Muốn trì hoãn tiến trình dẫn độ, bà Mạnh Vãn Chu kiện chính phủ Canada và Mỹ

VietTimes -- Hôm 1.3, sau khi Bộ Tư pháp Canada tuyên bố chấp thuận xúc tiến quy trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ chịu xét xử theo yêu cầu của phía Mỹ, ngay cùng ngày, bà Chu đã kiện chính phủ Liên bang Canada, Cục quản lý biên giới Canada và Cảnh sát kỵ binh hoàng gia Canada ra tòa với cáo buộc họ đã vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của bà theo quy định của Hiến pháp nước này khi thực hiện việc bắt giữ bà tại sân bay quốc tế Vancouver hôm 1.12.2018 .
Việc bà Mạnh Vãn Chu khởi kiện chính phủ Canada và Mỹ được coi là sách lược nhằm trì hoãn tiến trình dẫn độ.
Việc bà Mạnh Vãn Chu khởi kiện chính phủ Canada và Mỹ được coi là sách lược nhằm trì hoãn tiến trình dẫn độ.

Trong một bản tuyên bố, văn phòng luật sư Gudmundseth Mickelson LLP đại diện cho bà Mạnh Vãn Chu cho biết : họ đã gửi một bàn thông báo đòi bồi thường dân sự tới tòa án bang cực Tây British Columbia. Văn bản thực chất là đơn kiện này cáo buộc các quan chức chính phủ Canada đã xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi được quy định theo hiến pháp của bà; rằng các quan chức Cục quản lý biên giới núp dưới chiêu bài kiểm tra biên giới định kỳ để khám người trái phép trước khi bắt giữ, giam giữ, xét hỏi và tìm chứng cứ, xâm phạm phi pháp quyền lợi hợp pháp của bà; đồng thời yêu cầu phải bồi thường cho bà do “các hành vi không thỏa đáng của các nhân viên công vụ và giam cầm trái phép”.

Cũng theo nội dung của đơn kiện, bà Mạnh bị yêu cầu phải giao nộp toàn bộ các thiết bị điện tử, máy tính và mật khẩu, rồi sau đó các nhân viên của Cục quản lý biên giới Canada tiến hành mở và xem bất hợp pháp các nội dung trên các thiết bị của bà - một việc làm mà các luật sư của bà Mạnh cho là vi phạm quyền riêng tư.

Bà Mạnh Vãn Chu đã khởi kiện chính phủ Canada và sẽ khởi kiện chính phủ Mỹ ra tòa.
Bà Mạnh Vãn Chu đã khởi kiện chính phủ Canada và sẽ khởi kiện chính phủ Mỹ ra tòa.

Ngày 1.12.2018, bà Mạnh Vãn Chu trong khi quá cảnh Canada đã bị bắt giữ. Cơ quan công tố Mỹ cáo buộc bà và công ty Huawei lừa đảo một số ngân hàng, bao gồm HSBC và Standard Chartered, vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Vụ án của bà đã gây nên tranh chấp ngoại giao  giữa Trung Quốc và Canada.

Những cáo buộc của bà Mạnh Vãn Chu chưa được chứng thực trước tòa. Chính phủ Canada, Cục quản lý biên giới (Canada Border Services Agency, CBSA) và Cảnh sát kỵ binh hoàng gia Canada (Royal Canadian Mounted Police, RCMP) hiện chưa có tuyên bố gì đáp lại.

Ngoài ra, nguồn tin của Reuters cho biết ngày 7.3 tới đây, công ty Huawei cũng sẽ ra tuyên bố khởi kiện chính phủ Mỹ tại một tòa án ở bang Texas vì đã vi phạm Đạo luật ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ (National Defense Authorization Act, NDAA), được ban hành năm ngoái.

Đạo luật NDAA kiểm soát các hợp đồng của chính phủ Mỹ với các công ty Trung Quốc bao gồm cả công ty Huawei và tăng cường vai trò của Ủy ban xét duyệt các đề xuất đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Bắc Kinh đã mạnh mẽ lên án Đạo luật NDAA là nhắm vào Trung Quốc.

