Mùa xuân mới cơ hội mới cho trường đào tạo IT tài năng

VietTimes - Hội đồng điều hành INTEK cho rằng dù cô độc và đầy rẫy thách thức, họ luôn tin vào giá trị và ý nghĩa mà công cuộc đào tạo mang tới cho giới trẻ Việt. Mùa xuân Canh Tý 2020 mở ra những cơ hội mới cho ngôi trường đào tạo IT tài năng này.
Môi trường học tập ở INTEK­­­ (Ảnh: INTEK)
Môi trường học tập ở INTEK­­­ (Ảnh: INTEK)

Sứ mệnh và khác biệt của INTEK

Nằm trong khu công nghiệp Vitek (Quận Bình Thạnh, TP.HCM), khu vực đào tạo của trường đào tạo IT tài năng INTEK được xây dựng theo kiểu một hệ sinh thái mở chứ không phải một ngôi trường cổ điển. Các tiêu chuẩn rất khắt khe của INTEK thừa hưởng từ mô hình hệ thống giáo dục Eco42 của Pháp và đã được kiểm nghiệm và chứng nhận bởi các CEO trong thung lũng Silicon với mô hình Eco42 tại đây.

Đi theo ý tưởng đào tạo “From Zero to IT Hero”, đã tốt nghiệp hệ đào tạo của INTEK là buộc phải có tâm thế làm việc, sẵn sàng cho sự nghiệp tương lai, không cần trải qua thời gian để làm quen với doanh nghiệp, chứ đừng nói còn phải đào tạo lại như vô vàn sinh viên mới ra trường mỗi năm.

Mô hình “Innovation Factory” ở INTEK hoàn toàn không có thầy cô – chỉ có mentor; không có lớp học – mà là mô hình mở của một start-up zone, không phân biệt lớp trên lớp dưới, người giỏi và người dở… nhằm  xây dựng một sân chơi hệt như thế giới phẳng của thế giới CNTT, nơi các công ty toàn cầu mà các em sẽ tới làm việc sau khi tốt nghiệp.

“Người dẫn đường” - Mentor của INTEK là các CTO, CIO có bề dày kinh nghiệm trong ngành CNTT đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên INTEK. Sinh viên mỗi ngày đến INTEK làm việc với tinh thần tự giác, tự chủ trong khoảng thời gian 8 tiếng, khung thời gian “mở”, từ 6h sáng tới 12 giờ đêm. Có dự án solo, có dự án teamwork, phải quản trị thời gian thật tốt, và dù là công việc liên quan đến máy tính nhưng vẫn phải giải quyết những vấn đề của con người.

Lớp trẻ rất nhanh chóng cảm nhận giá trị của INTEK mang lại là họ được đối xử như những kỹ sư CNTT tập sự với 100% giáo trình giáo án là các dự án thực tế chứ không phải dạy và học như những sinh viên cắp sách đến trường.

Không gian học tập, làm việc trong các dự án của sinh viên INTEK
Không gian học tập, làm việc trong các dự án của sinh viên INTEK 


Thay vì coi sinh viên như những “em bé” mà có thể là “mãi không lớn” như ở nhiều môi trường đào tạo khác, giáo viên thường nói với sinh viên INTEK là sau này ra trường đi làm sẽ phải đối diện với những áp lực nào, cần bổ sung kỹ năng gì, nên các bạn trẻ rất sẵn lòng đối diện với khó khăn và tự vượt qua. Không có sự sàng lọc nào tốt hơn thực tế và xã hội.

Người ta thường hình dung kỹ sư CNTT  là khô cứng, ít nói, ngồi gù lưng im lặng cả ngày với máy tính và những dòng code khô cứng nhưng ở INTEK tất cả các em đều hoạt bát, nhiều tài lẻ, giỏi ăn nói, giao tiếp tiếng Anh hoàn toàn tự tin, thông thạo kỹ năng mềm.

