Mỹ bi quan về viễn cảnh đàm phán mậu dịch với Trung Quốc

VietTimes -- Theo kế hoạch thì vào hai ngày cuối tháng 1 này, tại Washington sẽ diễn ra vòng đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung thứ 6 – vòng đàm phán được coi là then chốt với sự có mặt của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và các nhân vật đàm phán cấp cao nhất của Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Donald Trump ngày càng bi quan nhận thấy, Bắc Kinh sẽ không đưa vấn đề cải cách cơ cấu kinh tế - vào hiệp định mậu dịch toàn diện như Washington muốn.
Hơn 1 tháng sau cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình, tương lai cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn rất mờ mịt.
Hơn 1 tháng sau cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình, tương lai cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn rất mờ mịt.

The New York Times ngày 22.1 đăng bài của tác giả Alan Rappeport cho biết, Mỹ hiện đang xem xét, đánh giá liệu việc Trung Quốc mua một số lượng lớn hàng hóa Mỹ và tiến hành cải cách kinh tế ở mức rất thấp có đủ để đạt được một hiệp nghị kết thúc cuộc chiến tranh thương mại có tính phá hoại giữa hai nước, giúp dẹp yên thị trường đang nổi sóng hay không?

Bài báo viết, vào 2 ngày 20 và 31.1 tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc gặp gỡ đại biểu đàm phán cao nhất của chính phủ Donald Trump Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Hai bên đang gắng tranh thủ thời gian để đạt được một hiệp nghị vào trước này 2.3.2019 – thời hạn cuối cùng mà hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đã thỏa thuận. Nếu trước ngày đó vẫn không đạt được một hiệp nghị thì ông Trump sẽ gia tăng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

Ông Donald Trump luôn quan tâm đến việc thu hẹp chênh lệch giữa xuất nhập khẩu trong cán cân mậu dịch Mỹ - Trung; nhưng chính phủ của ông cũng gây áp lực với Bắc Kinh, yêu cầu họ cắt giảm trợ cấp cho các công ty quốc doanh, nới lỏng việc cho các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường Trung Quốc và đình chỉ việc cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao bí mật thương mại như đã làm lâu nay.

Cuộc đàm phán Robert Lighthizer - Lưu Hạc theo kế hoạch dự kiến diễn ra vào ngày 30 và 31 tháng 1 tới đây đang trở thành tiêu điểm quan tâm của dư luận
Cuộc đàm phán Robert Lighthizer - Lưu Hạc theo kế hoạch dự kiến diễn ra vào ngày 30 và 31 tháng 1 tới đây đang trở thành tiêu điểm quan tâm của dư luận

 Nhiều năm nay, khi các công ty Mỹ bao gồm các công ty công nghệ và hãng chế tạo xe hơi muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc đang ngày một tăng trưởng đều hô hào sự thay đổi như thế. Nhưng nhiều công ty bắt đầu lo ngại, nếu chính sách bên lề giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này không được giải quyết thì các công ty Mỹ sẽ bị lâm vào tình cảnh tồi tệ hơn. “Tôi rất khó có thể tin rằng chuyện này tới tháng 3 này có thể giải quyết tốt đẹp được; nhất là xem xét tình hình hiện nay của Washington” – ông Charles Freeman,Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Mỹ châu Á (Asia at the U.S. Chamber of Commerce) nói.

Vào cuối tuần trước, ông Trump bày tỏ hy vọng đạt được hiệp nghị, nhưng phủ nhận việc Mỹ sẽ giảm thuế trước khi Trung Quốc thỏa hiệp. “Do trừng phạt, chúng ta đã thu hút được số vốn lớn tới Mỹ” – Hôm 19.1 ông Trump đã nói với các nhà báo, ngoài ra ông rõ ràng muốn trộn lẫn trừng phạt và thuế quan khi nói: “Nếu đạt được hiệp nghị, chúng ta đương nhiên sẽ không trừng phạt nữa”.

Tối 21.1, ông Trump lại viết trên Twitter, bày tỏ Mỹ đang chiếm thế thượng phong trong đàm phán, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại buộc họ phải đẩy nhanh việc đạt được một hiệp nghị mậu dịch với Mỹ. Ông viết: “Do quan hệ mậu dịch với Mỹ căng thẳng và chính sách mới, Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy kinh tế của họ tăng trưởng chậm nhất kẻ từ năm 1990. Giờ đây Trung Quốc hoàn toàn có lý do để đạt được một hiệp nghị thật sự, đừng có chơi các chiêu trò nữa!”.

Mặc dù ông Trump có thái độ lạc quan đối với việc đạt được một hiệp nghị với Trung Quốc, nhưng chính phủ và những người khác ở quốc hội lại thể hiện sự thận trọng. “Đây là quá trình người Trung Quốc đang tiến hành, còn lâu mới hoàn thành được” – người phát ngôn Bộ Tài chính nói và phản bác điều mà Steven Mnuchin đề nghị sẽ điều chỉnh giảm mức thuế quan.

