'Mùa đông crypto' kéo dài, Bitcoin về đâu năm 2023?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Sự trượt giảm của các đồng tiền mã hóa và các vụ phá sản đã gây ra hỗn loạn trong ngành công nghiệp này. Liệu tất điều đó có kéo dài đến hết năm 2023 và “mùa Đông crypto” đến bao giờ mới kết thúc (?).
"Mùa Đông crypto" được dự báo sẽ còn kéo dài (Ảnh: Forbes)

"Mùa Đông crypto" được dự báo sẽ còn kéo dài (Ảnh: Forbes)

“Mùa Đông crypto” kéo dài

Thị trường chứng khoán trải qua năm 2022 ảm đạm nhưng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác cũng chẳng khá hơn. Tính đến đầu tháng 12/2022, Bitcoin đã mất 64% giá trị trong năm nay và Ethereum mất 66%. Đa số các loại tiền mã hóa còn lại giảm trên 90%.

Nếu nhìn vào giai đoạn mà lạm phát còn thấp và Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức 0, thì tình hình hiện tại đã khác một trời một vực. Trong tháng 1/2022, ethereum có giá trên 3.800 USD và Bitcoin là gần 49.000 USD – và cuộc chiến chống lạm phát của Fed được cho là nguyên nhân chính khiến cho cả 2 đồng tiền mã hóa hàng đầu này trượt giá ghê gớm đến như vậy.

Sự trượt giảm của các đồng tiền mã hóa cũng kéo theo các vụ phá sản và hỗn loạn trong ngành công nghiệp này. Liệu tất cả sự hỗn loạn đó có kéo dài đến hết năm 2023 và “mùa Đông crypto” đến bao giờ mới kết thúc (?).

Tiền mã hóa cũng không thoát khỏi chu kỳ tăng giảm vốn có của nhiều loại tài sản. Nếu nhìn vào lịch sử giá của Bitcoin, chúng ta có thể thấy rõ điều này: Năm 2018, sau một đợt tăng giá kỷ lục lên 20.000 USD, giá Bitcoin giảm 84% xuống còn 3.000 USD. Tháng 11/2020, giá Bitcoin tăng trở lại lên gần 17.000 USD, sau đó tiếp tục tăng. Tháng 5/2021, Bitcoin giảm 50%, sau đó tăng lên mức cao kỷ lục là 69.000 USD vào cuối năm.

Nhiều chuyên gia tin rằng đợt giảm hiện nay là khác biệt, do viễn cảnh nền kinh tế đã khác trước.

“Mùa Đông crypto đang diễn ra có thể kéo dài lâu hơn,” David Kemmerer, giám đốc điều hành của CoinLedger, nhận định. “Đó là do những nhân tố kinh tế vĩ mô: lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm, chi phí vay mượn tăng và bất ổn chính trị sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.”

Do lịch sử quá ngắn – Bitcoin ra mắt vào khoảng năm 2009, sau Đại suy thoái – nên những đợt giảm của thị trường tiền mã hóa không diễn ra đồng thời với thị trường gấu trong không gian tài chính rộng lớn hơn. Nhưng mọi chuyện giờ đã khác.

Các thị trường tài chính đã hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá kéo dài từ năm 2009 cho đến hết năm 2021, chỉ bị gián đoạn bởi đợt suy thoái trong lúc diễn ra đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020. Nhưng rồi làn gió ngược kép, lạm phát cao và Fed nâng lãi suất, đã đẩy cả thị trường chứng khoán và tiền mã hóa đi xuống. Các tài sản rủi ro như chứng khoán và tiền mã hóa hứng chịu cú sốc lớn khi lãi suất tăng.

Điều này là do lãi suất cao hơn đã hút kiệt thanh khoản khỏi nền kinh tế, và những tài sản rủi ro nhất chịu tác động lớn nhất. Hiện tượng đã khiến tiền mã hóa bị tổn thương cũng chính là nguyên nhân khiến giá các mã chứng khoán công nghệ tụt dốc. Meta (-67%), Netflix (-52%) và ngay cả Apple (-22%) cũng cảm nhận rõ sức nặng của đợt giảm này.

Để trả lời câu hỏi “mùa Đông crypto” sẽ kéo dài đến đâu, chúng ta cần nắm được lạm phát cao sẽ khiến cho Fed duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ đến khi nào. Lạm phát thấp và lãi suất giảm chính là những nhân tố có thể giúp cho tiền mã hóa.

“Thị trường gấu gần đây nhất kéo dài hơn 2 năm. Chúng ta mới chỉ đi qua 1 năm trong thị trường gấu lần này, và môi trường kinh tế vĩ mô đã tồi tệ đi đáng kể,” Nick Saporano, giám đốc điều hành của Divi Labs, nói.

Bitcoin về đâu trong năm 2023?

Bitcoin dự kiến sẽ kết thúc năm với mức giá vào khoảng 16.800 USD, giảm từ mức 19.500 USD ở thời điểm ngay trước khi FTX phá sản. Nếu như những đợt dư chấn từ vụ FTX phá sản còn tiếp diễn, giá Bitcoin sẽ còn giảm trong năm tới.

Ngay cả Cathie Wood, giám đốc điều hành của Ark Invest và là một người ủng hộ Bitcoin, cũng thừa nhận rằng những tổ chức tài chính lớn có thể rút lui khỏi tiền mã hóa trong ngắn hạn do vụ việc của FTX.

Từng đưa ra dự báo 1 triệu USD về giá Bitcoin trong năm 2030 trong cuộc phỏng vấn mới đây với Bloomberg, Wood nói rằng “Thứ duy nhất làm trì hoãn điều đó có lẽ là việc các tổ chức tài chính đang thoái lui và cho rằng “liệu chúng ta có thực sự hiểu về nó?””.