“Mỗi tháng, chúng tôi đều làm việc với các đối tác mà sinh viên của INTEK tới thực tập, xem các bạn đến làm việc thế nào, tác phong ra sao, chứ không phải chỉ nhận về kết quả thực tập trên giấy. Phía doanh nghiệp cũng phải cam kết không sử dụng sinh viên của INTEK theo kiểu “gặt lúa non”, phải có chế độ trả lương tối thiểu cho sinh viên INTEK tới thực tập, chấm điểm theo tiêu chuẩn của INTEK đưa ra chứ không phải muốn chấm thế nào thì chấm” – Đại diện Hội đồng điều hành INTEK chia sẻ.

Một thế hệ trẻ tự tin chịu trách nhiệm

Đại diện của Trường cho biết chi tiết: “Ở INTEK, điểm thực tập chiếm 40%, điểm thực hành tại INTEK 60%. Trong bảng điểm của INTEK thì có 60% giành cho kiến thức (phần cứng), 40% dành cho các môn kỹ năng mềm, chẳng hạn như các kỹ thuật marketing – branding cá nhân, tương tác xã hội, kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh, làm việc nhóm…  Sinh viên học trước luôn có tinh thần hỗ trợ dẫn dắt, coaching cho các bạn INTEKer đến sau.  Bởi vì kiến thức đã nhận được, nếu bạn có thể dạy nó cho người khác thì nó mới chắc chắn là của mình. Nói chung, thị trường thế giới có gì, INTEK sẽ du nhập để đào tạo sinh viên nhưng đó chỉ là công cụ, vấn đề quan trọng nhất vẫn là giữa con người với nhau”.

Jennie Hoàng Phương – Giám đốc Marketing và Tuyển sinh của INTEK
Jennie Hoàng Phương – Giám đốc Marketing và Tuyển sinh của INTEK


Mặc dù không phải tấm bằng tốt nghiệp theo kiểu “truyền thống” nhưng theo hết hệ thống đào tạo ở INTEK thì các kỹ sư CNTT sẽ có đầy đủ các chứng nhận quốc tế, có hệ thống lưu trữ để các công ty tuyển dụng có thể nhìn ra hết hệ thống viết code của sinh viên đó ngay từ đầu và quá trình phát triển tại INTEK, các chứng chỉ về kỹ năng mềm, tiếng Anh 7.5 IELTS, bằng chứng nhận quản lý dự án IT - PSM Level 1…

“Đến với INTEK, sinh viên không chỉ được trao sự tự tin của kiến thức, các em sẽ hiểu con đường này là của mình và do chính mình, nên mỗi khi gặp khó, chính các sinh viên sẽ tìm giải pháp chứ không ngồi đợi INTEK dẫn họ đi. Các bạn trẻ sẽ rèn được thói quen chịu trách nhiệm cho quyết định của mình, điều thực sự thiếu trong xã hội ta bây giờ” – Đại diện hội đồng điều hành INTEK phân tích.

Jennie Hoàng Phương - Giám đốc Marketing và Tuyển sinh của INTEK - cho biết: “Tôi là một trong 9 người được nhận vào Intel Việt Nam lúc tập đoàn này mới đến VN. Đi qua tất cả các cú sốc, trong đầu tôi vẫn còn nguyên những ấn tượng về một môi trường văn hóa đa quốc gia y như mới xảy ra ngày hôm qua, lúc ngôi nhà Intel đón tôi vào làm. Mô hình đào tạo của INTEK hiện tại với thị trường Việt mới quá nên những khó khăn gặp phải y như bài học của Intel ngày xưa. Và bây giờ, tôi quay trở lại làm việc cùng Intel với tư cách đối tác, là người đóng góp với hội đồng điều hành đưa ra chiến lược cho INTEK, tôi muốn mang đến cho người trẻ Việt Nam tất cả những phương pháp giáo dục đa quốc gia và mới mẻ, ưu tú đó. Năm mới 2020 đang mở ra thêm những cơ hội mới cho sinh viên INTEK. Sẽ có thêm những chương trình hợp tác với Google và nhiều đối tác khác nữa”.