Trong quá khứ, một khi các chiến đấu cơ PLA cất cánh từ các căn cứ ở Phúc Kiến, tất cả các máy bay dân sự trong tỉnh này sẽ phải tạm ngừng hoạt động trong vòng 4 giờ đồng hồ, gây ra ảnh hưởng lớn tới kinh tế đối với cả chuyến bay nội địa lẫn quốc tế” – Zhou Chenming, nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự Yuan Yang tại Bắc Kinh, nói.

Ông Li Jiaxian, từng là người đứng đầu Cục Hàng không Dân sự Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 rằng quân đội Trung Quốc kiểm soát khoảng 80% không phận, trong khi ở Mỹ chỉ có 20% không phận là được liên bang kiểm soát.

Sự thiếu minh bạch và thông tin liên lạc trong quá khứ, cùng với sự thống trị của giới chức quân đội trong Ủy ban Quản lý Không lưu Trung ương (CATMC) đã đặt đội ngũ kiểm soát không lưu vào khoảng thời gian hết sức hoang mang khi các chuyến bay bị trì hoãn, trong khi ngành công nghiệp hàng không dân sự của Trung Quốc lại đang phát triển nhanh chóng như vậy; theo Qi Qi, Giáo sư đến từ Viện Hàng không Dân sự Quảng Châu.

“Sự không công bằng này đã làm dấy lên nhiều tiếng nói phản đối từ ngành công nghiệp hàng không dân sự, khiến chính phủ trung ương phải mời một số lãnh đạo của các hãng hàng không dân sự tới tham gia CATMC cách đây vài năm” – ông Qi cho hay – “Sau một vài năm đàm phán, PLA và ngành công nghiệp hàng không dân sự đã đạt được một số cam kết về kiểm soát không lưu, đưa ra nhiều biện pháp toàn diện và linh hoạt để tránh xung đột lợi ích.”

Theo ông Zhou, các chiến đấu cơ của PLA giờ không còn bay về phía Bắc của eo biển Đài Loan nữa là để tránh gây ảnh hưởng tới các chuyến bay dân sự. “Đây là một khu vực tập trung đông máy bay trong nước di chuyển giữa Phúc Kiến và Thượng Hải, Hàng Châu và nhiều thành phố ven biển khác”, ông nói.

Máy bay của PLA cũng buộc phải di chuyển hướng về phía Nam, và từ đó hướng về phía Tây để tránh đi vào vùng không phận đông đúc nhất, Hong Kong.

“So sánh với eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, không phận ở Tây Nam Đài Loan đủ lớn để máy bay và chiến hạm của PLA huấn luyện và thực hiện các hoạt động quân sự khác” – ông Zhou nói.

Giáo sư Qi nói rằng, vẫn chưa rõ đội ngũ kiểm soát không phận của ngành công nghiệp hàng không dân sự đã được trao cho vùng không phận lớn như thế nào, nhưng rõ ràng là hiện nay hàng không dân sự ít bị trì hoãn hơn nhiều nếu so với trước kia. “Một trong số những lý do cũng là các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc đã giảm mạnh do đại dịch COVID-19”, ông nói.