Một trường trung học ở Trung Quốc đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giám sát và phân tích hành vi của học sinh. Đây là trường THPT Hàng Châu số 11. Cứ 30 giây một lần, hệ thống máy tính lại quét khuôn mặt học sinh trong lớp và ghi lại dữ liệu biểu cảm của họ như vui, buồn, giận dữ, sợ hãi, chán nản. Hệ thống cũng ghi lại những hoạt động của sinh viên như viết, đọc, vươn vai hay ngủ gật. Hệ thống này được biết đến dưới cái tên “Hệ thống quản lý hành vi lớp học thông minh”.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, hệ thống này ngoài ghi nhận các hành vi của học sinh trên lớp, nó còn xác thực khuôn mặt học sinh cho việc trả tiền ăn trưa tại căng tin và mượn sách tại thư viện.
Phó Hiệu trưởng trường Hàng Châu số 11 cho biết tính riêng tư của học sinh được bảo đảm bởi công nghệ này không lưu trữ video thực tế từ lớp học, mà nó lưu lại dưới dạng số liệu trên máy chủ cục bộ thay vì máy chủ đám mây.
Năm ngoái, công ty Qihoo của Trung Quốc đã phải đóng lại hàng trăm kênh phát trực tuyến (livestream) sau khi bị phản đối về quyền riêng tư. Các kênh này phát trực tiếp cảnh quay từ một số địa điểm công cộng bao gồm hồ bơi, nhà hàng và lớp học.
Nhưng các hệ thống an ninh đang ngày được triển khai nhiều hơn tại Trung Quốc, khi mà tình trạng bạo lực và phạm tội ở nước này có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các trường mẫu giáo. Tại Bắc Kinh, tất cả các trường mẫu giáo được yêu cầu phải có hệ thống giám sát. Nhiều trường thậm chí còn kết nối với hệ thống giám sát của cảnh sát địa phương.
Trên đường phố Bắc Kinh, cảnh sát cũng đã lắp đặt hàng nghìn camera với công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi hoạt động của người dân và dự đoán hành vi tội phạm trước khi nó xảy ra. Thậm chí, cảnh sát còn được trang bị cả kính chuyên dụng tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đưa camera vào giám sát tại lớp học. Đầu năm nay, giới chức thành phố New Delhi (Ấn Độ) cho biết họ sẽ triển khai camera giám sát tại tất cả các trường công lập, cho phép phụ huynh có thể theo dõi con mình theo thời gian thực.