Vụ kiện được cho là một trong các hoạt động đáp trả của Huawei sau khi Washington tìm cách thuyết phục các đồng minh không giao thương với tập đoàn này với các cáo buộc về Huawei tham gia hoạt động gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.

Thông tin về việc bà Mạnh Vãn Chu khởi kiện chính phủ Canada được đăng tải trên báo chí Canada
Thông tin về việc bà Mạnh Vãn Chu khởi kiện chính phủ Canada được đăng tải trên báo chí Canada

Thông tin về việc vụ kiện của Huawei đối với chính phủ Mỹ được tờ New York Times đăng tải đầu tiên. Huawei đã từ chối bình luận về thông tin này, nhưng đã mời phóng viên của Reuters và một số hãng tin quốc tế khác tới một buổi họp báo tại trụ sở của mình ở Trung Quốc vào ngày 7.3.

Đối với sự kiện Mạnh Vãn Chu, phía Canada cho rằng: Canada là quốc gia pháp trị, quyết định bắt giữ bà Chu là do Bộ Tư pháp đưa ra, không liên quan đến chính trị đảng phái. Hôm 1.3, Bộ trưởng Tư pháp Canada đã quyết định ký lệnh cho phép thẩm quyền tiến hành thực thi (Authority to Proceed), chính thức khởi sự tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ. Ngày 6.3 tới đây, tòa án tối cao bang British Columbia Canada sẽ mở phiên tòa xác định lịch trình tiến hành điều trần dẫn độ.

Giáo sư Joanna Harrington ở Học viện Luật, Đại học Alberta nói giai đoạn điều trần dẫn độ có thể kéo dài vài tháng. Giữa Mỹ và Canada đã có quan hệ dẫn độ từ lâu. Do hai nước gần nhau về địa lý nên nhiều yêu cầu dẫn độ của Mỹ đã được gửi tới Canada. Hai nước có văn hóa luật pháp giống nhau và chế độ pháp luật tương đồng nên có sự tín nhiệm lẫn nhau cao. Joanna Harrington phân tích, căn cứ các vụ án trước đây, có thể dự đoán Canada sẽ chấp thuận dẫn độ Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, Joanna Harrington cũng cho rằng, các luật sư của bà Mạnh Vãn Chu có thể sẽ sử dụng quan điểm cho rằng bà Mạnh bị “bức hại chính trị” để phản bác những cáo buộc, nhưng chỉ phát huy tác dụng trong giai đoạn Bộ trưởng Tư pháp Canada thẩm định có hay không ký lệnh dẫn độ.

Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada phản đối việc Bộ Tư pháp Canada chấp thuận khởi sự tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ.
Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada phản đối việc Bộ Tư pháp Canada chấp thuận khởi sự tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ.

Ngày 1.3, tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, người phát ngôn của bộ này bày tỏ, Trung Quốc cực kỳ bất bình và kiên quyết phản đối phía Canada cố ý xúc tiến cái gọi là trình tự tư pháp dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Chu. Đây là một sự kiện chính trị, phía Trung Quốc đã nghiêm khắc giao thiệp. Ông nói: “Lập trường của Trung Quốc trong sự kiện Mạnh Vãn Chu là rất rõ ràng và kiên định”. Ông Lục Khảng còn nói: “Hai nước Mỹ và Canada đã lạm dụng hiệp ước dẫn độ giữa hai bên, áp dụng biện pháp cưỡng chế công dân Trung Quốc là sự xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc. Chúng tôi một lần nữa yêu cầu phía Mỹ lập tức hủy bỏ lệnh bắt giữ và yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu. Yêu cầu phía Canada lập tức thả Mạnh Vãn Chu để bà trở về Trung Quốc bình an.