Vào tuần trước, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa bang Iowa Charles E. Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng nghị viện (Senate Finance Committee) nói, ông Robert Lighthizer – người dẫn đầu đoàn đàm phán, cho ông biết “không giành được bất cứ tiến triển gì” trong việc hy vọng Trung Quốc tiến hành cải cách có tính kết cấu.

ông Charles Freeman,Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Mỹ châu Á (Asia at the U.S. Chamber of Commerce) không tin rằng các vấn đề trong quan hệ mậu dịch Mỹ - Trung có thể giải quyết được trước cuối tháng 3 tới
ông Charles Freeman,Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Mỹ châu Á (Asia at the U.S. Chamber of Commerce) không tin rằng các vấn đề trong quan hệ mậu dịch Mỹ - Trung có thể giải quyết được trước cuối tháng 3 tới

 Ông Robert Lighthizer xưa nay được coi là người thuộc phái “diều hâu” trong vấn đề Trung Quốc, luôn nỗ lực để đảm bảo Trung Quốc thực hiện những cam kết của ông Tập Cận Bình trước ông Donald Trump tại Buenos Aires hồi năm ngoái. Robert Lighthizer đã bày tỏ lo ngại trước các đồng sự và phái đoàn đàm phán mậu dịch, nói ông Trump có thể chấp nhận một hiệp nghị có thể giảm bớt nhập siêu trong mậu dịch, nhưng cần nhắc đến cải cách kết cấu một cách tượng trưng để giúp chấm dứt chiến tranh thương mại, làm thị trường chứng khoán sôi nổi trở lại.

Đối với những người coi cuộc đàm phán lần này là cơ hội tốt để tái cân bằng quan hệ mậu dịch giữa Washington và Bắc Kinh, như tới đây nếu Trung Quốc không nhượng bộ toàn diện mà đã điều chỉnh thuế quan thì sẽ không thực hiện được mục tiêu của ông Donald Trump là kết thúc cuộc chiến mậu dịch mà ông luôn coi là không công bằng. Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc của Viện nghiên cứu xí nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute) – người có khuynh hướng bảo thủ, nói: “Ông ấy muốn khoe khoang điều ông ấy giành được chứ không phải sau khi đình chỉ thuế quan thì không có gì đáng khoe khoang”.

Một hiệp nghị đạt được sau khi mặc cả còn có thể khiến ông Trump phải nhận sự phê phán của những người thuộc Đảng Dân chủ - những người trong một số trường hợp không tán thành cách làm cứng rắn gây sức ép mạnh mẽ đối với Trung Quốc như những người Đảng Cộng hòa. Ông Richard Neal, Hạ nghị sỹ Dân chủ bang Massachusett, Chủ tịch Ủy ban Quyên góp Hạ nghị viện (House Ways and Means Committee) nói: “Bất cứ mọi cách làm không nỗ lực đảm bảo giải quyết tận gốc quan hệ thương mại Mỹ - Trung đều là sự phản bội lại kinh tế Mỹ; phản bội công nhân, các ngành nghề, người tiêu dùng và tương lai của những người sáng tạo. Chính phủ Donald Trump cần làm cho xương sống của mình cứng rắn thêm, cứng rắn hơn trong cuộc đàm phán với Trung Quốc”.

Các quan chức chính phủ Donald Trump biện luận, họ luôn tìm cách gây sức ép mạnh hơn về thuế quan với Trung Quốc bất kể trong tình hình có sự phản ứng mạnh mẽ của đối phương hay không. Kinh tế Trung Quốc đã bị chậm lại, một phần là do thuế quan, bất cứ sự mệt mỏi thêm đều có thể gây tổn hại đến sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Mỹ; bản thân kinh tế Mỹ cũng đã bộc lộ dấu hiệu giảm nhiệt.

Điều mà ông Steven Mnuchin đặc biệt hứng thú là, những động thái về mậu dịch của Mỹ đã phát huy tác dụng lớn trong việc khiến kinh tế Trung Quốc yếu đi trong thời gian gần đây. Quan chức chính phủ Donald Trump cũng bàn luận về việc họ có nên tuân thủ kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% sau ngày 2.3.2019, nếu Trung Quốc không thực hiện những cam kết mà ông Tập Cận Bình đưa ra với ông Donald Trump như đẩy nhanh việc thu mua hàng hóa Mỹ và tiến hành cải cách kết cấu nền kinh tế.

