Mua ô tô cũ, làm thế nào để biết xe đã bị ngập nước?

Đối với người tìm mua ô tô cũ, điều cần chú ý nhất là làm sao để tránh mua phải những chiếc xe đã từng bị ngập nước.
Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ và hệ thống điện của xe

Xe ngập nước dù đẹp tới đâu cũng mất rất nhiều giá trị

Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm xe chết máy đột ngột. Trong trường hợp này, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ khiến các piston không thể di chuyển dọc xy lanh nhưng vẫn chịu lực đẩy của trục cam làm cong cần piston, các te và ổ đỡ trục khuỷu bị hư hỏng; nặng hơn khi tay biên cong quá sẽ bị gãy, đoạn gãy này sẽ chọc thủng thành động cơ...

Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ - trái tim của xe. Chi phí sửa chữa trong trường hợp bị thủy kích thường rất lớn, ít cũng vài chục triệu đồng khi chỉ phải thay tay biên, nhiều có thể lên tới vài trăm triệu đồng nếu chẳng may phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện.

Khi bị ngập nước, hệ thống điện trong xe có thể bị chập cháy, gỉ sét

Sau động cơ, hệ thống điện là thành phần tiếp theo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi bị ngâm nước hệ thống điện có thể bị chập cháy, gỉ sét các mối nối hay ảnh hưởng tới tín hiệu, các nút hay bộ điều khiển những trang bị như đèn, hệ thống giải trí, ghế chỉnh điện, loa… Thông thường, khi bị ngập hệ thống điện thì buộc phải thay thế hết các dây dẫn lẫn bộ phận quan trọng để tránh những trường hợp đáng tiếc như chập cháy sau này. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chưa thực sự triệt để.

Bên cạnh đó, các chi tiết mềm của xe như tấm lót, đệm ghế ngồi cũng là những thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nó hút và giữ nước rất mạnh. Để khắc phục phải tháo rời toàn bộ sấy khô thật kỹ tuy nhiên độ bền sau đó sẽ không còn được như trước chưa kể nếu ngâm nước quá lâu thường phải thay mới.

Những xe bị ngập nước thường được các gara mua với giá rất rẻ. Xe mua về được thợ xe tháo hết các bộ phận ra để tút tát lại nhằm xóa dấu vết xe đã từng bị ngập nước rồi mới trưng bày để bán.

Ngửi mùi trong xe và nhìn vào thảm sàn để nhận biết xe đã từng bị thủy kích hay chưa

Dấu hiệu để nhận biết xe đã từng bị thủy kích

  - Quan sát toàn bộ ốc, bu-lông bắt máy: Để xem máy đã bị tháo mang ra ngoài để sủa chữa hay chưa, bạn có thể quan sát toàn bộ ốc và bu lông bắt máy. Nếu ốc mà sáng loáng, xước hoặc có hiện tượng bị tháo ra xong vặn vào thì có thể nghi vấn và có thể hỏi chủ xe ngay. Thường thì xe bị thủy kích phải dỡ toàn bộ máy ra ngoài để làm. Để ý tiếp toàn bộ ốc trên máy, các jack cắm, các đường ống dẫn nhiên liệu, nước làm mát, dây điện xem đã bị tháo ra chưa vì khi lắp vào bao giờ cũng sẽ vẫn còn vết dầu mỡ trên đó, hoặc thợ đã lau chùi thật cẩn thận nhưng vẫn còn vết tích trên đó.

  - Chú ý nấm mốc thảm sàn: Một chiếc xe đã từng bị ngập sẽ luôn bị dính theo nước vào trong xe theo các kẽ hở và đương nhiên, thảm sàn sẽ là nơi dính nhiều nước nhất. Vì khi bị ngập, nước sẽ ngấm vào trong xe khá lâu nên việc hong khô sẽ mất khá nhiều thời gian và gây nên nấm mốc.

Hãy bỏ ra một chút thời gian để ngửi mùi trong xe và nhìn vào thảm sàn cũng như phần đệm ghế và các vùng xung quanh đó. Nhấc các tấm thảm lên để kiểm tra xem phía dưới có bị bẩn hay có cát đọng lại không. Quan sát bất kỳ bề mặt bằng vải nào (gồm các miếng ốp cửa trong xe, nệm và dây đai an toàn) và kiểm tra các vết bẩn và các hình đáng ngờ bị in lại trên đó.

Người bán cũng có thể sẽ che lấp mùi hôi đó bằng cách dùng nước hoa hoặc chất khử mùi

  - Chú ý ngửi kỹ các mùi bất thường: Đôi khi các xe bị ngập nước có thể không bị phát hiện nhờ vào việc người đánh lừa rằng xe chưa phải gọi cứu hộ lần nào. Chiếc xe đó trông có thể còn nguyên bản và không đáng ngờ nhưng hãy ngửi qua nội thất chiếc xe một chút và bạn sẽ thấy mùi bất thường xuất hiện. Mùi đó không hẳn quá đậm nhưng nó sẽ không tự nhiên và có vẻ hơi hôi.

Người bán cũng có thể sẽ che lấp mùi hôi đó bằng cách dùng nước hoa hoặc chất khử mùi đậm, đó là tín hiệu cho thấy bạn cần tránh mua chiếc xe đó ngay. Một mẹo khác là hãy đi cùng với một người bạn hoặc đồng nghiệp có khả năng nhận biết mùi tốt.

  - Bộ phận kiểm tra tiếp theo là dây đai an toàn của xe: Nếu thấy phần cuối dây an toàn bị mốc, ố màu, có màu khác lạ so với phần còn lại hoặc có ngấn thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước.

  - Kiểm tra ngoại thất của xe, đặc biệt là chú ý tới bộ phận cụm đèn pha của xe: Đây là nơi khó xóa dấu vết nhất của chiếc xe đã từng bị ngập nước. Trong trường hợp thấy đèn có dấu hiệu bị cậy ra để lau chùi, hoặc mờ thì chứng tỏ nó đã bị vào nước. Một trong những bộ phận khác, chi tiết khác của xe cũng nói lên tất cả. Kiểm tra ở cốp xe, các con ốc vít ở những vị trí kín. Nếu thấy có dấu hiệu han rỉ thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước. Sờ thử và lật thảm trải sàn lên xem có bùn không.

  - Bước sau cùng cần đề nghị chạy thử xe: Nhằm cảm nhận đầy đủ và có thể nhận ra những vấn đề phát sinh khi xe vận hành. Bạn nên khởi động nguội động cơ, nhờ người khác xem có khói từ ống xả hay không, nghe âm thanh từ tiếng nổ của động cơ có gì bất thường hay không. Nên tăng tốc và cảm nhận về những yếu tố quan trọng như chân ga, hệ thống phanh, hệ thống lái, sự ổn định của thân xe khi vào cua tốc độ cao. Bên cạnh đó cũng không nên bỏ qua việc theo dõi mức tiêu hao nhiên liệu của xe..

Theo Báo Giao thông

Theo https://xe.baogiaothong.vn/mua-o-to-cu-lam-the-nao-de-biet-xe-da-bi-ngap-nuoc-d464815.html