BlockFi: Từ "kỳ lân" của ngành công nghiệp tiền mã hóa tới bờ vực phá sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Được cho là 'nạn nhân' mới nhất sau khi FTX sụp đổ, BlockFi từng là 'kỳ lân' hàng đầu của ngành công nghiệp tiền mã hóa với mức định giá lên tới 4,8 tỉ USD.

Nền tảng cho vay tiền mã hóa BlockFi vừa đệ đơn xin phá sản (Ảnh: Forbes)
Nền tảng cho vay tiền mã hóa BlockFi vừa đệ đơn xin phá sản (Ảnh: Forbes)

Như VietTimes đã đưa tin, công ty cho vay tiền mã hóa BlockFi vừa nộp đơn xin phá sản ở một tòa án liên bang tại New Jersey (Mỹ), trở thành nạn nhân mới nhất sau cú sụp của sàn giao dịch FTX.

Theo hồ sơ xin phá sản, BlockFi đang có hơn 100.000 chủ nợ. Ước tính tổng tài sản và nợ phải trả của công ty dao động từ 1-10 tỉ USD. Chỉ riêng 10 chủ nợ lớn nhất của BlockFi đã nợ gần 1,2 tỉ USD, trong đó có khoản nợ 730 triệu USD chưa thanh toán cho Ankura Trust.

BlockFi cũng liệt kê FTX US – thành viên trong hệ sinh thái của FTX – là chủ nợ lớn thứ hai, với số dư lên tới 275 triệu USD.

Trước đó, vào tháng 11/2022, BlockFi đã thông báo tạm dừng rút tiền và hạn chế hoạt động trên nền tảng của mình sau khi tiết lộ có “sự tiếp xúc đáng kể” với sàn giao dịch FTX của Sam Bankman-Fried và Alameda Research.

Chỉ vài giờ sau khi nộp đơn phá sản, BlockFi đã kiện Emergent Fidelity Technologies – pháp nhân có liên quan tới Sam Bankman-Fried – trong một nỗ lực để giành lấy số cổ phần tại sàn giao dịch trực tuyến Robinhood đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Cụ thể, tài sản đảm bảo là 7,6% cổ phần mà Sam Bankman-Fried nắm giữ tại Robinhood, theo Financial Times.

Hành trình trở thành “kỳ lân” tiền mã hóa

BlockFi được thành lập vào năm 2017 bởi hai nhà sáng lập Zac Prince và Flori Marquez. Công ty có trụ sở chính tại New Jersey, là nền tảng dịch vụ tài chính và giao dịch tiền mã hóa được thiết kế để trở thành cầu nối với tài chính truyền thống.

Zac Prince và Flori Marquez là hai nhà sáng lập nền tảng cho vay BlockFi (Ảnh: CoinDesk)

Zac Prince và Flori Marquez là hai nhà sáng lập nền tảng cho vay BlockFi (Ảnh: CoinDesk)

BlockFi về cơ bản là một ngân hàng tiền mã hóa, tiếp nhận các khoản ký gửi và cho khách hàng vay để làm vốn giao dịch. Đổi lại, những người ký gửi sẽ nhận được lãi suất – thường là với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các ngân hàng truyền thống nhận tiền gửi bằng đồng USD.

Với chiến lược này, BlockFi đã chứng kiến lượng người dùng của mình tăng từ khoảng 10.000 vào cuối năm 2019 lên hơn 250.000 khách hàng cá nhân và 200 nhà đầu tư tổ chức.

Công ty đã hoàn thành vòng gọi vốn series D với số tiền khổng lồ huy động được là 350 triệu USD vào tháng 3/2021, chính thức trở thành “kỳ lân” tiền mã hóa với mức định giá 3 tỉ USD.

Trong vòng gọi vốn series E vào năm 2021, BlockFi đã được nâng mức định giá lên 4,8 tỉ USD và thu hút 1,2 tỉ USD từ các nhà đầu tư bao gồm Bain Capital, Coinbase Ventures và tiger Global, theo dữ liệu từ PitchBook.

Doanh thu của nền tảng này đã đạt gần 500 triệu USD vào năm 2021, tăng gấp 25 lần so với năm trước, chủ yếu từ hoạt động cho vay và giao dịch.

Năm 2022, tạp chí Inc. đã vinh danh BlockFi là công ty phát triển nhanh nhất tại Mỹ với mức tăng trưởng ấn tượng 245,6% - vượt trội hơn so với công ty xếp thứ hai.

BlockFi - tương tự nhiều công ty cho vay tiền mã hóa khác - đã phải chống chọi với 'mùa đông crypto' đầy khắc nghiệt kể từ đầu năm 2022. Công ty này đã sa thải 20% trong số 850 nhân viên của mình ngay sau khi sàn Celsius đóng băng việc rút tiền. Nhà đồng sáng lập BlockFi Flori Marquez ngay sau đó đã khẳng định rằng động thái trên đã được lên kế hoạch từ trước.

Tháng 7/2022, BlockFi đã công bố một thỏa thuận cho vay trị giá 400 triệu USD với FTX. Thỏa thuận cũng cho phép Sam Bankman-Fried mua lại nền tảng này với giá 240 triệu USD.

Thời điểm đó, BlockFi đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản nghiêm trọng và đang trượt tới bờ vực phá sản. Công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của đồng LUNA và những công ty cùng ngành./.

Nguồn tham khảo: Cointelegraph, Wall Street Journal, Financial Times