Khi danh tiếng của tiền mã hóa chịu tổn thất lớn do những cuộc khủng hoảng và bê bối xảy ra trong năm 2022, và các thị trường rộng lớn hơn cũng chịu ảnh hưởng, có nhiều nhà quan sát dự đoán rằng giá Bitcoin có thể trượt xuống dưới ngưỡng 10.000 USD trong năm 2023.

Các nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co. dự báo mức giá sàn của Bitcoin có thể là khoảng 13.000 USD, với “hàng loạt lệnh ký quỹ” trên khắp thị trường sau những sự kiện gần đây.

Các chiến lược gia cũng sử dụng chi phí sản xuất Bitcoin để dự báo xem giá của nó có thể trượt sâu đến đâu.

“Ở thời điểm hiện tại, chi phí sản xuất nó ở mức 15.000 USD, nhưng nó có thể trở lại mức thấp 13.000 USD trong những tháng mùa Hè", JPMorgan cho hay.

Dự báo về Ethereum trong năm 2023

Giá Ethereum thường diễn biến tương đồng với giá Bitcoin. Điều đó vẫn đúng cho tới thời điểm hiện tại.

Sau vụ sáp nhập Ethereum hồi tháng 9/2022, một đợt cải tổ mạng lưới lớn đối với đồng tiền mã hóa lớn thứ hai này, một số chuyên gia phân tích cho rằng sự liên kết về giá giữa nó và Bitcoin có thể sớm bị phá vỡ.

“Ethereum vẫn chưa được hưởng lợi ích gì xét về giá trị từ đợt sáp nhập mới đây,” Kemmerer nói. “Một phần nguyên nhân là do mùa Đông crypto.”

Kemmerer tin rằng giá Ethereum có thể tăng lên 2.500 USD trong vòng 6 tháng tới. Nhưng đây là viễn cảnh tích cực nhất, trong khi thực tế là những diễn biến đang đẩy giá Bitcoin đi xuống cũng đang ảnh hưởng tới Ethereum. Môi trường kinh tế vĩ mô cần được cải thiện, Bitcoin mới có cơ hội tăng giá.

Nếu điều đó không xảy ra, Ethereum chắc chắn sẽ giảm giá sâu hơn. Từng giảm xuống dưới 1.000 USD trong tháng 6, sẽ không có gì bất ngờ nếu như giá Ethereum giảm xuống mức 3 con số trong vòng 6 tháng tới, nếu như những yếu tố không thuận lợi tiếp tục xuất hiện.

Các loại tiền mã hóa khác

Cũng giống như Bitcoin và Ethereum, tình trạng của các đồng altcoin khác cũng không khá khẩm hơn.

Trong khi thị trường gấu đang hoành hành, các đồng altcoin (một thuật ngữ được dùng để nói về tất cả các loại tiền điện tử khác ngoài đồng tiền Bitcoin) chắc chắn không phải là thứ mà giới đầu tư muốn đổ tiền vào, và tình trạng này sẽ không sớm chấm dứt. Nhiều altcoin đã đối đầu căng thẳng với nhau để thiết lập tính hợp lệ của mình trong lúc thị trường bò đang diễn ra, giờ nhiệm vụ đó thậm chí còn khó khăn hơn.

Cho đến khi Bitcoin và Ethereum phục hồi, các altcoin sẽ còn tiếp tục đi theo xu hướng giảm. Và có khả năng một số altcoin sẽ biến mất hoàn toàn.

Các stablecoin sẽ là một trường hợp thú vị hơn trong năm 2023.

Sàn giao dịch tiền mã hóa Binance đã loại khỏi hệ thống của họ một số stablecoin trong tháng 9, bao gồm USD Coin (USDC), đồng tiền mã hóa lớn thứ 5 với tổng giá trị thị trường khoảng 43 tỉ USD. Những người tạo ra USDC sau đó tuyên bố rằng họ sẽ cho ra mắt một stablecoin được neo với đồng euro trên Solana vào nửa đầu năm 2023.

Một số nhà phân tích dự báo rằng cuộc cạnh tranh này sẽ trở nên căng thẳng hơn, do các dự án stablecoin được chính phủ bảo trợ - hay còn gọi là tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC) – ngày càng tăng.

Ngân hàng Nhật Bản hiện đang có kế hoạch liên kết với một số ngân hàng lớn để cho ra mắt tiền số vào đầu năm 2023. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn tuyên bố rằng họ sẽ cho ra mắt một stablecoin trong năm tới, và nhiều quốc gia khác có thể sẽ đưa ra động thái tương tự. Một trong số những nước đi đầu hiện nay chính là Trung Quốc.

Tính đến nay, tiền số của Trung Quốc mới chỉ được lưu hành thử nghiệm ở một số địa phương nhất định, nhưng nó có thể được mở rộng trong năm 2023.

Đối với các bên phát hành stablecoin hiện tại, như Tether (USDT) Circle và Binance, những diễn biến này báo trước cho họ về một cuộc cạnh tranh khốc liệt sắp tới.

“Stablecoin thực sự đang ở vị trí hết sức khó khăn bởi chắc chắn các CBDC sẽ ngốn hết thị phần của họ,” Richard Gardner, giám đốc điều hành của công ty fintech Modulus Global, nhận định.

Thị trường stablecoin rất khó dự báo, cũng giống như những dự báo về Bitcoin, Ethereum hay các đồng tiền mã hóa khác.

Chỉ có một điều chắc chắn: Rủi ro trong lĩnh vực tiền mã hóa sẽ vẫn ở mức cao./.

Theo Forbes