Ngày 2.3, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã lên tiếng về việc Bộ Tư pháp Canada ký lệnh cho phép thẩm quyền tiến hành, chính thức khởi sự tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu với nội dung: “Trung Quốc cực kỳ bất bình và kiên quyết phản đối Bộ Tư pháp Canada ký lệnh cho phép thẩm quyền tiến hành dẫn độ đối với vụ án Mạnh Vãn Chu. Vụ án Mạnh Vãn Chu không phải là vụ án tư pháp đơn giản, mà là vụ bức hại chính trị đối với một công ty công nghệ cao của Trung Quốc; sự phát triển về sau của vụ việc đã chứng minh rõ điều này. Mặc dù phía Canada luôn rêu rao “nguyên tắc pháp trị”, “tư pháp độc lập”, nhưng không thể che đậy được sai lầm mà họ phạm phải trong vụ án Mạnh Vãn Chu.

Xét từ tình hình can dự chính trị thể hiện rất rõ trong sự kiện này, nếu phía Canada thực sự tuân thủ nguyên tắc pháp trị, tư pháp độc lập, thì cần căn cứ các điều khoản có liên quan trong luật dẫn độ của Canada, từ chối yêu cầu dẫn độ của phía Mỹ, lập tức thả ngay nữ sĩ Mạnh Vãn Chu. Kết quả thẩm định cuối cùng là hòn đá thử vàng đối với việc Canada có kiên trì tư pháp độc lập hay không? Chúng tôi sẽ chờ đợi xem điều gì xảy ra”.

Theo ông Charles Buton, cựu quan chức ngoại giao Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh: hành động khởi sự tiến trình dẫn độ bà Mạnh của Canada rất có thể dẫn đến những hành động trả thù mới của phía Trung Quốc
Theo ông Charles Buton, cựu quan chức ngoại giao Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh: hành động khởi sự tiến trình dẫn độ bà Mạnh của Canada rất có thể dẫn đến những hành động trả thù mới của phía Trung Quốc

Công ty Huawei ngày 2.3 đã đưa ra tuyên bố của luật sư của công ty, nói: “Cáo buộc của Mỹ xuất phát từ động cơ chính trị; trong tình hình đó, Bộ Tư pháp Canada vẫn quyết định ký lệnh Thẩm quyền tiến hành khiến công ty Huawei rất thất vọng. Nữ sĩ Mạnh Vãn Chu không có bất cứ hành vi gì không chính đáng, Mỹ khởi tố và yêu cầu dẫn độ bà là sự lạm dụng trình tự pháp luật. Mong quyền lợi hợp pháp của Mạnh nữ sĩ được bảo hộ trong giai đoạn tư pháp suốt quá trình dẫn độ”.

Ông Charles Buton, cựu quan chức ngoại giao Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh, hiện là Giáo sư Đại học Brock ở St. Catharines, Ontario, Canada nói: hành động này của Canada rất có thể dẫn đến những hành động trả thù mới của phía Trung Quốc, như cấm các các lưu học sinh Trung Quốc sang Canada du học hoặc tăng thuế đánh vào hàng hóa Canada nhập vào Trung Quốc.

Ông Ari Goldkind, Luật sư hình sự kiêm bình luận viên về luật pháp ở Toronto hôm 3.3 phát biểu trên tờ The Globe and Mail, cho rằng các vụ kiện này có thể là sách lược của các luật sư của Mạnh Vãn Chu nhằm trì hoãn tiến trình dẫn độ. Ông nói: “Tôi cho rằng, ý của phía bà Mạnh không phải nhằm thắng kiện, mà là muốn trì hoãn cuộc điều trình dẫn độ và kết quả điều trần không thể tránh khỏi”.

Cựu Đại sứ Canada tại Bắc Kinh David Mulroney hoài nghi về tính hợp pháp của việc bà Mạnh Vãn Chu khởi kiện chính phủ Canada.
Cựu Đại sứ Canada tại Bắc Kinh David Mulroney hoài nghi về tính hợp pháp của việc bà Mạnh Vãn Chu khởi kiện chính phủ Canada.

Còn ông David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc hôm 3.3 đã viết trên trang Twitter cá nhân: “Chúng ta thử hỏi ông Đại sứ Trung Quốc tại Canada xem các ông Michael Spavor và Michael Kovrig (hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt để trả đũa vụ bà Mạnh Vãn Chu bị bắt) liệu có được tự do khởi kiện những người Trung Quốc đã bắt giữ họ hay không?”.