Thông tin nêu trên được TS. Phạm Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CNTT-TT, trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản” được Trung tâm đào tạo VITEC - Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Cục phát triển CNTT Nhật Bản (IPA) tổ chức mới đây.
TS. Phạm Huy Hoàng cho biết, chương trình đào tạo HEDSPI được bắt đầu triển khai tại ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 2006, xuất phát từ nhu cầu nhân lực phục vụ làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp CNTT Nhật Bản. Nhiệm vụ của HEDSPI là dựa trên nền tảng của một trường kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, xây dựng chương trình đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ thị trường CNTT Nhật Bản.
Sau 5 năm đầu vận hành dựa trên một dự án hợp tác ODA giữa hai chính phủ Việt Nam - Nhật Bản, từ năm 2011, khi kết thúc thời gian hỗ trợ của tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, chương trình HEDSPI được vận hành như một chương trình đào tạo kỹ sư chính quy chất lượng cao của Viện CNTT-TT, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với tên gọi chương trình CNTT Việt Nhật.
Đến thời điểm năm học 2016 - 2017, các kỹ sư tốt nghiệp chương trình CNTT Việt Nhật đã được biết đến rộng rãi và được đón nhận tại thị trường Nhật. Hàng năm, có khoảng 30 lượt công ty CNTT Nhật sang tuyển dụng trực tiếp các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và làm các thủ tục để sang Nhật làm việc ngay sau khi nhận bằng. “Việc duy trì được các đối tác “tuần hoàn” này khẳng định chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp chương trình CNTT Việt Nhật của trường đã chinh phục được tính khắt khe của thị trường Nhật, tạo được mối tin cậy và nhận được kế hoạch sử dụng lâu dài”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo CNTT định hướng thị trường Nhật Bản trong 10 năm qua, đại diện lãnh đạo Viện CNTT-TT cho biết, chương trình đào tạo CNTT Việt Nhật được được xây dựng với thời lượng 173 tín chỉ, trong đó có 27 tín chỉ tiếng Nhật bắt buộc và 6 tín chỉ tiếng Nhật chuyên ngành bắt buộc.
Như vậy, thời lượng các môn tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành chiếm khoảng 20% tổng thời lượng chương trình đào tạo. Nếu so sánh với các môn học CNTT (cơ sở, cốt lõi ngành và chuyển ngành, không kể đồ án tốt nghiệp) là 55 tín chỉ thì thời lượng tiếng Nhật/CNTT là 33/55, tức là sinh viên học 5 tín chỉ CNTT thì phải học 3 tín chỉ tiếng Nhật hoặc tiếng Nhật chuyên ngành.
“So sánh với một chương trình kỹ sư CNTT đại trà tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên chương trình CNTT Việt Nhật cần đầu tư thời gian học nhiều hơn khoảng từ 150 - 170%. Đảm bảo thời lượng học tập nhiều chỉ là điều kiện cần, sinh viên tốt nghiệp chương trình này muốn được tuyển dụng sang Nhật làm việc ngay thì phải đạt trình độ tiếng Nhật N2 (trình độ thấp nhất là N5 và cao nhất là N1). Có thể hình dung, một sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật tại ĐH Quốc gia Hà Nội, sau 4 năm học, khi ra trường cũng đạt mức độ tiếng Nhật N2”, ông Phạm Huy Hoàng chia sẻ.
Vị Phó Viện trưởng Viện CNTT-TT, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết thêm, với đội ngũ giảng viên có chuyên môn giỏi, Viện đã đảm nhiệm tốt công tác vận hành và giảng dạy các môn CNTT sau khi kết thúc sự hỗ trợ của tổ chức JICA. Còn với các môn tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành, do xác định đây là cấu phần không kém phần quan trọng so với các môn CNTT để đạt được mục tiêu đã đề ra, Viện đã hợp tác với các doanh nghiệp để đảm bảo luôn có 2 giáo viên người Nhật tham gia giảng dạy tại trường trình. “Đây là yếu tố để Viện đảm bảo chất lượng tiếng Nhật của các sinh viên”, ông Hoàng nói.
Từ kinh nghiệm 10 năm triển khai chương trình CNTT Việt Nhật, theo chia sẻ của ông Phạm Huy Hoàng, chuẩn ITSS (chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản - PV) là một chuẩn tham chiếu đầy đủ và chi tiết: các nội dung kiến thức chuyên môn cho từng cấp độ cũng như từng lĩnh vực chuyên môn được liệt kê vào mô tả tỉ mỉ; nội dung các khối kiến thức này có thể được tham khảo khi xây dựng chương trình đào tạo và thiết kế các môn học có định hướng (một phần hoặc đầy đủ) theo chuẩn ITSS.
Bên cạnh đó, dù nhận định việc xây dựng và vận hành chương trình đào tạo tiếng Nhật, đặc biệt là tiếng Nhật chuyên ngành đòi hỏi kinh phí khá lớn, nhưng ông Phạm Huy Hoàng vẫn cho rằng để đảm bảo duy trì chất lượng đào tạo tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành, yếu tố giảng viên người Nhật là không thể thiếu.
Đáng chú ý, kinh nghiệm của đại diện lãnh đạo Viện CNTT-TT của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chỉ ra rằng cần duy trì quyết tâm của sinh viên học tiếng Nhật “Vốn dĩ tiếng Nhật không giống tiếng Anh có thể cảm nhận được và giao tiếp được sau 6 tháng học; học tiếng Nhật sau 2 năm có khi sinh viên vẫn chưa đạt được mức độ giao tiếp cơ bản. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên cảm thấy nản chí và chấp nhận mức độ tiếng Nhật thấp hơn N2, đồng nghĩa với việc không thể sang Nhật làm việc sau khi ra trường”, ông Hoàng cho biết.
Theo ICT News