Những tiến triển trong 6 tuần tới đây có thể sẽ dẫn đến việc kéo dài thêm thời hạn ngày 2.3; tức là cuối cùng không đạt được hiệp nghị hoặc thực hiện một số miễn giảm về thuế quan để đáp lại điều mà Trung Quốc gọi là những thay đổi bước đầu của họ; nhưng quyết định cuối cùng được quyết định bởi ông Trump.

Ông Michael Pillsbury, cố vấn chính phủ, học giả chuyên nghiên cứu về Trung Quốc của Viện Hudson nói, trong đàm phám mậu dịch có mấy biến số quan trọng không thể biết trước cho thấy khó đạt được một hiệp nghị toàn diện. Ông nói: “Chúng ta còn cách một hiệp nghị khá xa. Còn có rất nhiều điều phải làm; đặc biệt là phải hiểu những biện luận của Trung Quốc và những áp lực mà ông Tập Cận Bình phải chịu đựng”. Nhưng ông Donald Trump cũng đang phải chịu sức ép. Với việc sức ép nhằm được tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, biện pháp và thời gian để ông sử dụng thuế quan tác động đến thị trường cũng không còn nhiều.

Nông dân Mỹ trồng đậu tương là những người bị thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung
Nông dân Mỹ trồng đậu tương là những người bị thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung

Ông Scott Lincicome, luật sư và học giả của Viện nghiên cứu Cato cho rằng: “Những thiệt hại đối với các công ty, người tiêu dùng và các nhà xuất khẩu Mỹ thực sự có thật và đang tiếp tục tồn tại”. Ông cho rằng, nếu cuộc đàm phán kéo dài đến năm 2020 thì nguy cơ sẽ gia tăng thêm. Ông nói: “Nếu bạn là người Trung Quốc thì việc trì hoãn sẽ là người bạn tốt nhất đối với bạn”.

Theo những thông tin mới nhất, có thể vòng đàm phán thứ 6 tại Washington sẽ không diễn ra. Tờ Financial Times ngày 22.1 viết, chính phủ của ông Donald Trump đã từ chối đón 2 Thứ trưởng Trung Quốc sang Mỹ để làm công tác chuẩn bị cho cuộc đàm phán Lưu Hạc – Robert Lighthizer với lý do “không có sự tiến triển về 2 vấn đề quan trọng”. Điều này càng cho thấy Washington và Bắc Kinh khó có thể đạt được một hiệp nghị trước ngày 1.3 tới đây.

Trang tin Đa Chiều cho biết, hai ông Vương Thụ Văn, Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc và Liêu Mân, Thứ trưởng Bộ Tài chính theo kế hoạch sẽ tới Washington và tuần này để làm công tác chuẩn bị cho cuộc đàm phán cấp cao Lưu Hạc – Robert Lighthizer. Nguồn thạo tin tiết lộ, phía Mỹ đã hủy bỏ các cuộc gặp mặt trực tiếp với hai ông này vì hai bên không đạt được tiến triển trong các vấn đề then chốt “cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ” và “Trung Quốc tiến hành cải cách có tính kết cấu”.

Tuy nhiên, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow lại phủ nhận thông tin này, nói không có cuộc gặp gỡ cao cấp nào bị hủy bỏ; rằng, ngoài chuyến đi tới Mỹ của ông Lưu Hạc, không có cuộc gặp nào khác được sắp xếp và nói “hai bên vẫn liên lạc rất tốt”.

Trong khi đó, chiều 23.1, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi trả lời yêu cầu xác nhận của một phóng viên tại cuộc họp báo đã nói: “Hai bên Trung – Mỹ vẫn duy trì liên lạc về vấn đề đàm phán. Không nghe nói có sự thay đổi gì”.

Trước đó, từ ngày 7 đến 9/1, cuộc đàm phán cấp thứ trưởng giữa hai bên về vấn đề mậu dịch đã diễn ra tại Bắc Kinh. Đáng chú ý, theo kế hoạch cuộc đàm phán diễn ra trong 2 ngày, sau đó kéo dài thêm 1 ngày nữa. Hai bên đều nói nó diễn ra tốt đẹp, nhưng sau đó các nhà phân tích cho rằng hai bên vẫn có bất đồng rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề có tính kết cấu.

Một nhân tố khác có thể ảnh hưởng đến cuộc đàm phán Lưu Hạc – Robert Lighthizer là việc Mỹ có thể chính thức yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu CFO của công ty Huawei tới Mỹ trước ngày 30.1. Thông tin này đã được Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton xác nhận hôm 21.1.

Khi trả lời câu hỏi về vấn đề này, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu phía Canada phóng thích ngay nữ sĩ Mạnh Vãn Chu, thiết thực đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bà ấy. Chúng tôi cũng mạnh mẽ yêu cầu phía Mỹ lập tức sửa chữa sai lầm, hủy hỏ lệnh bắt giữ Mạnh Vãn Chu và không chính thức yêu cầu dẫn độ bà”.