Mỹ bán MQ-9 Reaper cho Đài Loan: Bước đi thay đổi cục diện

VietTimes –  Mẫu drone MQ-9 Reaper không mấy khi được xuất khẩu, nhưng Đài Loan muốn có nó – và chính quyền Trump cũng vui vẻ bán; theo tờ National Interest.
MQ-9 Reaper được trang bị tên lửa AIM-9X tại căn cứ không quân Creech ở Nevada, Mỹ (Ảnh: Asia Times)

Do Trung Quốc ngày càng “nhe nanh vuốt” về khả năng tấn công lưỡng cư nhằm vào Đài Loan bằng các chiến dịch chuẩn bị chiến đấu và tập trận ở các vùng biển xung quanh, và Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng đưa ra nhiều phát ngôn về việc “tái đoàn tụ” Đài Loan dựa vào sức mạnh, nên hòn đảo này không có nhiều lựa chọn.

Cũng do vậy mà Bộ Ngoại giao Mỹ gửi thông báo cho Quốc hội về thương vụ bán drone cho Đài Loan, một động thái có thể giúp Đài Loan cải thiện đáng kể khả năng do thám ở các khu vực quan trọng dọc bờ biển Trung Quốc và các vùng biển nằm giữa họ và đại lục.

Với hàng loạt các động thái mà Trung Quốc thực hiện ở ngoài khơi Đài Loan, thông tin này không thể vui hơn đối với chính quyền hòn đảo này.

Thương vụ được đề xuất thực chất là một phần trong sự thay đổi chính sách của Mỹ liên quan tới việc xuất khẩu drone sang các nước đồng minh, tăng về số lượng, mà trong đó mỹ có thể bán nhiều hệ thống không người lái của họ cho các đối tác trên toàn cầu; theo National Interest.

“”Hầu hết các đối tác đều mong muốn có nó. Nó không phải một công cụ chiến lược, mà là một công cụ chiến thuật” – Clark Cooper, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Chính trị - Quốc phòng Mỹ, nói.

Tháng 7/2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cập nhật chính sách của Mỹ về xuất khẩu các hệ thống bay không người lái (UAS); ông Cooper giải thích.

“Sự thay đổi quan trọng này sẽ mang lại lợi ích cho một trong những ngành công nghiệp đổi mới nhất của Mỹ, cho phép Mỹ xuất khẩu UAS sang các đối tác quan trọng, những bên cần có thông tin tình báo, hoạt động theo dõi và tình báo để tăng cường khả năng chống khủng bố và an ninh biên giới” – ông Cooper nói thêm.

Các loại vũ khí mới và sự nâng cấp của MQ-9 Reaper mới đây càng khiến cho các đồng minh của Mỹ như Đài Loan muốn có được mẫu drone này; theo National Interest.

Trong những năm gần đây, Không quân Mỹ đã trang bị thêm nhiều vũ khí cho MQ-9 Reaper, cho phép mẫu drone này tích hợp với công nghệ vũ khí mới, dễ dàng thay thế các loại bom trên drone này.

MQ-9 Reaper hiện sử dụng tên lửa AGM-114 Hellfire, một vũ khí định hướng bằng laser có tên GBU-12 Paveway II, và bom tấn công trực diện phối hợp GBU-38 (JDAM) – một loại bom có định vị GPS cùng hệ thống định hướng nội vi; theo National Interest.

Không quân Mỹ cũng đang làm việc để phát triển MQ-9 Reaper trở thành một chiến đấu cơ đánh trên không bằng cách trang bị thêm cho nó tên lửa đối không AIM-9X.

Không quân Mỹ hiện đang vận hành hơn 100 chiếc MQ-9 Reaper và trong những năm gần đây đã tích cực chỉnh sửa nó, thêm vào các bình xăng phụ để tăng tầm hoạt động của mẫu drone này lên 1.150 dặm. Sự nâng cấp này bao gồm thêm bình xăng 1.350 pound để tăng thời lượng hoạt động của MQ-9 Reaper từ 16 giờ lên hơn 20 giờ đồng hồ.

Tăng thời lượng và phạm vi hoạt động cho MQ-9 Reaper càng khiến Đài Loan khao khát có được mẫu drone này.

Theo tờ The Guardian, giai đoạn đầu tiên của chiến tranh drone được thống trị bởi 4 quốc gia: mỹ, Anh, Pháp và Israel. Mỹ, Pháp và Anh dựa vào các drone Reaper được chế tạo bởi General Atomics – một công ty có trụ sở tại California, sở hữu bởi anh em tỷ phú Neal và Linden Blue. Israel thì tự phát triển mẫu drone riêng.

Pháp đã chính thức triển khai drone Reaper do Mỹ chế tạo được lắp tên lửa định hướng laser trong cuộc chiến chống phiến quân ở vùng Sahel, châu Phi.

Thông số vũ khí của MQ-9 Reaper mà Pháp triển khai ở vùng Sahel, châu Phi (Ảnh: AFP)

Drone cũng nhanh chóng tạo nên làn sóng thứ hai trong vòng 5 năm qua, khi Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ phát triển các chương trình của riêng họ. Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường mạnh việc sử dụng drone để đối phó với đảng ly khai PKK ở nước họ, ở miền Bắc Iraq và gần đây nhất là các nhóm người Kurd ở Syria.

Trung Quốc, trong khi đó, cũng bắt đầu cung ứng mẫu drone Wing Loong và CH cho nhiều nước, trong đó có UAE – nước sử dụng chúng trong hàng loạt vụ tấn công ở Libya – cũng như Ai Cập, Nigeria, Arab Saudi và Iraq; mặc dù không phải nước nào cũng triển khai thực tiễn.

Các nhà phân tích đến từ tổ chức Janes’s ước tính rằng có hơn 80.000 drone do thám và gần 2.000 drone tấn công sẽ được mua trên toàn thế giới trong vòng 10 năm tới.

Nhưng việc vũ khí hóa drone không hề rẻ: Giới chuyên gia nói rằng giá khởi điểm cho cộng nghệ này là khoảng 15 triệu USD cho mỗi đơn vị, và còn tăng nếu lắp đặt thêm vũ khí, đó là chưa kể chi phí huấn luyện đội ngũ điều khiển.

Orion, mẫu UAV của Nga, mới đây được cho là đã phóng nhiều tên lửa định hướng lần đầu tiên, đánh dấu một bước tiến đáng kể của nước này trong việc triển khai mẫu drone vũ trang vận hành toàn diện; theo The War Zone. Ngoài tên lửa, mẫu drone này được cho là đã thử nghiệm thành công các loại bom định hướng.